03/10/2023 10:03 GMT+7

Toàn cảnh vụ kinh doanh nhượng quyền Mixue gặp khó

Ngoài việc gặp khó với chính sách thay đổi giá đột ngột, nhiều cửa hàng nhượng quyền Mixue cho biết đang 'khó sống' vì chịu sự cạnh tranh lớn do số lượng cửa hàng thương hiệu này quá đông.

Nhiều cơ sở nhượng quyền thương hiệu Mixue cho rằng chính sách giá không phù hợp của thương hiệu đến từ Trung Quốc này đã gây khó cho nhà đầu tư - Ảnh: LÂM QUỐC VIỆT

Nhiều cơ sở nhượng quyền thương hiệu Mixue cho rằng chính sách giá không phù hợp của thương hiệu đến từ Trung Quốc này đã gây khó cho nhà đầu tư - Ảnh: LÂM QUỐC VIỆT

Mixue tại Việt Nam được cho là giảm 25% giá bán sản phẩm nhằm tăng thị phần nhưng chỉ giảm 10% giá nguyên liệu, khiến không ít cửa hàng nhượng quyền bị thua lỗ nặng.

Giữ giá bán vẫn bị lỗ nặng

Thông tin từ nhiều cửa hàng kinh doanh nhượng quyền cho biết Mixue áp dụng giảm giá sâu với các sản phẩm bán ra, với mức giảm từ 20 - 25% so với giá bán trước đó, trong khi giá nguyên liệu có mức giảm không tương ứng, đẩy cơ sở kinh doanh vào thế khó.

Chẳng hạn, các loại trà như hồng trà mật ong, trà ô long 4 mùa, nước chanh tươi lạnh... giảm từ 20.000 đồng xuống 15.000 đồng/ly. Trà đào tứ kỳ xuân giảm từ 25.000 đồng xuống còn 20.000 đồng/ly; hồng trà chanh giảm từ 20.000 - 22.000 đồng xuống 15.000 - 17.000 đồng/ly...

Trong khi đó, giá nguyên liệu chỉ được hãng giảm 8 - 10%. Chia sẻ với Tuổi Trẻ ngày 2-10, chị P.T.D. - chủ 10 cơ sở nhượng quyền Mixue tại TP.HCM - cho hay sau nhiều ngày tính toán, cửa hàng quyết định sẽ giữ giá bán lẻ cho khách, trừ khi hãng giảm thêm giá nguyên liệu.

"Việc giá nguyên liệu chỉ giảm 8% là chưa tương xứng, không thể chấp nhận. Bán với giá cũ, cửa hàng cũng đã lỗ. Nếu giảm giá tiếp, chúng tôi sẽ sập tiệm", chị D. bức xúc và cho biết như đang "ngồi trên đống lửa" với nguy cơ thua lỗ do đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng cho chuỗi cửa hàng Mixue.

Theo một số cửa hàng, trong khi giá bán giảm, chi phí thuê mặt bằng tại TP.HCM mỗi năm tăng ít nhất 10%, chưa kể lương nhân viên, tiền điện nước chỉ tăng mà không giảm. "Tôi vừa nhập nguyên liệu hết hơn 200 triệu lại nhận được thông tin giảm 8% giá nguyên liệu, tính ra lỗ gần 11 triệu, lỗ chồng lỗ. Tôi đang tính phải dẹp bớt tiệm để cắt lỗ", chủ một cửa hàng nhượng quyền nói.

"Đuối" vì cạnh tranh với... hàng nội bộ

Ông Nguyễn Văn Tuấn, đại diện một cửa hàng nhượng quyền Mixue tại quận Bình Thạnh, cho biết trước khi quyết định đầu tư chuỗi của Mixue, ông đã tìm hiểu kỹ thị trường và đánh giá cao thương hiệu Mixue bởi giá đầu vào rẻ và thị trường rất tiềm năng vào thời điểm đầu năm 2023, khi Mixue có rất ít cửa hàng tại TP.HCM.

"Điều tôi không ngờ tới là việc cạnh tranh với các thương hiệu cùng phân khúc không gặp khó mà gặp khó vì cạnh tranh với chính cửa hàng nội bộ do số lượng cửa hàng quá nhiều. Đã khó giờ vướng chính sách giá bán càng khó thêm", ông Tuấn than.

Chị D. cũng cho biết cửa hàng đầu tiên tại quận 1 khai trương vào tháng 3-2023 cho doanh thu ban đầu rất tốt nhưng chỉ vài tháng sau, trong bán kính chưa đầy 2km, đã mọc thêm bốn cửa hàng tương tự.

"Từ doanh thu 10 triệu mỗi ngày, giờ chịu cạnh tranh với nhiều cửa hàng nên cơ sở này chỉ lẹt đẹt thu về 2-3 triệu. Trong 10 cơ sở, có đến 7 cơ sở bị thua lỗ, 3 cơ sở còn lại chỉ hòa vốn", chị D. than.

Nhà đầu tư bị "chèn ép"

Theo bà Nguyễn Phi Vân, chủ tịch Công ty Go Global Holdings, những lùm xùm mấy ngày qua với thương hiệu nhượng quyền đến từ Trung Quốc cho thấy mô hình nhượng quyền chưa được hiểu đúng, hiểu đủ và ứng dụng một cách chuyên nghiệp ở VN. Đây cũng là những lý do mà các nhà đầu tư về nhượng quyền lựa chọn đầu tư không mang đến hiệu quả, thành công như kỳ vọng.

Cụ thể, với thương hiệu Mixue, nhà nhượng quyền đã ra thông báo sẽ giảm giá nguyên vật liệu 10% nhưng bắt buộc nhà đầu tư nhượng quyền giảm giá đến 25%. Như vậy, chi phí bán hàng không giảm tương ứng với giá bán sản phẩm, dẫn đến biên lợi nhuận thấp xuống, nhà mua nhượng quyền chịu thiệt.

Chưa hết, khoảng cách mở các điểm bán trong chuỗi quá gần, ảnh hưởng đến lượt khách của cửa hàng. Đặc biệt, nhà nhượng quyền cũng không có chính sách bảo vệ, thậm chí còn "chèn ép" nhà đầu tư.

Nhiều thương hiệu Việt Nam muốn nhượng quyền ra nước ngoàiNhiều thương hiệu Việt Nam muốn nhượng quyền ra nước ngoài

Ngày càng có nhiều mô hình kinh doanh, sản phẩm thương mại của Việt Nam phát triển thành chuỗi và lên kế hoạch nhượng quyền ra toàn cầu. Đây là xu thế ngược lại hoàn toàn so với trước đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên