Tôi rất quý và dán những tờ giấy đó vào quyển nhật ký để lưu niệm.
Có lần tôi bị đau thắt ngực mà không biết nguyên nhân nên được đưa đi cấp cứu. Tôi được khám bệnh, đo huyết áp, điện tâm đồ, thử máu... chỉ trong một ngày bác sĩ cho xuất viện.
Về đến nhà, nàng viết trên một tờ giấy và trao cho tôi: “Về nhà mừng quá à! Anh không có bệnh gì nặng hết, chỉ cảm thôi. 7-2-2014”. Tôi rất cảm động, thương nàng mừng vì chồng không có bệnh gì nặng. Nhất là mấy chữ “mừng quá à”, nghe ngây thơ, trẻ trung, tình cảm, dễ yêu.
Một hôm khác, sau một đêm gần nhau, nàng viết: “Anh yêu, em là cô gái 16 tuổi đang yêu chàng thanh niên 18 tuổi. Tình yêu chớm nở trong tim em. Chúng ta mang lại hạnh phúc cho nhau nồng nàn, ngây ngất trong mối tình lãng mạn của cặp tình nhân yêu nhau đậm đà 64 năm. Yêu anh. 20-2-2014”.
Chao ôi, tôi hết sức bất ngờ và sung sướng trước những cảm xúc của vợ. Những cảm xúc trẻ trung, tình tứ, ngọt ngào làm sao có được ở một phụ nữ lớn tuổi? Vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng tận trong tim, vừa có phần tự mãn, tôi lâng lâng hạnh phúc cả tuần.
Tôi gặng hỏi vợ: “Làm sao em có được những cảm xúc quá trẻ trung, lãng mạn, tình tứ, ngọt ngào như thế?”. Nàng giải thích trên một tờ giấy: “Cảm giác xuất phát trong lời nói! Là tâm hồn của người phụ nữ có tình yêu xuất phát ra. Tâm hồn lãng mạn. 23-2-2014”.
Rồi một hôm nàng viết: “Em yêu anh cho đến ngày đầu bạc răng long, cho đến hơi thở cuối cùng, cuộc đời chúng mình luôn bên nhau. Thực hiện lời thề đã có sẵn, đất Mỹ Tho, rất hạnh phúc cho đến cuối cuộc đời của đôi ta” (ý nàng nói đến hai kim tĩnh đã xây sẵn ở Mỹ Tho).
Cảm động trước tình cảm chung thủy trọn đời của vợ, tôi viết: “Em là một phụ nữ có nhiều đức hạnh đáng nêu gương: có trách nhiệm với chồng, con, cháu; có quan hệ tốt với bà con, bạn bè; rất cẩn thận trong việc gia đình; sạch sẽ, gọn gàng, chu đáo; yêu chồng tha thiết. Cái phước lớn nhất của đời anh là có em, người vợ tuyệt vời, đến chết vẫn được nằm kề bên nhau. Anh yêu em!”.
3g30 khuya 9-3-2014, tôi khó ngủ nên ngồi dậy viết: “Trong đời anh, hễ khi gặp nạn là có em cứu nạn”.
Em viết tiếp trong nhật ký: “Hai anh em mình là Thừa Nghiệp - Ngọc Chương đã gắn bó với nhau trọn đời. Con đường đôi ta đi đã chọn cho đến khi hai nắm xương tàn, không có gì thay đổi. Em rất yên tâm dầu anh có đi trước. Em vẫn một lòng thương nhớ anh. Em rất yên tâm có đứa con hiếu thảo là Thừa Nhân mà em rất tin tưởng. Rất yên lòng, em!”.
Tôi viết: “Dù anh đi trước nhưng cũng rất yên lòng về tinh thần vững vàng của em, có các con hiếu thảo bên em. Và anh biết trước là em sẽ nằm kế bên”. Nàng tiếp lời: “Đúng quá, đó là tình cảm của em đã nguyện trong lòng lâu nay, có sẵn”.
Thứ bảy 2-5-2015, nàng viết: “Em rất vui. Anh và em vẫn còn sống bên nhau”... Tôi viết tiếp: “Em yêu quý, điều quan trọng, quý báu nhất là sau 65 năm chúng ta vẫn còn thương nhau và quý trọng nhau, hạnh phúc trọn vẹn bên nhau! 4-5-2015, 1g30 khuya”.
Ngày 31-5-2015, vợ trao cho tôi một tờ giấy. Tôi bắt đầu đọc: “Người này (tôi ngạc nhiên, không biết nàng muốn nói ai, nên quay qua hỏi, nàng cười và chỉ tay vào tôi) có công lớn là tạo được một căn nhà khang trang để cho gia đình, vợ con, cháu nội ngoại, cháu cố đều có nơi tập trung họp mặt vui sống với nhau, có hạnh phúc thân thương. Ông bà lo cho con cháu, con cháu lo cho ông bà, thật ấm áp và hạnh phúc như hiện nay, 31-5-2015”.
.....
Kỷ niệm nồng ấm, thân thương của tình yêu hồi xuân và tình nghĩa sâu đậm của đôi vợ chồng già, trong tháng ngày khó quên của những năm 2014, 2015.
Tác giả Nguyễn Thừa Nghiệp đã xuất bản một số sách về tâm lý, hiện 91 tuổi. Chia sẻ những dòng nhật ký của mình, tác giả Nguyễn Thừa Nghiệp mong muốn đóng góp một câu chuyện về tình nghĩa vợ chồng dẫu ở tuổi nào cũng đẹp, cũng tràn ngập nét lãng mạn - tân xuân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận