12/04/2011 17:24 GMT+7

Tôi đã chỉ thấy ca sĩ Bob Dylan

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Nếu ai đó giả tưởng “hai ông Bob Dylan và Trịnh Công Sơn “sẽ gặp nhau” tối chủ nhật 10-4 tại TPHCM”, ắt sẽ phải không nhận ra một Bob Dylan - nhạc sĩ phản kháng mà chỉ gặp một Bob Dylan - ca sĩ rất tuyệt vời ở tuổi 70.

xlvg3yIU.jpgPhóng to
Bob Dylan đang hát "solo" - Ảnh tư liệu

Ngẫu hứng cùng Bob Dylan

Thật vậy, không còn nghe những ca khúc phản kháng (protest songs) tiêu biểu của một Bob Dylan ngày nào còn rất “nghiệp dư” quay lại hỏi “Cho tôi cái mediator” (khảy đàn) ở Newport Festival 1963 nữa. Những ai chờ đợi ca khúc “Blowin’ in the Wind” để đời, đã tiu nghỉu không nghe ca sĩ Bob Dylan hát lại những bai hát phản kháng “bất tử”, nhất là trong những ngày này khi mà ngày ngày cứ phải chứng kiến nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi cứ tuôn nước bị nhiễm xạ ra biển, cùng bao điều ô trọc khác! Bob Dylan 2011 không còn hát “Blowin’ in the wind” nữa:

Yes, how many years can a mountain existBefore it's washed to the sea? Yes, how many times can a man turn his head Pretending he just doesn't see?

(Một ngọn núi phải trơ cùng tuế nguyệt mất bao nhiêu năm Trước khi bị nước cuốn ra biển? Người ta phải ngoảnh mặt bao nhiêu lầnĐể ra vẻ như không nhìn thấy gì…)

Video clip "Ngẫu hứng cùng Bob Dylan" - Nguồn: TVO

Chiến tranh đã ở đằng sau lưng quá lâu rồi để ca sĩ Bob Dylan phải tìm về với con người phản kháng năm nào! Bob Dylan mà người ta đã nghe hát và biểu diễn tối 10-4 là một Bob Dylan rất tuyệt vời của thế giới show-biz, kinh doanh biểu diễn. Một ca sĩ giọng mũi (nasillard) vẫn còn hát rất “khỏe”.

Một Bob Dylan 50 năm trời vừa đàn, vừa hát, vừa thổi harmonica tối nay đã “giải thích” làm thế nào làm được điều đó: hát xong câu nhạc, tay đưa ngay cây khẩu cầm lên môi luyến láy. Một Bob Dylan 50 năm sau quá vững vàng ở vị trí organ không chỉ để “lèng èng” đệm gam, mà để réo rắt “phối ngẫu” tiếng đàn organ với tiếng hát của mình ở những đoạn mà tiết tấu cứ “đều đều”.

Những ai ở thành phố này, mấy năm gần đây mới làm quen với Leonard Cohen, một giọng “ồ ề” khác tương tự cùng lứa với Bob Dylan, nhất định sẽ thấy sao hai ông ày có cái kiểu ca hát giống nhau thế! Một Bob Dylan guitarist với kỹ thuật đàn guitar điện “công phu” hơn nhiều so với cách đây 46 năm khi buông cây đàn thùng của thưở ban đầu để cầm lấy cây guitar điện chơi bài “Like a rolling stone”.

Ban nhạc tối nay của Bob Dylan quả là một “hình mẫu” của đội hình (line-up) nhạc rock với đủ ba cây guitar chứ không loại bỏ cây rhythm guitar thay bằng cả một lô hai, ba cây keyboards như sau này, do không đủ “công lực” để từng cây guitar có được “tiếng nói” riêng! Ban “kích động nhạc” ấy đã chơi rất “giựt gân”, thôi thúc cử tọa thôi tọa dưới đất, mà đứng dậy lắc theo.

Và cũng để cảm nhận ra rằng đúng là Bob Dylan từ lâu đã thôi chơi theo phong cách nhạc folk nhẹ nhàng rồi như ông đã từng thừa nhận “Tôi không bao giờ xem tôi là một ca sĩ hát nhạc folk (“I never saw myself as a folksinger”)! Không còn là “người hát rong” (một troubadour của thời Trung cổ) với cây đàn thùng “mộc” nữa, mà là một tay rocker thứ thiệt của công nghiệp showbiz, đã lên sân khấu là phải ‘hái ra tiền”!

Thật vậy, làm thế nào mà một ông lão, tháng 5 tới tròn 70 tuổi, lại có thể đứng vững trên đôi chân của mình, nhịp chân, lắc người, đàn hát suốt từ đầu đến đuôi trong gần 2 giờ không nghỉ? Nói xin lỗi, không thể dục, thể thao, đố đứng nhịp chân suốt 2 giờ mà không bị vọp bẻ! Cơ bản là không “trác táng bê tha” và rèn luyện thân thể!

Bởi thế, sau năm phút vào hậu trường rồi quay ra chơi tiếp, một thủ thuật sân khấu gọi là để cho khán giả mời trở lại hát tiếp, Bob Dylan mới hát thêm hai bài “vô thưởng, vô phạt” ngày xưa, “Like a rolling stone” và nhất là “Forever young” (Trẻ mãi) như là thông điệp duy nhất: nhờ vậy mà tui trẻ mãi không già đó nhe!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên