Sao phóng viên phát hiện được, đăng kiểm lại không?Cấm tàu cánh ngầm "già cỗi" hoạt động Tôi phải tự xoay xở để cứu mạng mình
Phóng to |
Anh Francis Bungin và anh Nguyễn Tiến Đức - Ảnh: G.Tiến |
Giải thưởng cũng trân trọng trao đến hai bạn đọc khác đã gửi về Tuổi Trẻ những thông tin sớm nhất về vụ cháy tàu này. Từ các thông tin đó, Tuổi Trẻ đã có 11 tin bài với những hình ảnh và câu chuyện sinh động về vụ cháy, thu hút hàng trăm phản hồi của bạn đọc.
Chuyện người trong cuộc
Một tháng đã trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn cháy tàu cánh ngầm, nhưng khi nhắc đến trải nghiệm ấy, anh Francis Bungin (31 tuổi), hành khách Malaysia có mặt trên chuyến tàu bị nạn, vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh nói: “Lúc đầu tôi không nghĩ tàu bốc cháy, chỉ nghĩ đó là những hỏng hóc máy móc thông thường. Nhưng mọi thứ sau đó diễn ra theo chiều hướng xấu hơn tôi tưởng. Lửa bắt đầu bùng phát, mọi người nhảy xuống nước, lúc đó tôi rất hoảng sợ...”.
Rồi cũng như những hành khách khác, Francis phải nhảy xuống sông thoát thân lúc tàu đột ngột bốc cháy khi di chuyển ở khu vực quận 7 sau khi rời bến Bạch Đằng không lâu. Theo thống kê, có tổng cộng 92 người nước ngoài và Việt Nam trên tàu (kể cả tài công và tiếp viên) và tất cả đều thoát khỏi tàu một cách an toàn nhờ sự giúp sức của các tàu cá xung quanh và lực lượng cứu hộ.
Tuy nhiên, sau khi được đưa về bến Bạch Đằng (quận 1) từ hiện trường vụ cháy, Francis cho biết mình phải đứng chờ ở bến Bạch Đằng khoảng 30 phút mà không có ai từ phía hãng tàu hỏi thăm hay hỗ trợ gì sau tai nạn, anh phải tự mình tìm nơi thay đồ và tắm rửa trước khi lên đường về lại Vũng Tàu.
Bức xúc, anh Francis đã nhờ tài xế taxi quen tìm địa chỉ một tờ báo để phản ảnh câu chuyện của mình. Sau khi được hướng dẫn, anh đã gửi những hình ảnh chụp được về vụ cháy cho Tuổi Trẻ và kể lại câu chuyện hành khách bị “bỏ rơi” (trong bài “Tôi phải tự xoay xở để cứu mạng mình”, Tuổi Trẻ ngày 22-1). Francis bộc bạch: “Tôi cảm thấy rất thất vọng với những gì xảy ra với mình nên nghĩ phải kể ra câu chuyện của bản thân để mọi người cùng chia sẻ. Tôi làm vậy không phải vì muốn ngưng sử dụng tàu cánh ngầm mà chỉ muốn đơn vị điều hành cải thiện chất lượng dịch vụ và phải có biện pháp bảo trì, kiểm tra máy móc thường xuyên để đảm bảo an toàn cho hành khách”. Rồi anh bày tỏ là sẽ vẫn đi lại giữa TP.HCM và Vũng Tàu, nơi anh làm việc cho một công ty dầu khí Malaysia khoảng một năm nay, bằng tàu cánh ngầm trong tương lai nếu các biện pháp an toàn được cải thiện, lý do là “rẻ hơn so với đi taxi và đảm bảo về giờ giấc do đã có lịch trình sẵn. Ngoài ra đi tàu cao tốc trên sông tôi thấy cũng rất thú vị”.
Tiếc là không làm được nhiều hơn
Với anh Quách Minh Dũng (44 tuổi), tài xế taxi đã chở anh Francis đi lại nhiều lần, thì việc anh làm cầu nối để người khách Malaysia trình bày bức xúc của mình trên báo xuất phát từ suy nghĩ phải giúp đỡ người khác. Anh Dũng cho biết đã đọc báo Tuổi Trẻ từ rất lâu (khoảng 1983-1984) và thuộc nằm lòng số điện thoại đường dây nóng. Khi chở Francis về Vũng Tàu đêm 20-1 và nghe anh này kể sự tình, anh Dũng gọi ngay đến đường dây nóng của báo xin địa chỉ thư điện tử của tòa soạn. Sau đó anh chuyển cho Francis để gửi hình và trình bày sự việc.
“Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ được nhận giải thưởng của báo. Thấy khách phiền lòng, tôi chỉ nghĩ giúp người ta thôi. Khi nghe Francis muốn phản ảnh bức xúc thì tôi quyết định làm nhịp cầu cho anh với tờ báo mà tôi tin tưởng nhất. Ngay như người Việt Nam với nhau cũng sẽ giúp nhau trong tình huống đó, huống chi đây là người nước ngoài, lạ nước lạ cái nơi đất khách quê người” - anh Dũng tâm sự.
Cũng bất ngờ với giải thưởng được nhận như tài xế Quách Minh Dũng, anh Nguyễn Tiến Đức còn bày tỏ sự tiếc nuối khi cho rằng giá như hôm đó anh có thể nhạy bén với nghiệp vụ làm báo hơn nữa thì đã lấy điện thoại ra chụp cảnh khói đen mịt mù và cảnh cứu hộ trên sông rồi.
Là bảo vệ của cảng Tân Thuận 2, khi nhìn thấy khói đen nghi ngút bốc lên từ xa, phản xạ đầu tiên của anh Đức là cầm máy lên định gọi báo tin cho biên phòng biết để hỗ trợ. Tuy nhiên, anh đã thấy canô của biên phòng và các cảng chạy ra tiếp ứng cùng với các tàu lai dắt của cảng chạy ra, nên gọi đường dây nóng của Tuổi Trẻ để báo tin. Anh Đức nhớ lại: “Chỉ sau hai tiếng chuông, tôi đã được kết nối với Tuổi Trẻ. Người tiếp nhận hôm ấy đã hỏi rất chi tiết và tôi cũng nhiệt tình hướng dẫn để phóng viên có thể tiếp cận hiện trường vụ cháy tàu cánh ngầm một cách dễ dàng nhất”. Và chính nhờ tin báo của anh, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt tại nơi xảy ra vụ cháy và bến Bạch Đằng để ghi nhận kịp thời sự việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận