06/07/2012 05:18 GMT+7

Tội ác và lòng bao dung

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Có phiên tòa làm người dự khán thấy nghẹt thở vì hận thù, ân oán giữa người với người. Cũng có phiên tòa mà bên bị hại đã tỏ ra rất bao dung, xin giảm án cho bị cáo, dù nỗi đau chưa hề nguôi ngoai.

qUi3Iwe0.jpgPhóng to
Bị cáo Lê Duy Long tại phiên tòa - Ảnh: Tâm Lụa

Đó là chuyện mới xảy ra trong tháng 6, trong phiên tòa lưu động tại Q.10 (TP.HCM) xét xử bị cáo Lê Duy Long về tội “giết người”.

Nước mắt ở phiên tòa

Lê Duy Long và Nguyễn Văn Tiến (30 tuổi) cùng lớn lên ở thôn 2, xã Quảng Lộc, Quảng Xương, Thanh Hóa. Năm 2011, cả hai vào TP.HCM làm thuê và đi bán dạo. Hôm đó, cả nhóm ngồi đánh bài, Long không chơi nữa và đứng dậy ngồi qua một bên. Tiến bảo: “Mày chơi bẩn, ăn được tiền rồi nghỉ”. Long vặc lại: “Ông muốn gì?”. Hai bên cự cãi. Long về phòng trọ lấy một con dao giấu trong người rồi trở lại chỗ đánh bài. Cả hai tiếp tục to tiếng. Long rút dao đâm vào ngực phải của Tiến rồi bỏ chạy. Nhát dao làm Tiến tử vong trên đường đi cấp cứu.

Phiên tòa xét xử bị cáo Lê Duy Long về tội giết người được mở lưu động ở chung cư Trần Văn Kiểu (Q.10). Người dân đến xem đứng kín lối đi. Mọi người lao xao bàn tán, ai cũng cố chen lên trên để nhìn rõ mặt bị cáo.

Bị cáo đứng sau vành móng ngựa, nước da sạm đen, áo quần xộc xệch, đôi vai run bần bật. Ngay sau lưng bị cáo là vợ bị hại - một phụ nữ còn rất trẻ - ngồi cúi mặt lau nước mắt. Chị ôm con và cầm di ảnh chồng trên tay. Đứa trẻ chưa đầy 4 tuổi, thỉnh thoảng chỉ tay vào ảnh gọi “bố bố” rồi ngước nhìn mẹ cười ngây ngô.

Cách đấy không xa là hai phụ nữ ôm đứa trẻ 11 tuổi khóc thút thít. Đó là mẹ, dì ruột và con trai bị cáo. Đứa trẻ mếu máo nhìn bố bị còng tay đứng trước vành móng ngựa.

Bị cáo khai: “Bị cáo không cố ý giết người. Sau khi đâm anh Tiến, bị cáo sợ quá bắt xe về Thanh Hóa. Bị cáo mua thuốc trừ sâu uống nhưng không chết. Bị cáo tìm về nhà nhưng không dám vào nhà, chỉ đứng nhìn lén con từ xa. Bị cáo ra đầu thú mong được giảm nhẹ hình phạt để về nuôi con. Vợ bị cáo đã bỏ đi từ lâu”.

Chủ tọa nghiêm giọng: “Bị cáo gây ra tội lỗi mà còn đòi chết, bị cáo chết là rũ bỏ trách nhiệm. Bị cáo hại chết anh Tiến, nạn nhân bỏ lại con nhỏ, vợ mới 23 tuổi, mẹ già 61 tuổi, bị cáo biết tội của mình chưa?”. Bị cáo gật đầu, khóc nghẹn: “Bác ơi, cháu không cố ý hại chết anh Tiến. Mong bác tha thứ cho cháu...”.

Xin giảm án cho bị cáo

Mẹ bị cáo và mẹ bị hại là chị em kết nghĩa. Từ ngày xảy ra vụ án, hàng xóm dị nghị, anh em chê cười. Mẹ bị hại không nỡ nặng lời trách móc bị cáo câu nào, bà chỉ im lặng. Vợ bị hại suốt cả phiên tòa chỉ khóc thầm mà không nói một câu.

Anh họ bị hại, là đại diện của bị hại tại tòa, phát biểu: “Xin tòa giảm án cho anh Long, đừng xử anh ấy mức án nặng quá. Nếu tù chung thân, anh ấy không thể nuôi con. Con không có bố, mẹ thì bỏ đi, đứa trẻ sẽ sống và lớn lên như thế nào?”. Tòa vào nghị án, một vài người là anh em, bạn bè của phía bị hại xô đến lớn tiếng với anh họ bị hại: “Sao mày làm thế, sao mày xin giảm án cho nó?”.

Dù nhiều tình tiết giảm nhẹ như bị cáo chưa có tiền án tiền sự, gia đình có công với cách mạng, gia đình bị hại xin giảm án nhưng không giúp bị cáo thoát khỏi án tù chung thân. Bị cáo được công an giải đi, không kịp nhìn xuống dưới để thấy mẹ đang ôm con trai mình khóc. Nhiều người không cầm được nước mắt, họ dúi vào tay con bị cáo và con bị hại một ít tiền.

Từ ngày con trai bị bắt, mẹ bị cáo phải vào TP.HCM đi bán vé số nuôi cháu nội và chuẩn bị dự phiên xử con trai. Bà tính sau phiên tòa này sẽ về cắt giao sào ruộng cuối cùng của nhà cho gia đình nạn nhân để khắc phục hậu quả, rồi làm đơn xin giảm án cho con trai. Nhiều người hỏi bà: “Cho cháu ra tòa chứng kiến cảnh này làm chi? Lỡ lớn lên cháu bị ảnh hưởng tâm lý”. Bà nghẹn ngào: “Tôi ít học, có biết đâu. Thấy cháu nghỉ hè nên nhờ dì đưa cháu vào đây để bố con được nhìn mặt nhau...”.

Đám đông giải tán. Mẹ và dì bị cáo dẫn cháu ra về. Ba người đi thành hàng ngang, vẫn vừa đi vừa khóc. Một phụ nữ trẻ ngại ngần lại gần tôi: “Chị ơi, chị là người của tòa án à?”. Thấy tôi lắc đầu, chị chỉ tay về phía hội đồng xét xử đang thu dọn tài liệu, nói: “Em tưởng chị là người bên tòa án, chị nói với các anh bên tòa giảm tội cho bị cáo. Người nhà nạn nhân đã có lời xin mà vẫn bị tù chung thân thì nặng quá. Thật đáng thương!”.

“Con dâu tui”

Phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trần Thúy Liễu đốt nhà báo Hoàng Hùng diễn ra ở phòng xử của TAND tối cao tại TP.HCM. Phòng xử chật chội, đông đúc và nghẹt thở bởi nhiều nhà báo, nhiều sinh viên. Bị cáo Trần Thúy Liễu khóc nức nở từ khi mới bước chân đến phiên tòa.

Hành vi phạm tội của bị cáo đã dày đặc trên các tờ báo. Tội ác của bị cáo một lần nữa được hội đồng xét xử nhắc lại ở phiên tòa phúc thẩm. Nhiều người dự khán lắc đầu ngao ngán: “Phụ nữ không lo chăm sóc chồng con, qua Campuchia đánh bạc, ngoại tình rồi còn bày mưu đốt chồng”.

Luật sư bào chữa cho bị cáo nêu nhiều chi tiết để biện hộ cho thân chủ: “Anh Hùng bị bệnh, yếu sinh lý nên cho phép bị cáo đi tìm hạnh phúc mới. Số tiền nợ lãi mỗi tháng phải trả lên đến 15 triệu đồng trong khi mỗi tháng anh Hùng chỉ mang về cho vợ 6 triệu đồng. Anh Hùng ngoài vỏ bọc hiền lành nhưng về nhà hay đánh đập vợ con”...

Mỗi lời nói ấy hẳn là lưỡi dao đâm vào trái tim bà Nguyễn Thị Kim Nga - mẹ nhà báo Hoàng Hùng. Bà ngồi cúi đầu, già nua, khắc khổ. Có mặt ở tòa với tư cách là đại diện hợp pháp cho bị hại, bà vẫn trước sau dùng từ “con dâu tui” khi nhắc về bị cáo Liễu.

Tội ác của bị cáo đã được cơ quan điều tra và hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm làm rõ nhưng phát biểu tại tòa, bà Nga vẫn một mực: “Tui không tin con dâu tui có thể làm chuyện tày trời như vậy, mong quý tòa tìm ra đồng phạm để con dâu tui được giảm nhẹ tội...”.

Khi bà vừa dứt lời, bị cáo càng khóc to hơn. Sự bao dung, vị tha của mẹ chồng hẳn là bản án lương tâm day dứt mà bị cáo Liễu đang nếm trải.

Phần được nói lời sau cùng, bị cáo nói trong tiếng khóc. Người dự khán chỉ nghe câu được câu mất: “Má ơi, má ơi...”.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên