Phóng to |
Từ An biểu diễn ảo thuật với bộ bài cho các em nhỏ xem trong một chương trình tình nguyện ở Bảo Lộc, Lâm Đồng năm 2009 - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Sau một cơn sốt bại liệt năm 4 tuổi, Nguyễn Thị Từ An bị khuyết tật ở chân. Bạn từng đạt điểm 10 cho khóa luận tốt nghiệp đại học “Những vấn đề giới trong hôn nhân gia đình của người khuyết tật ở TP.HCM hiện nay”, đạt giải khuyến khích SV nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2008, là tình nguyện viên của Tổ chức Catalyst Foundation, cựu chủ nhiệm CLB SV khuyết tật Đồng hành ĐH KHXH&NV TP.HCM. |
Tôi ra trường với tấm bằng loại giỏi và là thủ khoa của cả hai kỳ: kỳ tuyển sinh và kỳ tốt nghiệp khóa 2005-2009 của khoa xã hội học, ĐH KHXH&NV TP.HCM. Tôi háo hức đi xin việc ở những tổ chức xã hội - nơi tôi từng quen biết, từng làm tình nguyện viên hoặc từng là cộng tác viên.
Cứ thầm nghĩ: “Rồi đây tôi sẽ tiếp bước con đường làm việc với cộng đồng, nhất là với người khuyết tật” là tôi lại mỉm cười mãn nguyện.
Nhưng rồi, thời gian chờ đợi những email hồi âm, những cuộc điện thoại phản hồi từ nhà tuyển dụng cứ dài ra. Rồi một nơi từ chối, hai nơi từ chối… với lý do “đã đủ nhân sự”.
Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” cuốn tôi đi theo chiều hướng khác khi cánh cổng “làm việc vì cộng đồng” dần khép lại.
Tôi bắt đầu xin việc ở các công ty. Ngay ngày đầu nộp hồ sơ, tôi đã được gọi tới phỏng vấn và cho nhận việc ngay trong ngày hôm sau. Đó là một may mắn! Tôi có được một công việc khá ổn định ở một công ty truyền thông. Tôi làm ở vị trí thư ký kinh doanh - vị trí rất phù hợp với dạng tật của tôi.
Tôi không phải di chuyển nhiều, không phải ra nắng nhiều. Tôi còn được sếp và đồng nghiệp giúp đỡ tận tình, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi làm việc tại công ty với mức lương tương đối cho một tân cử nhân. Còn gì tốt hơn thế?
Mỗi ngày, đúng 7g tôi ra khỏi nhà với cái giỏ nhỏ đựng cơm, chăm chỉ làm việc và về đến nhà lúc 18g15. Đều đặn như thế, ngày qua ngày, tuần qua tuần… và cuối tháng nhận lương. Thời gian rảnh của tôi không đủ nhiều để tôi tham gia các chương trình công tác xã hội.
Phóng to |
Thế nhưng ngọn lửa khao khát làm điều gì đó có ích cho cộng đồng trong tôi thường bị thổi bùng mỗi khi bạn bè khoe về những chuyến công tác xã hội của họ. Tôi nghẹn ngào khi nghe bạn bè kể: “Mình vừa tổ chức cho nhóm đi tình nguyện ở Cần Giờ! Vui ác liệt!”.
Và những cuộc gọi điện thoại từ CLB SV khuyết tật Đồng Hành Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM: “Chị Từ An ơi, tuần này tụi em định đi thăm các bà mẹ VN anh hùng ở Bình Dương. Chị có đi cùng tụi em được không?”. Hay các em SV khuyết tật ở ĐH Đồng Tháp: “Chị An ơi, tuần này có đoàn ở TP.HCM xuống tập huấn. Chị có đi cùng đoàn ấy không?".
Tôi ngẹn ngào: “Xin lỗi các em, chị không đến được!”. Và tôi dằn vặt mình mãi, ray rứt mãi không yên. Hằng đêm, hai tiếng “cộng đồng” cứ theo tôi vào những giấc mơ.
Tôi bỏ việc ở công ty sau ba tháng làm việc. Tôi sẽ tiếp bước con đường “làm việc vì cộng đồng, vì người khuyết tật”. Ngay sau khi nghỉ việc, tôi tham gia nhiều hơn các chương trình công tác xã hội như đi bộ vì người nghèo, tham gia tổ chức hội thảo công nghệ thông tin cho người khuyết tật, các hoạt động của CLB SV khuyết tật Đồng Hành…
Dù những hoạt động ấy đều không thể “nuôi sống” tôi bằng vật chất, nhưng tôi thấy hạnh phúc vô cùng vì đã làm được điều gì đó có ích cho cuộc đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận