06/12/2012 13:54 GMT+7

Tòa bắt người dân đi... thang dây

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Ba hộ dân trên tầng 2 căn nhà tập thể phố cổ Đào Duy Từ, Hà Nội bị tòa tuyên không được tiếp tục sử dụng lối đi chung là sân thượng của căn hộ phía dưới. Họ không có lối đi nào khác ngoài cách đi... thang dây.

xrdRHG1C.jpgPhóng to

Bà Hoàng Thị Tâm bên cầu thang và lối đi duy nhất vô nhà mình - Ảnh: Hoàng Điệp

Căn nhà hai tầng (một trệt một lầu) ở đường Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có sáu hộ cư ngụ, số nhà từ 38 đến 44. Ba hộ ở tầng trệt, ba hộ ở tầng 2.

Theo lời ông Lương Văn Hiền (cư trú tại tầng trệt), căn nhà này được xây dựng cùng thời điểm với cầu Long Biên, đã hơn 100 năm. Ông nói: “Cả đời ở đây tôi biết cũng chỉ có một lối đi này mà thôi. Giờ tòa án phán quyết như vậy không biết ba hộ trên tầng 2 đi lại bằng cái gì”.

Có giấy cũng thua

Dẫn khách vào lối nhỏ đi lên cầu thang một nhịp duy nhất, bà Hoàng Thị Tâm, sống ở tầng 2, cho biết trước đây toàn bộ căn nhà này thuộc sở hữu nhà nước, các hộ dân đều có hợp đồng thuê nhà từ trước năm 1985. Đến năm 2009, Phòng tài nguyên - môi trường và nhà đất quận Hoàn Kiếm đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho các hộ dân có nhu cầu mua lại. Trong giấy chứng nhận có thể hiện cầu thang chung, lối đi chung là phần sân thượng của căn hộ bên dưới (nhà số 44).

Năm 1996, cha ông Nguyễn Khắc Trực (đại diện nguyên đơn) được Sở Nhà đất Hà Nội giao lại trọn vẹn tầng trệt và một phòng nhỏ trên tầng 2 của ngôi nhà. Sau khi tiếp nhận căn hộ, ông Trực cho rằng các hộ dân đã lấn chiếm sân thượng của nhà mình để làm lối đi nên kiện ra tòa. Trong các bản án sơ thẩm ngày 14, 18-11-2011 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm và phúc thẩm ngày 10-8-2012 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội đều tuyên ông Nguyễn Khắc Trực thắng kiện, buộc các hộ dân trên tầng 2 phải trao trả toàn bộ diện tích sân thượng mà các hộ dân này đang sử dụng làm lối đi cho bên nguyên đơn.

Không có lối đi

Đồng thời với phán quyết các bị đơn phải trả lại lối đi duy nhất, bản án cũng ghi nhận ông Nguyễn Khắc Trực đồng ý hỗ trợ các gia đình trên tầng 2 số tiền 150 triệu đồng để di dời và cải tạo lối đi. Tuy nhiên, thực tế dù có bao nhiêu tiền các hộ dân này cũng không thể mua được lối đi chứ đừng nói đến chuyện cải tạo. Bà Tâm nói: “Nếu lối đi duy nhất bị mất, nhà tôi chỉ còn nước đi thang dây!”.

Ông Nguyễn Quyết Thắng (phó chủ tịch phụ trách địa chính UBND phường Hàng Buồm) khẳng định dù có căn cứ vào bất kể điều gì cũng phải chừa lối đi cho người dân. Cơ quan thi hành án phải xem xét đến điều này.

Trả lời phóng viên, ông Hoàng Thế Anh (chấp hành viên Chi cục Thi hành án quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Về nguyên tắc, phải có lối đi dành cho các hộ dân. Chúng tôi sẽ đi thực tế xác minh tại địa chỉ thi hành án và các cơ quan chức năng liên quan. Sau đó mới đưa ra kiến nghị hoặc kết luận cho phù hợp với thực tế.

Phải xem xét thực tế sử dụng

Tình trạng nhà trong khu phố cổ, đặc biệt là không gian sử dụng chung, rất phức tạp. Cầu thang, lối đi là diện tích sử dụng chung, muốn phân định của ai phải xem xét thực tế sử dụng trong quá trình dài và phải tính đến cả nguồn gốc. Khi quyết định liên quan đến không gian chung thì phải có giải pháp cho chủ những bất động sản liền kề. Trong trường hợp này, tòa không thể không tham khảo những chứng cứ và giải pháp của những hộ đang sống và chính quyền địa phương.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên