07/08/2020 09:04 GMT+7

'Tôi làm thợ đụng mà, đụng đâu làm đó, không lo thất nghiệp'

MỘC LAM
MỘC LAM

TTO - "Chỗ mày làm còn tuyển người không? Tao qua xin làm với. Chứ tao thất nghiệp rồi…", Thanh Tuấn (28 tuổi, quê Quảng Ngãi) hỏi bạn qua điện thoại rồi xếp đồ đạc, trả phòng trọ đi tìm công việc mới.

Tôi làm thợ đụng mà, đụng đâu làm đó, không lo thất nghiệp - Ảnh 1.

"Thợ đụng" Tuấn (áo xám) đang cặm cụi thi công biển hiệu quảng cáo - Ảnh: M.L.

2 tháng, 6 nghề

Trước đó, Tuấn là công nhân một xí nghiệp đông lạnh trong Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM). Tuy nhiên, từ đợt đầu của dịch COVID-19, đơn đặt hàng của xí nghiệp ngày càng ít, công nhân cũng dần dần phải nghỉ việc. Tuấn nằm trong số đó.

"Tôi mới gọi đứa bạn làm bên công ty thiết kế biển hiệu quảng cáo. Nó có hỏi "liệu làm được không mà xin?". Tôi làm được. "Thợ đụng" mà, đụng đâu làm đó, làm gì cũng được cả", Tuấn tâm sự. 

Tuấn không về quê, không phải vì Quảng Ngãi cũng đang có dịch COVID-19. Anh kể: "Xa xứ đi làm ăn, giờ về "tay trắng" sao được, nên cố gắng làm để có tiền mà bám trụ ở thành phố này". Tuấn cũng khoe công việc mới, ngày ngày thi công đèn LED, chữ nổi inox, mica…, mỗi tháng được 6 triệu tiền lương.

Hiện nay, những trường hợp như Tuấn khá nhiều. Vì thất nghiệp, họ trở thành "thợ đụng". Hễ thấy công việc nào đang tuyển, có khả năng làm được là họ xin làm. Có người, như Tấn Lực (24 tuổi, quê Bến Tre) từng là công nhân may giày 2 năm, sau đó trải qua "kinh nghiệm… thợ đụng" với rất nhiều nghề: bốc vác ở chợ đầu mối, lái xe… Hiện tại anh làm cho cơ sở sản xuất nước uống đóng chai.

Tôi làm thợ đụng mà, đụng đâu làm đó, không lo thất nghiệp - Ảnh 2.

Nhiều công nhân ở TP.HCM thất nghiệp vì COVID-19, buộc họ phải tìm kế sinh nhai khác. Trong ảnh: cảnh làm việc tại một công ty may ở Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: M.L.

"Thời dịch, công ty nào cũng khó khăn. Những nơi mình từng làm đều đã dừng hoạt động nên buộc phải suy nghĩ, tìm cách để có công việc mới. Hên là công việc gì mình cũng có thể làm. Không biết thì nhờ chủ hướng dẫn. Hi vọng công việc hiện tại ổn định, không phải kiếm công việc khác nữa", Lực nói.

Đình Ân (32 tuổi, quê Thanh Hóa) đang chạy xe mà luôn láo liên hai bên đường. Ân đang tìm kiếm những tờ giấy in lời rao thông tin tuyển dụng. Cách đây hai tháng, anh là công nhân một công ty tư nhân sản xuất nhang ở Q.Bình Tân. Công ty hết đơn đặt hàng từ các đối tác, anh phải nghỉ việc.

"Mình ôm hồ sơ đi xin khắp nơi. Nhưng có chỗ lương thấp quá, có nơi không có nhu cầu tuyển dụng. Mình quyết định xin làm những công việc tay chân", Ân kể.

"Tính đến nay, sau hai tháng mình đã làm đủ nơi, trải qua cũng 6 công việc rồi. Ban đầu là nhân viên phục vụ quán Internet. Tiếp đến là giữ xe cho quán cà phê. Hai nơi ấy vì lượng khách ngày càng ít nên giảm lượng nhân viên. Mình xin ở một cơ sở làm chả, cũng buộc phải nghỉ. Xin phụ hồ, được ngày nào lấy công ngày nấy. Công trình xong, mình phải nghỉ. Sau đó đi rửa xe được vài ngày, rồi cũng… thất nghiệp. Giờ đi kiếm chỗ nào tuyển thì xin làm", Ân nói thêm.

Tôi làm thợ đụng mà, đụng đâu làm đó, không lo thất nghiệp - Ảnh 3.

Quang đang làm bảo vệ, sau khi đã "đụng việc gì cũng làm", trải qua rất nhiều nghề - Ảnh: M.L.

Cần cù không lo… đói

Minh Quang (28 tuổi, quê Đắk Lắk) cho biết cũng từng là công nhân một xí nghiệp sản xuất giày ở Bình Dương, tuy nhiên sau đó bị công ty cắt giảm nhân sự. Anh lay lắt bằng đủ nghề, từ phụ việc cho một vựa cua trên đường Phan Anh (Q.Tân Phú), chăm sóc cây cảnh cho một vựa cây mini ở Q.Gò Vấp, phụ hớt tóc cho một quán trên đường Thành Thái (Q.10)… Giờ đây Quang là nhân sự thuộc một công ty bảo vệ, làm việc ở một chung cư.

"Dịch COVID-19 làm xáo trộn cuộc sống của rất nhiều người, mà giới công nhân là khổ nhất. Tôi còn đỡ vì làm nghề gì cũng được, từ hớt tóc đến tỉa cây cảnh, nên không sợ đói. Chịu khó một tí là có thể làm được mọi việc. Nhiều bạn bè tôi thất nghiệp, chỉ nằm ở phòng trọ", Quang kể.

Hoàng Quý (34 tuổi, ở Gia Lai) từng là công nhân một cơ sở gò hàn (Q.Bình Thạnh). Chủ cơ sở vì làm ăn khó khăn phải trả lại mặt bằng. Quý buộc phải suy nghĩ, kiếm kế khác sinh nhai. Hiện tại Quý "cập bến", làm thợ hớt tóc tại một quán ở Q.Bình Tân.

"Công nhân như tôi ít học, để làm những công việc tính toán, phải tư duy thì rất khó. Nhưng nếu làm những công việc tay chân, dù công việc có cực nhọc, vất vả cỡ nào tôi cũng làm được", Quý tâm sự.

Cũng theo Quý, thời dịch giã ai cũng khó khăn. Tuy nhiên, mỗi người chỉ cần chịu khó, cần cù thì cũng sẽ tự có cách tìm được công việc làm qua ngày, kiếm được tiền công nhằm xoay xở, trang trải cuộc sống.

"Ai biết nhiều nghề, chịu cực được, không ngại khó ngại khổ thí cơ hội có việc làm nhiều hơn. Vì "thợ đụng", đụng việc gì làm cũng được thì chắc chắn không lo thất nghiệp quá lâu", Quý đúc kết.

Anh cười: "Khi dịch vẫn chưa biết sẽ diễn tiến như thế nào, khi nào hết, hằng ngày vẫn có những công nhân trở thành dân… thất nghiệp, có thể nói "thợ đụng" mới là… nghề "hot" nhất hiện nay".

​Người có trình độ thất nghiệp tăng ​Người có trình độ thất nghiệp tăng

TTO - Thất nghiệp tăng ở nhóm có trình độ, chuyên môn kỹ thuật với 471.000 người, chiếm trên 42%, trong đó nhóm trình độ đại học là gần 220.000 người,

MỘC LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên