Nữ danh ca Tokiko Kato hát Diễm xưa, Ngủ đi con và Bài ca tặng anh trong đêm nhạc 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn tối 2-4 ở Nhà hát TP.HCM - Ảnh: GIA TIẾN
Mở đầu cuộc trò chuyện, bà cho biết đã rất xúc động khi có thể đứng trên sân khấu của các đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn sau 18 năm ông rời cõi tạm (Nhớ Trịnh Công Sơn ngày 1-4 tại đường sách và 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn, ngày 2 và 3-4 tại Nhà hát TP):
"Tôi chỉ có thể nói là quá tuyệt vời! Tôi thật sự hạnh phúc khi khán giả Việt Nam biết đến tôi, yêu quý tôi. Sự xuất hiện của tôi tại đường sách là không được báo trước nhưng mọi người vẫn chào đón nhiệt tình".
Nữ danh ca Tokiko Kato trong buổi trò chuyện với Tuổi Trẻ sáng 3-4 - Ảnh: GIA TIẾN
Tôi thật sự hạnh phúc khi thấy nhạc Trịnh vẫn được vang lên khắp mọi nơi, vẫn được người trẻ yêu thích và tìm tòi những cách thể hiện mới và khán giả vẫn luôn đón nghe.
Ca sĩ Tokiko Kato
Cái cây lớn lên ở nơi cội rễ
* Công chúng Việt Nam vẫn luôn thắc mắc điều gì đã khiến bà yêu quý nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các tác phẩm của ông đến thế khi số lần bà gặp ông không nhiều?
- Từ năm 1970, tôi đã được nghe nhạc ông qua tiếng hát Khánh Ly - ca khúc Diễm xưa được Khánh Ly hát bằng tiếng Nhật. Với cái tên được dịch sang tiếng Nhật là Ame ni kieta Anata (Người em chìm khuất trong mưa), ca khúc được nghe rộng rãi qua đĩa than tại Nhật.
Tôi đã rất thích ca khúc này vì lời hát như thơ nên đã xin phép được thể hiện lại ca khúc Diễm xưa bằng tiếng Nhật trong live concert tại quê hương Harbin (Cáp Nhĩ Tân) của mình vào năm 1981. Nhưng phải đến năm 1997, để thu âm ca khúc này trong album Tokiko-Cry, tôi đã sang thăm nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở TP.HCM.
Dù gặp nhau lần đầu, nói chuyện trong khoảng hai tiếng nhưng chúng tôi như đã quen từ lâu vì có những sở thích, thói quen và hoàn cảnh giống nhau. Chúng tôi đều trải qua những khoảng thời gian gian khó và chịu nhiều mất mát vì chiến tranh.
Tôi nhớ khi tôi mới 2 tuổi, ba tôi vẫn còn đang ở trong quân đội thì quê hương Harbin của tôi bỗng dưng về tay Trung Quốc. Chúng tôi bỗng trở thành những người không có quê hương và anh trai cả của tôi đã trở thành chỗ dựa cho cả nhà ở giai đoạn đầy mất mát đó.
Tokiko Kato kể về kỷ niệm với bài Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Video: GIA TIẾN
Khi tôi trò chuyện với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về những nỗi đau trong quá khứ, của chiến tranh, ông đã nói với tôi rằng chính lòng bao dung, thứ tha và tính nhẫn nhịn đã giúp nguời Việt vượt qua những nỗi đau và gian khổ. Tôi đã rất thấm thía với câu nói này và coi ông như người anh của mình.
Một câu nói khác của ông cũng khiến tôi nhớ mãi là khi ông giải thích về chọn lựa ở lại Việt Nam: "Để sống và tồn tại, con người luôn tìm đến những điều kiện tốt hơn. Điều đó không có gì là sai cả.
Nhưng tôi lại cảm thấy mình như một cái cây của vùng đất mình sinh ra. Cái cây này muốn đơm hoa kết trái thì phải mọc, lớn lên ở nơi cội rễ của mình". Tôi nghĩ đó là lý do âm nhạc của ông sống mãi, bởi ông đã ở lại cùng nhân dân, cùng vui, cùng buồn, cùng thổn thức... với họ.
Tokiko Kato Ngủ đi con của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Video: GIA TIẾN
Mong hát cùng Khánh Ly tại Việt Nam
* Còn những kỷ niệm nào với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà bà mãi không quên?
- Tôi nhớ trong lần gặp ông đầu tiên năm 1997, tôi đã ôm guitar hát bài Diễm xưa. Ông tỏ ra vô cùng thích thú và nói rằng tôi nên làm việc này trên một sân khấu và thế là dẫn tôi đến một sân khấu nhỏ đang sáng đèn hôm đó để hát.
Ngay trong năm đó, tôi đã mời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly sang Nhật để tham gia live concert của tôi nhưng chỉ có ca sĩ Khánh Ly qua, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không thể đi được vì lý do sức khỏe.
Điều này khiến tôi quyết tâm thực hiện một chương trình ở Việt Nam vào năm 1999 tại Đà Nẵng, nhưng lần này đến lượt ca sĩ Khánh Ly vắng mặt vì không xin được visa. Tôi đã qua Việt Nam cùng con gái và cháu đã đánh piano cho tôi hát Diễm xưa. Trong khi đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng tự đệm đàn guitar và hát. Đó là lần đầu tiên tôi được thấy ông hát trên sân khấu.
Nữ danh ca Tokiko Kato cùng các nghệ sĩ Việt Nam hát Hãy yêu nhau đi trong đêm nhạc 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn tối 2-4 ở Nhà hát TP.HCM - Ảnh: GIA TIẾN
Tôi cũng nhớ năm 1998, tôi trở lại Việt Nam tham gia dự án trồng rừng ngập mặn ở Cần Giờ và một sự kiện âm nhạc ngoài trời. Khi ấy, tôi đã tranh thủ ghé thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ông đã vẽ tranh tôi. Bức vẽ khi ấy vẫn chưa hoàn thành nên ông đã không tặng bức tranh đó cho tôi.
Tuy nhiên, ông có thói quen vẽ và treo tranh những người bạn của mình trong phòng khách. Chính thói quen này của ông đã giúp tôi sớm nhận được tin ông qua đời.
Ngay đúng hôm ông mất, ngày 1-4-2001, tôi đã nhận được một cuộc điện thoại từ một người lạ mà tôi tin rằng là một phóng viên Nhật Bản báo với tôi rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mất. Người đó gọi cho tôi vì đã nhìn thấy bức tranh của tôi ở nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nữ danh ca Tokiko Kato khoe bộ album 6 đĩa của bà, trong đó có bài Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Video: GIA TIẾN
* Và bà sẽ tiếp tục làm thêm gì nữa cùng nhạc Trịnh?
- Tôi vừa phát hành bộ album gồm sáu CD, trong đó có hai bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Diễm xưa và Ngủ đi con. Trong đó cũng có ca khúc Bài hát tặng anh do tôi sáng tác và vừa trình diễn lần đầu tại Việt Nam trong hai đêm 2 và 3-4.
Nội dung Bài hát tặng anh là những lời yêu thương mà mình chưa kịp nói nhưng người thương đã đi xa. Dẫu vậy, những tình cảm, khoảnh khắc đẹp đẽ sẽ mãi ở lại... Đó cũng là những gì mà tôi luôn muốn nói với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và khán giả của ông.
Ngoài ra, tôi cũng ấp ủ việc chuyển ngữ sang tiếng Nhật ca khúc Hạ trắng. Tôi rất yêu ca khúc này và hi vọng có cơ hội được hát, ghi âm ca khúc này bằng tiếng Nhật trên sân khấu của Việt Nam và Nhật Bản. Một mong muốn nữa của tôi là có thể hát cùng ca sĩ Khánh Ly trên sân khấu ở Việt Nam.
Bà Tokiko Kato là một trong những ca sĩ, nhà soạn nhạc, nhà thơ và diễn viên nổi tiếng của Nhật Bản. Bà từng đạt được rất nhiều huân chương, giải thưởng danh giá tại Nhật; được Chính phủ Pháp trao Huân chương Chevalier (Kỵ sĩ) vào năm 1992.
Ngoài ra, bà cũng được biết như một nhà hoạt động xã hội rất tích cực đối với môi trường, với tư cách là đại sứ đặc biệt của Quỹ Bảo toàn thiên nhiên của Nhật và Chương trình bảo vệ môi trường của Liên Hiệp Quốc. Hiện nay, dù đã gần 80 tuổi, lịch diễn của bà vẫn tương đối kín.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận