Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, mùa thi vào lớp 10 năm nay có 6.941 thí sinh đăng ký vào lớp 10 chuyên (trong đó có 236 thí sinh các tỉnh ngoài TP.HCM dự tuyển vào lớp 10 Trường chuyên Lê Hồng Phong), 1.147 thí sinh đăng ký vào lớp 10 tích hợp, 88.237 thí sinh chỉ đăng ký vào lớp 10 thường.
Sở đã bố trí 158 điểm thi là những trường THCS, THPT có cơ sở vật chất tốt nhất thành phố để phục vụ kỳ thi vào lớp 10. Trong đó có 147 điểm thi dành cho thí sinh thi vào lớp 10 thường và 11 điểm thi dành cho thí sinh thi vào lớp 10 chuyên và tích hợp. Mỗi phòng thi chỉ bố trí tối đa 24 thí sinh, mỗi điểm thi đều có thêm 3 phòng thi dự phòng.
Thí sinh được mang gì vào phòng thi?
Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: "Các thí sinh cần phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định cho từng buổi thi. Thí sinh cần mang theo phiếu báo danh có dán hình, giấy khai sinh (bản photo không cần công chứng) để đối chiếu hồ sơ, thẻ học sinh hoặc thẻ BHYT hoặc căn cước công dân có gắn chip.
Nếu thí sinh bị mất một trong các loại giấy tờ trên hoặc thấy có những sai sót về họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên... phải báo ngay cho cán bộ coi thi hoặc người làm nhiệm vụ tại điểm thi để xử lý kịp thời".
Theo quy chế tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM, tất cả các trường hợp thí sinh có mặt tại cổng điểm thi chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi. Trường hợp thí sinh đến cổng điểm thi trễ trong thời gian cho phép thì trưởng điểm thi là người chịu trách nhiệm xác định thí sinh đủ điều kiện tham gia thi hay không.
Tuy nhiên, các trường hợp đến trễ mà được phép dự thi thì vẫn nộp bài đúng như quy định chứ không được cộng thêm thời gian.
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023, học sinh dự thi chỉ được phép mang vào phòng thi những vật dụng là: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ.
Ông Lê Hoài Nam cũng chia sẻ: "Thí sinh chỉ có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi. Trường hợp này thí sinh phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi".
Nhiều ngã rẽ sau lớp 9
Năm nay, TP.HCM có 113.802 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, chỉ có 96.325 em dự thi vào lớp 10 công lập. Như vậy, có 17.477 học sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập.
Theo Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT TP.HCM, học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 năm nay là vì các em đã không chọn con đường học THPT ở trường công lập. Thay vào đó, các em chọn học nghề, học THPT ở các trường tư thục, trường quốc tế, học ở trung tâm giáo dục thường xuyên...
Năm trước, TP.HCM cũng có hơn 16.000 học sinh không thi vào lớp 10 công lập.
Trong bối cảnh các trường THPT công lập trên địa bàn TP chỉ tuyển 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 thì con số hơn 17.000 em không thi vào lớp 10 sẽ hạ nhiệt bớt sự căng thẳng của kỳ thi. Thay vì sẽ có hơn 30.000 học sinh rớt lớp 10 công lập thì chỉ có gần 20.000 học sinh rớt lớp 10 công lập năm nay.
Vẫn như thường lệ, tỉ lệ chọi vào lớp 10 chuyên vẫn đứng ở vị trí cao nhất trong kỳ thi này. Đa số học sinh thi vào lớp 10 chuyên Trường Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Gia Định, Nguyễn Thượng Hiền... đều có đăng ký thi vào lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu (trường này tổ chức kỳ thi riêng).
Năm nay, các thí sinh đăng ký vào Trường chuyên Lê Hồng Phong ngoài việc so tài với các học sinh giỏi ở TP.HCM còn phải cạnh tranh với 236 học sinh đến từ các tỉnh thành khác để có được một chỗ học ở ngôi trường nổi tiếng này. Ngoài ra, theo Sở GD-ĐT TP, tỉ lệ chọi vào các trường THPT tốp đầu và tốp thứ 2 năm nay cũng tăng cao do số thí sinh đông hơn năm trước.
Về đề thi, một lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay TP.HCM vẫn sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới cách ra đề tuyển sinh 10 theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh. Các câu hỏi trong đề thi yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế trong cuộc sống chứ không chỉ học - ghi nhớ rồi tái hiện kiến thức như trước.
"Việc đổi mới này TP đã thực hiện nhiều năm nay, sở cũng đã có hướng dẫn cụ thể: từ việc đổi mới phương pháp giảng dạy đến việc ra đề kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ... Do đó, nếu các trường THCS thực hiện đúng như chỉ đạo về chuyên môn của sở thì chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch quá nhiều giữa điểm kiểm tra học kỳ và điểm thi tuyển sinh 10 như năm trước" - lãnh đạo sở khẳng định.
Không gây khó khăn cho báo chí
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi các trưởng điểm thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023 về việc tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp tại điểm thi.
Theo đó, phóng viên đến tác nghiệp tại điểm thi phải xuất trình đúng thẻ tác nghiệp do Bộ hoặc Sở GD-ĐT cấp, các phóng viên được phép tác nghiệp tại khu vực phòng thi đầu mỗi buổi thi. Trước 10 phút bắt đầu mở thùng đựng đề thi, lãnh đạo điểm thi mời tất cả những nhân sự không có trách nhiệm, kể cả phóng viên, rời khỏi điểm thi.
Nếu phóng viên tác nghiệp tại điểm thi trong thời gian đang thi phải có thành viên Ban Chỉ đạo thi (của quốc gia hoặc thành phố) đi cùng và chỉ được tác nghiệp bên ngoài phòng thi. Sở GD-ĐT đề nghị lãnh đạo các điểm thi quán triệt và thực hiện nghiêm, đúng và đủ các quy định trên, không làm khó phóng viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận