17/01/2013 17:56 GMT+7

Tinh trùng quá ít, nên thụ tinh ống nghiệm

BS VƯƠNG THỊ NGỌC LAN (giảng viên Đại học Y dược TP.HCM)
BS VƯƠNG THỊ NGỌC LAN (giảng viên Đại học Y dược TP.HCM)

TTO - Tinh trùng giảm nhiều về số lượng, độ di động và tỉ lệ hình dạng bình thường có thể là nguyên nhân gây vô sinh thứ phát.

Một bạn đọc hỏi:

Tôi năm nay 33 tuổi, chồng tôi 40. Chúng tôi có một cháu năm nay học lớp 1. Sau khi sinh con, tôi kế hoạch bằng biện pháp đặt vòng.

Tháng 5-2011 tôi tháo vòng nhưng mãi mà không có thai. Chu kỳ kinh rất đều, đã đi khám phụ khoa và xét nghiệm kết quả bình thường. Tháng 5-2012 (một năm sau tháo vòng) tôi có thai nhưng thai ngoài tử cung nên phải mổ cắt tai vòi trứng phải.

Ngày 8-10-2012 chúng tôi đến khám tại phòng khám hiếm muộn BS Ngọc Lan, kết quả tinh dịch đồ của chồng tôi như sau: PH 7,5; thể tích 4ml; tổng số tinh trùng (10 mũ 6) 20; mật độ 5; PR 14%; NP 4%; IM 82%; tỉ lệ sống 23%; hình dạng bình thường 0%; kết luận tinh trùng bất thường đầu nhỏ, dài.

Ngày 6-11 chồng tôi đi khám lại ở BV Nhân Dân kết quả như sau: thể tích 2,5ml; PH 7,4; mật độ 3x10 mũ 6; tiến tới nhanh 0%; tiến tới chậm 3%; không tiến tới 13%; không di động 84%; tỉ lệ sống 17%; hình dạng bình thường 1%; và kết quả siêu âm là dãn tĩnh mạch thừng tinh 2 bên. Bác sĩ có cho thuốc uống và hẹn 1 tháng sau tái khám.

Xin hỏi bác sĩ:

- Với kết quả trên, chúng tôi biết khả năng có thai là khó, nhưng liệu chúng tôi có thể " thả" tự do được hay phải kiêng đến khi kết quả tinh trùng bình thường mới "thả" được? Nếu có thai thì liệu thai có bất thường gì không khi tinh trùng chưa bình thường?

- Tôi đã bị cắt 1 bên tai vòi trứng, như vậy để lần có thai sau được an toàn tôi cần phải làm gì?

- Khả năng có thai của chúng tôi trong bao lâu?

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

MNxJHCmX.jpgPhóng to
 

- Trả lời của ThS.BS VƯƠNG THỊ NGỌC LAN - Góc Tư vấn hiếm muộn:

Chào chị,

Có thể nói tinh dịch đồ của chồng chị cho thấy có giảm nhiều về số lượng, độ di động và tỉ lệ hình dạng bình thường của tinh trùng. Đây cũng có thể là một nguyên nhân gây vô sinh thứ phát.

Với mức độ tinh trùng như vậy, phương pháp điều trị vô sinh phù hợp cho anh chị là thụ tinh trong ống nghiệm vì với phương pháp này, số lượng tinh trùng cần thiết để tạo phôi với trứng của chị là rất ít.

Tuy nhiên, khi anh chị chưa muốn thực hiện phương pháp này, có thể quan hệ vợ chồng thường xuyên chứ không cần phải chờ đến khi tinh trùng trở về bình thường. Nếu có thai thì thai sẽ bình thường do chỉ có tinh trùng bình thường mới thụ tinh được trứng để tạo phôi và phát triển thành thai, mà thực tế anh vẫn có một tỉ lệ tinh trùng bình thường, mặc dù khá ít.

Về vấn đề vòi trứng của chị, chị bị cắt 1 bên thì khả năng có thai lại cũng bị giảm do nếu trong một chu kỳ kinh nguyệt mà trứng rụng bên vòi trứng bị cắt thì khả năng có thai sẽ thấp hơn bên còn vòi trứng rất nhiều. Hiện tại chưa có cách nào chủ động tránh thai ngoài tử cung, chỉ có thể phát hiện và điều trị sớm.

Tiên lượng thời gian có thai lại của anh chị rất khó biết do có nhiều vấn đề gây khó khăn cho việc có thai lại một cách tự nhiên của anh chị. Tuy nhiên, tôi đưa ra một con số để anh chị tham khảo là khả năng có thai của một cặp vợ chồng không có yếu tố gì gây khó khăn trong việc có thai là 25% cho một chu kỳ kinh nguyệt của người vợ.

Chúc anh chị sức khỏe.

* Vợ chồng em cưới nhau được 7 năm chưa có em bé. Vợ em bị buồng trứng đa nang, khoảng 3 tháng nay vợ em bị rong kinh liên tục, tháng đầu 20 ngày, tháng thứ 2 kéo dài tới tháng thứ 3 mà không sạch được. Xin hỏi vợ em có bị làm sao không? Buồng trứng đa nang có em bé được không? Nhờ BS tư vấn hướng điều trị và điều trị ở đâu tốt nhất? Em ở Cần Thơ. Cảm ơn BS nhiều! (Bạn đọc)

- Xin trả lời anh về 2 việc:

- Rong kinh: nguyên nhân vợ anh bị rối loạn kinh nguyệt, cụ thể là rong kinh, có thể do các chu kỳ không phóng noãn do hội chứng buồng trứng đa nang gây ra. Nếu muốn điều trị rong kinh, vợ anh có thể đến các phòng khám phụ khoa để bác sĩ cho dùng thuốc nội tiết điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt.

- Hiếm muộn: hội chứng buồng trứng đa nang gây rối loạn phóng noãn hay không phóng noãn, do đó gây hiếm muộn. Anh chị nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn để được xét nghiệm nội tiết cho vợ, làm tinh dịch đồ cho anh. Nếu tinh dịch đồ bình thường, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc gây phóng noãn và hướng dẫn anh chị quan hệ vợ chồng quanh thời điểm phóng noãn để tăng xác suất có thai.

Anh chị ở Cần Thơ thì có thể đi khám ở khoa hiếm muộn Bệnh viện Phương Châu hay BV Đa khoa TP Cần Thơ.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Góc tư vấn hiếm muộn của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

TTO

BS VƯƠNG THỊ NGỌC LAN (giảng viên Đại học Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên