24/10/2014 09:00 GMT+7

​“Tôi là người Liberia, không phải virút”

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT - Câu khẩu hiệu đó đã và đang lan tỏa khắp nơi trên mạng Internet bên cạnh địa chỉ Facebook chính thức “I am a Liberian, not a virus”.

Chị Shoanna Solomon, một trong bốn phụ nữ phát động phong trào “I am a Liberian, not a virus” - Ảnh từ Facebook
Chị Shoanna Solomon, một trong bốn phụ nữ phát động phong trào “I am a Liberian, not a virus” - Ảnh từ Facebook

Ngày càng nhiều những tấm ảnh chụp người Liberia cầm trên tay tấm biển ghi dòng chữ này được tung lên mạng. Tất cả chỉ để nói lên một mong muốn đầy nhức nhối: hãy xóa bỏ sự kỳ thị đang làm tổn thương những người Liberia nói riêng và người Tây Phi nói chung trong bối cảnh đại dịch Ebola chưa thể kiểm soát.

Liberia là đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Ebola. Với ít nhất 2.705 người đã tử vong, gấp đôi ở Sierra Leone và gần gấp ba của Guinea, nên Liberia trở thành cái tên được người ta nhớ tới đầu tiên khi nói về Ebola.

Thêm vào đó, sau vụ việc của Thomas Eric Duncan - một người Liberia nhiễm Ebola tại quê nhà và qua đời ở Mỹ khiến hai nữ y tá điều trị cho ông cũng bị lây bệnh, nỗi hoang mang ngày càng lan rộng. Và kéo theo đó, không xa lắm, là thái độ kỳ thị của mọi người với những ai liên quan (gần hoặc xa) với bệnh Ebola.

Bối cảnh đó là chất xúc tác làm nên chiến dịch hành động của bốn người phụ nữ Liberia. Thoạt đầu chị Comfort Leeco viết một đoạn rất cảm động lên Facebook chia sẻ cảm giác của mình khi là một người Liberia trong bối cảnh đại dịch hoành hành đất nước. Câu chuyện đã khiến chị Aisha Bruce nảy ra ý tưởng phát động một chiến dịch ngăn chặn thái độ kỳ thị vô lý.

Khi nêu ý tưởng đó lên Facebook, chị Aisha Bruce nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bác sĩ Katurah Cooper. Nữ bác sĩ ngay lập tức huy động các lực lượng tiến bộ khác ở Liberia tham gia phong trào với khẩu hiệu do chị nghĩ ra: “I am a Liberian, not a virus” (Tôi là người Liberia, không phải virút).

Tâm đắc với khẩu hiệu của bác sĩ Katurah Cooper, chị Shoanna Solomon đã nảy ra ý tưởng dùng các tấm ảnh chụp truyền đi thông điệp. Chị đã tự chụp ảnh mình trong tư thế tay cầm tấm bìa giấy ghi rất to dòng chữ do bác sĩ Cooper nghĩ ra rồi chia sẻ lên Facebook. Chỉ trong vòng vài giờ, bức ảnh đã được lan truyền với tốc độ... virút.

Rất nhiều người (cả người châu Phi lẫn người châu lục khác) đã bày tỏ lòng tri ân với những phụ nữ đã phát động chiến dịch truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ thái độ kỳ thị vô lý với người Liberia nói riêng và người Tây Phi nói chung.

Sau 11 ngày phát động chiến dịch hành động, những phụ nữ của phong trào “I am a Liberian, not a virus” đã chia sẻ những dòng này trên Facebook: “Tôi nhận ra điều này giờ đây còn có nhiều ý nghĩa hơn cả một thông điệp chống kỳ thị. Đây còn là lời kêu gọi với những người dân Liberia đồng lòng bảo vệ niềm tự hào dân tộc, lòng tự tôn và hình ảnh tích cực. Chúng ta đã có cơ hội để nói ra câu chuyện thật sự với thế giới. Liberia là đất nước của tình yêu thương, sự quan tâm, tận tụy và những người đang phải vật lộn với dịch bệnh đều rất mạnh mẽ và dẻo dai”.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên