20/05/2004 05:04 GMT+7

"Tôi vẫn không thay đổi cách nhìn về chất lượng giáo dục"

ĐÀ TRANG thực hiện
ĐÀ TRANG thực hiện

TT - Đại biểu NGUYỄN ĐỨC DŨNG (Kontum) là người đầu tiên đề nghị Quốc hội thành lập một ủy ban lâm thời để điều tra về chất lượng giáo dục và cải cách giáo dục. Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông nói:

Đại biểu quốc hội Nguyễn Đức Dũng:

EZRkIPwQ.jpgPhóng to
Cô Hồ Thị Thanh Trúc hướng dẫn HS lớp 12A4 Trường THPT Phan Đăng Lưu, TP.HCM ôn thi tốt nghiệp môn địa - Ảnh: Như Hùng
TT - Đại biểu NGUYỄN ĐỨC DŨNG (Kontum) là người đầu tiên đề nghị Quốc hội thành lập một ủy ban lâm thời để điều tra về chất lượng giáo dục và cải cách giáo dục. Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông nói:

- Ủy ban thường vụ Quốc hội (QH) đã gửi văn bản trả lời tôi về đề nghị thành lập ủy ban lâm thời điều tra chất lượng giáo dục và cải cách giáo dục: trước mắt Chính phủ sẽ báo cáo QH nội dung này vào kỳ họp cuối năm nay. Sau đó nếu có vấn đề gì phát sinh và nếu thấy cần thiết thì tính sau (xem có nên thành lập ủy ban lâm thời hay không).

Tôi thấy cách giải quyết của Ủy ban thường vụ QH như vậy cũng hợp lý, tuy bước đi có phần thận trọng. Thực tế nhiều người dân đã thấy rõ ràng chất lượng giáo dục hiện nay thấp, song để đánh giá vấn đề này cũng cần có thời gian. Giá kể tích cực hơn nữa, tôi nghĩ vẫn có thể thành lập luôn một ủy ban lâm thời của QH…

* Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT - cơ quan chủ trì báo cáo của Chính phủ, việc đánh giá chất lượng giáo dục trước mắt sẽ chỉ được gói gọn trong giáo dục phổ thông với giai đoạn từ 1996 đến nay để kịp trình QH vào kỳ họp tới. Ý kiến của ông ra sao?

-Tôi cho rằng không thể chỉ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông mà phải đánh giá một cách tổng thể, bao gồm cả giáo dục đại học. Thật ra sản phẩm cuối cùng của giáo dục là để con em chúng ta vào đời đáp ứng được yêu cầu công việc. Thế nhưng chất lượng đào tạo đại học của ta hiện cũng có vấn đề, khi mà cơ hội kiếm được công ăn việc làm của sinh viên ra trường không cao, khả năng đáp ứng công việc thấp. Cho nên đây cũng là thực trạng cần phải chấn chỉnh ngay.

XZgOZvIU.jpgPhóng to
Đại biểu quốc hội Nguyễn Đức Dũng
* Vậy theo ông, báo cáo của Chính phủ cần thể hiện được những yêu cầu cơ bản nào?

- Cơ bản nhất vẫn là đánh giá đúng thực trạng giáo dục của chúng ta. Hiện nay một số người ngộ nhận yếu tố nhận thức xã hội đồng nghĩa với chất lượng giáo dục. Ngay bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nói các em học sinh bây giờ nhận thức xã hội tốt hơn các thế hệ cha ông, chẳng hạn các em có thể sử dụng máy vi tính, truy cập Internet...

Nhưng tôi cho rằng điều đó không thể hiện được chất lượng của giáo dục. Bởi một khi xã hội phát triển, điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phương tiện hiện đại văn minh cũng tăng lên. Trẻ em ngày nay đều biết đến tivi, dễ dàng biết đến vi tính, chứ chúng tôi ngày trước tốt nghiệp đại học rồi mà chẳng hề biết vi tính là gì.

Vì thế theo tôi, chất lượng giáo dục trước hết được đánh giá trên cơ sở chất lượng của “đầu ra”: kiến thức, trình độ được trang bị trong nhà trường liệu đã đáp ứng, theo kịp yêu cầu trong thời kỳ mới? Và những sản phẩm “đầu ra” này phải được so với khu vực, thế giới chứ không phải so với chính chúng ta trước đây.Ngoài ra, bản báo cáo của Chính phủ cũng phải chỉ rõ được những yếu kém đã làm cho chất lượng giáo dục của ta sa sút, từ đó có giải pháp khắc phục.

* Thủ tướng Chính phủ mới ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng báo cáo tình hình giáo dục (hôm 6-5) do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển làm trưởng ban. Theo ông, thời gian từ nay đến kỳ họp cuối năm liệu có đủ để xây dựng một bản báo cáo chất lượng?

- Thời gian như vậy kể ra cũng hơi gấp, bởi tôi được biết cho đến nay chúng ta vẫn gần như chưa xác định được hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục thế nào cho chuẩn. Không khéo chất lượng của báo cáo sẽ không cao.

* Ông vừa nhắc đến yếu tố khách quan. Phải chăng để đạt được điều này, Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH cũng nên chủ động “vào cuộc”?

- Tôi nghĩ rằng ban chỉ đạo phải tập hợp được nhiều chuyên gia đầu ngành, tâm huyết, không chỉ của riêng ngành giáo dục - đào tạo mà cả ở các ngành có liên quan. Việc mở rộng thành phần và phát huy trí tuệ tập thể của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành sẽ đem lại cái nhìn thật khách quan về chất lượng giáo dục và cải cách giáo dục. Khi báo cáo này hoàn thành, đương nhiên Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng sẽ tiến hành thẩm tra. Đây cũng chính là một kênh thông tin cần thiết.

* Còn riêng cá nhân ông trước sau như một vẫn khẳng định chất lượng giáo dục của ta hiện nay thấp và đáng báo động. Những biểu hiện nào nói lên điều đó, thưa ông?

- Một biểu hiện nổi bật là học sinh của chúng ta lâu nay vẫn phải học theo lối rất thụ động, kiểu “tầm chương trích cú”. Kể cả sinh viên ra trường cũng thiếu sự chủ động, sáng tạo. Việc học bây giờ mang nặng tính... cổ điển, học thuộc lòng (học vẹt) để đối phó, lấy thành tích. Chưa kể những chuyện tiêu cực như học hộ, học thuê, thi hộ, thi thuê...

Ngay cả những học sinh có ý thức đi chăng nữa thì cách dạy trong nhà trường cũng không cho phép các em được tự do vận động suy nghĩ, tự do nghiên cứu, sáng tạo. Chúng ta cứ nói “học đi đôi với hành”, thế nhưng cái “hành” ở đây hoặc không có điều kiện hoặc không còn thời gian để phát huy (vì phần lý thuyết, sách vở đã chiếm hết thời gian, tâm trí học trò). Thậm chí với một khối lượng quá nặng kiến thức (được nhồi nhét), có khi các em không còn kịp tiếp nhận và biến cái của thầy thành cái của mình.

Thật sự, chất lượng giáo dục của ta thấp còn thể hiện qua kỳ thi phổ thông và đại học mà báo chí từng phản ánh.

* Có phải vì nỗi bức xúc ấy mà có lần ông đã nói: trong báo cáo thực hiện “lời hứa” gửi các đại biểu QH (kỳ họp trước), Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã đưa ra một vài biện pháp kiên quyết để khắc phục những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục. Tuy nhiên sự kiên quyết lại chỉ được thể hiện trên giấy (văn bản) chứ không phải ở khâu tổ chức thực hiện?

- Đúng vậy. Tôi nghĩ việc tổ chức thực hiện của ngành giáo dục còn kém, công tác kiểm tra, xử lý cũng không đến nơi đến chốn. Một ví dụ điển hình: chuyện dạy thêm, học thêm tràn lan được nói đi nói lại nhiều mà vẫn chưa khắc phục được, cho dù văn bản cũng đã có. Bây giờ (Bộ GD-ĐT) cứ yêu cầu “học phải tự nguyện” nhưng thực tế thì ai cũng thấy tự nguyện ở đây là tự nguyện... bắt buộc. Cái này rất rõ, không phải bàn cãi gì nhiều.

Thế còn trách nhiệm? Tôi cho rằng công tác quản lý của Bộ GD-ĐT còn yếu kém. Bộ không kiên quyết, không làm cho cán bộ công chức ngành mình tuân thủ ý kiến chỉ đạo, dẫn đến hậu quả mà cả xã hội phải gánh.

* Xin cảm ơn ông.

Tin bài liên quan:

* Bao nhiêu là thực chất?

* “Hàng gian, hàng giả, hàng lậu”, có chống được không?

ĐÀ TRANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên