![]() |
Phúc trình của Bradley O’Leary (O’Leary report) đã được công bố trên các phương tiện truyền thông Mỹ từ 5-1-2004. Đây là kết quả một cuộc nghiên cứu công phu để tìm hiểu các xu hướng chính trị hiện nay của công dân Mỹ cũng như những giá trị của xã hội Mỹ hiện đại.
Một phần của cuộc nghiên cứu này là nhằm tìm hiểu thái độ của công dân Mỹ đối với các vấn đề quốc tế và một số nước trên thế giới, trong đó có VN (xem trích đăng phúc trình: “Người Mỹ đánh giá tích cực tiến bộ nhân quyền của VN năm năm qua”).
* Ông đánh giá thế nào về cuộc thăm dò liên quan tới cái nhìn của dân Mỹ đối với các nước, trong đó có VN?
- Đây là cuộc thăm dò chính trên toàn quốc với khoảng 1.200 công dân, tỉ lệ sai số có thể là 2%. Nó thể hiện rõ cộng đồng Mỹ hiện nay có cái nhìn thuận lợi về VN và Nga , trong khi lại nhìn không thuận lợi lắm về Ai Cập, Arabia Saudi và Trung Quốc.
“The O’Leary report” (www.olearyreport.com) do nhà phân tích chính trị kỳ cựu Bradley O’Leary thực hiện, bắt đầu từ năm 1997 dưới hình thức phát triển bản tin chính trị O’Leary/Kamber Report, được phát hành trong những năm 1980 và 1990. O’Leary và Kamber còn là đồng tác giả một số sách chính trị được sử dụng rộng rãi tại các trường trung và đại học Mỹ nhằm giúp giáo dục sinh viên về các vấn đề nước Mỹ đang phải đối mặt. O’Leary Report thường xuyên hợp tác với tổ chức trưng cầu ý kiến Zogby International để điều tra cộng đồng Mỹ về những vấn đề thường nhật. Bản thân Bradley O’ Leary là một nhà báo có những hiểu biết sâu sắc về chiến tranh VN qua những nghiên cứu tư liệu và trải nghiệm bản thân. Ông đã nhiều lần tới VN, là tác giả cuốn sách từng được Tuổi Trẻ trích đăng tháng 4-2003 “Những ông vua thời chiến tranh lạnh - vụ ám sát Ngô Đình Diệm và J. F. Kennedy”. |
* Ông có nghĩ rằng cuộc thăm dò thật sự phản ảnh xu hướng suy nghĩ chính của xã hội Mỹ hiện nay?
- Không ai nghi ngờ gì rằng cuộc thăm dò là một chỉ dấu rõ ràng về những gì xã hội Mỹ đang tin vào hiện nay.
* Nếu nó có thể phản ảnh xu hướng chính của xã hội Mỹ thì ông giải thích thế nào về quan điểm của một số thượng nghị sĩ Mỹ về những cái gọi là “các vấn đề nhân quyền của VN”?
- Tôi cảm thấy quan điểm của nhiều thượng và hạ nghị sĩ Mỹ là gần như không thể hiểu nổi. Không chỉ về vấn đề nhân quyền, mà còn về các quyền tự do Mỹ và những vấn đề người Mỹ quan tâm. Nhưng trong một nền dân chủ, chúng tôi kiên nhẫn chịu đựng những thượng và hạ nghị sĩ suy nghĩ sai trái này.
* Trên cơ sở nào mà người Mỹ có những đánh giá tích cực về tiến bộ nhân quyền của VN?
- Người Mỹ có rất nhiều nguồn thông tin. Có bốn hãng truyền hình cạnh tranh nhau và vô số những chương trình truyền hình giáo dục, hơn 50% các gia đình có máy tính và tìm kiếm thông tin trên mạng, chưa kể những chương trình nói chuyện trên đài phát thanh.
Trong khi đó những hoạt động của Quốc hội không phải là một nguồn tin của họ. Hiểu biết của họ là từ thông tin của báo chí tự do và có rất nhiều bài viết tích cực về những gì đang diễn ra ở VN. Đó là lý do tại sao tôi tin họ cảm thấy VN có tiến bộ.
* Tại sao chỉ đến nay sau 30 năm mới có một cuộc thăm dò như thế? Nguyên nhân chính khiến các ông thực hiện cuộc thăm dò có liên quan tới VN?
- Những cuộc thăm dò thế này ở Mỹ thường là do chính quyền tài trợ, nên chính phủ VN cũng có thể tài trợ một cuộc thăm dò người Mỹ như thế qua một tổ chức báo chí quan tâm tới lĩnh vực đặc biệt này. Những cuộc trưng cầu như thế rất tốn kém. Và vì Associated Television News có kế hoạch mở văn phòng tại TP.HCM nên chúng tôi muốn biết người Mỹ hiện nay suy nghĩ về VN như thế nào.
* Trong một trao đổi với Tuổi Trẻ năm 2003, ông nói sẽ nỗ lực thuyết phục nhiều người Mỹ khác về lẽ phải trong cái nhìn về VN. Nay liệu ông có thể cho Tuổi Trẻ biết kết quả những nỗ lực của ông trong việc làm sao để người Mỹ và người Việt hiểu biết nhau hơn. Ông có kế hoạch nào trong tương lai cho mục đích này?
- Một trong những kết quả mà tôi có thể nói là những nhà lãnh đạo dư luận của chúng tôi đã biết về cuộc thăm dò và về cái nhìn của dân Mỹ đối với VN.
* Xin cảm ơn ông.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận