29/03/2019 13:37 GMT+7

'Tòa buộc bà Thảo nhận tiền thay vì cổ phiếu là... có thể chấp nhận'

TUYẾT MAI ghi
TUYẾT MAI ghi

TTO - Việc HĐXX chia cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ toàn bộ cổ phần tại các công ty, và ông Vũ sẽ thanh toán tiền cho bà Thảo thay vì cổ phiếu đang gây nhiều tranh cãi.

Tòa buộc bà Thảo nhận tiền thay vì cổ phiếu là... có thể chấp nhận - Ảnh 1.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được HĐXX giao quyền sở hữu số cổ phần bà Thảo được chia và hoàn lại cho bà Thảo giá trị tương ứng bằng tiền - ẢNH: T.L

Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng phán quyết của tòa án là hợp tình, đã xét đến việc giải quyết sâu xa gốc rễ mâu thuẫn và để doanh nghiệp phát triển. Bởi câu chuyện ở Trung Nguyên không chỉ là câu chuyện cá nhân mà còn là câu chuyện về sự tồn tại, phát triển của thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia.

Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu quan điểm của luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) về việc này.

Theo quy định tại điều 213 BLDS 2015 quy định "Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của tòa án". 

Thực tế cho thấy các tranh chấp tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, có liên quan đến việc phân chia tài sản là những hiện vật, có tính năng, công dụng. Thông thường thì sẽ dựa trên các tính năng, công dụng của vật để đánh giá việc phân chia có làm mất tính năng, công dụng của vật đó hay không. 

Trường hợp việc phân chia làm mất tính năng, công dụng thì sẽ buộc phải áp dụng phân chia theo giá trị. Trường hợp phân chia không làm ảnh hưởng đến tính năng, công dụng của các hiện vật thì buộc phải phân chia hiện vật cho các bên.

Thế nhưng, riêng về việc phân chia về quyền sở hữu cổ phần trong công ty, có tính đặc thù riêng của nó. Bởi ai cũng hiểu được rằng trong bất kỳ một công ty nào đều có văn hóa, định hướng, chiến lược của nó, đặc biệt những công ty có tầm ảnh hưởng lớn trong một lĩnh vực nào đó thì vai trò định hướng phát triển lại dựa vào những người đã hoạch định ra định hướng phát triển trong công ty, các chủ sở hữu vốn khác cũng chỉ tham gia vào việc góp ý, kiểm soát, triển khai kế hoạch mà trước đó người định hướng đã vạch ra.

Sự thành công, thất bại đôi lúc trong kinh doanh không phụ thuộc quá nhiều vào thời cơ, tiềm lực tài chính, mà thực tế đã cho thấy sự phát triển của doanh nghiệp lại dựa vào văn hóa, định hướng, chiến lược của doanh nghiệp. Nó là bộ xương sống của một doanh nghiệp.

Vì thế, để có cơ sở cho tòa án quyết định phân chia theo hiện vật hay phân chia theo giá trị, buộc HĐXX phải có cái nhìn toàn cảnh về doanh nghiệp đó, xác định đúng giá trị cốt lõi của người có sức ảnh hưởng đến thành công của doanh nghiệp, để đi đến quyết định phân chia.

Liên quan đến vụ án ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo, rõ ràng khi phân chia tài sản, nó có liên quan đến phần cổ phần mà các bên đang nắm giữ trong Tập đoàn Trung Nguyên. Khi nhắc đến Tập đoàn Trung Nguyên, chắc chúng ta phải nhớ ngay đến cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ, điều đó thể hiện được rằng ông Vũ chính là cái hồn và người gầy dựng nên văn hóa, chiến lược của công ty.

Ông Vũ đã tạo dựng được một thương hiệu đi vào tâm thức của người tiêu dùng nội địa và quốc tế. Gần như mọi hoạt động của tập đoàn đều hoạt động dưới các ý tưởng, định hướng, chiến lược của ông ấy. Và chính điều đó đã tạo nên một Trung Nguyên phát triển như ngày hôm nay. Nó giống như câu chuyện nhắc đến Tôn Hoa Sen, người ta cũng nhắc đến ông Lê Phước Vũ, nhắc đến Tập đoàn Hà Nội T&T người ta cũng nhắc đến bầu Hiển...

Tất nhiên, sự phát triển của Trung Nguyên chắc chắn không thiếu vai trò của bà Thảo, thế nhưng khi so sánh sức ảnh hưởng của hai cá nhân này trong Trung Nguyên, rõ ràng chúng ta thấy vai trò của ông Vũ được nhắc đến nhiều hơn.

Vì vậy, việc HĐXX dựa trên sự ảnh hưởng của ông Vũ và bà Thảo trong tập đoàn để đi đến một kết quả của bản án là giao quyền sở hữu cổ phần trong tập đoàn cho ông Vũ là điều dễ hiểu và có thể chấp nhận được.

Phải nói thêm rằng tập đoàn này đang có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của đất nước, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đóng góp ngân sách,đóng góp vào các hoạt động xã hội. Vì thế nó cần được giao cho người thuyền trưởng đủ khả năng để tiếp tục chèo lái con thuyền này.

Trên đây chỉ là quan điểm riêng của luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM).

Tuổi Trẻ mong đón nhận ý kiến tranh luận từ phía bạn đọc về vấn đề đang gây tranh cãi này.

TUYẾT MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên