Phóng to |
Nữ nhạc sĩ Nhật Bản Keiko Matsui |
Chiều 4-4, một bạn đọc đã gửi mail đến Tuổi Trẻ cho biết không chỉ Frontier mà còn có ca khúc Dường như (nghe audio) của Bảo Chấn (do Hồng Nhung thu thanh vào năm 1998) cũng giống hệt bản nhạc Crescendo (nghe audio) của Keiko Matsui.
Sự trùng hợp của “tư tưởng lớn gặp nhau” trong âm nhạc lẽ nào lại xảy ra trong hai bản nhạc và cùng hai tác giả?
Chúng tôi đã mời một nhạc sĩ lâu năm trong giới cùng nhạc sĩ Trần Minh Phi nghe lại tất cả bốn bản nhạc nói trên (Tình thôi xót xa, Dường như của Bảo Chấn và Frontier, Crescendo của Keiko Matsui). Và cả hai đều xác nhận “rất giống nhau”.
Để bạn đọc có thêm thông tin tham khảo về sự kiện này, chúng tôi xin giới thiệu nội dung cuộc trao đổi với Bảo Chấn (hai lần ngày 2-4 và 5-4) và tóm lược bản mail mà Kazu Matsui, chồng Keiko và là người đại diện của nữ nhạc sĩ, gửi cho báo giới và một số bạn yêu nhạc VN.
Bảo Chấn: “Tôi viết từ những năm 1980 nhưng không còn bản thảo”
Phóng to |
Nhạc sĩ Bảo Chấn |
* Ai là người đầu tiên hát Tình thôi xót xa?
- Hồng Nhung, nhưng không hiệu quả như tôi mong muốn (ca sĩ Hồng Nhung xác nhận với Tuổi Trẻ cô là ca sĩ đầu tiên hát ca khúc Tình thôi xót xa, sau năm 1992). Vì vậy sau đó tôi có trích một đoạn đưa vào phim Nước mắt học trò của nhóm Lý Huỳnh (đạo diễn Lý Sơn xác nhận với Tuổi Trẻ có nhờ NS Bảo Chấn soạn nhạc đệm cho phim này - nhưng không thể nhớ điệu nhạc - và phim đã được làm khoảng năm 1992).
* Nghe nói anh đã đưa bài hát này ra hải ngoại dưới một bút danh khác?
- Hồi tôi còn làm ở vũ trường, gặp lại một số bạn bè, trong đó có một Việt kiều tên Thạch. Và tôi đã đưa bài hát này cùng một số bài khác của nhiều người cho Thạch mang đi. Nhưng có lẽ vì một lý do nào đó, bài hát sau đó được ca sĩ ít tên tuổi Thảo My hát dưới tên một tác giả khác mà tôi không nhớ tên.
* Anh có nhớ chính xác đó là năm nào không?
- Khoảng năm 1986 hoặc 1987.
Phóng to |
Bản nhạc vẫn còn trong vòng nghi vấn |
- Theo tôi nhớ thì năm 1996 hoặc 1997, Tình thôi xót xa của tôi và Cho em một ngày của anh Dương Thụ, hai tác phẩm đứng đầu top ten Làn sóng xanh thời kỳ này, cũng được chuyển nhượng cho Đài truyền hình Nhật NHK trong một chương trình trao đổi văn hóa.
* Anh nghĩ sao về thông tin Tình thôi xót xa giống một bản nhạc của Nhật?
- Đó là điều bình thường. Chắc chắn người Nhật không ăn cắp của tôi. Tôi cũng vậy. Vì tác phẩm tôi viết vào những năm 1980, thời kỳ mà điều kiện tiếp cận âm nhạc thế giới rất khó khăn, không đủ phương tiện để có thể “ăn cắp”...
* Ông Kazu Matsui, chồng của nhạc sĩ Keiko, vừa gửi mail và nói rằng anh đã copy bài nhạc của Keiko. Anh nghĩ gì về việc này?
- Nếu ông Matsui nói thế thì tôi... bó tay. Tôi là người không ngăn nắp nên không hề lưu và không thể nhớ hết những gì mình đã viết ra. Khi nghe tin nhạc mình giống nhạc Nhật, tôi cũng hoang mang vì tôi vốn là người chơi nhạc hòa tấu. Tôi đã điện lại những người bạn từng cung cấp cho tôi những băng đĩa nhạc trước thì không ai nhớ đã cung cấp cho tôi tác phẩm nào của Nhật. Nói thật, trong lĩnh vực nhạc hòa tấu, Nhật chưa phải là nước có thị trường ở nước ta vào thời kỳ ấy.
Kazu Matsui: “Bảo Chấn biết, chúng tôi biết và Trời Phật biết sự thật...”
Nữ nhạc sĩ Nhật Bản Keiko Matsui bắt đầu học nhạc từ năm 5 tuổi, 17 tuổi đã được Tập đoàn Yamaha chọn ghi âm và đã có hơn 20 album.
Bài Frontier là bản nhạc thứ 7 trong album Cherry blossom được phát hành từ năm 1992 (không nói riêng từng bài sáng tác vào năm nào) và phát hành lại vào năm 2003.
Album Cherry blossom gồm những bản nhạc hòa tấu hay dạng như Paul Mauriat của Pháp. Album được bán trên mạng với giá 12,15 USD gồm 9 nhạc khúc (năm 2003 có thêm nhạc khúc bonus Crescent night dreams).
Thực hiện album này có 23 nhạc công (có cả tác giả tham gia) thu tại phòng thu Aire LA (Mỹ)...
Những gì mà tôi có thể nói hiện giờ là vấn đề đã quá rõ ràng: hai bản nhạc là một và chắc chắn một bản là copy của bản kia. Keiko đã được biết đến như một nghệ sĩ và nhà soạn nhạc ngay từ đầu những năm 1990 và tôi đã làm việc cùng cô ấy như một nhà sản xuất và là nhân chứng chứng minh rằng giai điệu của bài Frontier ra đời tại nhà của chúng tôi.
Chúng tôi đã sử dụng giai điệu này (Frontier) cho sản phẩm Supper Mario brothers image của Công ty Citron and Art vào khoảng năm 1990 hay 1991. Chúng ta có thể tìm lại được ngày phát hành sản phẩm này dễ dàng. Chúng tôi nghĩ rằng đây không phải là chuyện “tư tưởng lớn gặp nhau” gì cả.
Những gì chúng tôi có thể nói là ông ấy biết sự thật và nếu ông ấy cứ liên tục khẳng định ông ấy đã soạn bài đó (Tình thôi xót xa), chúng ta có thể gặp nhau tại tòa án quốc tế về chuyện bản quyền bài hát.
Tuy nhiên, chúng tôi không muốn tốn công sức vì chuyện này. Nếu bạn biết quá trình làm việc của Keiko với 16 album tổng cộng, bạn có thể thấy cô ấy là một nghệ sĩ chân thành và tài năng như thế nào. Cô ấy không cần thiết phải trộm cắp bất kỳ thứ gì.
Các bạn VN tìm nghe những sáng tác của Keiko và các bạn có thể cảm nhận được sự chân thành của cô ấy. Chúng tôi chỉ yêu cầu như thế mà thôi. Bảo Chấn biết, chúng tôi biết và Trời Phật biết sự thật nằm ở đâu.
***
Với thông tin từ hai phía như trên cũng chưa hoàn toàn đủ cơ sở xác định bài nhạc nào ra đời trước và nói theo dân gian là “ai chôm của ai?”. Tuy nhiên chúng ta cũng hi vọng rằng một khi dư luận đã rộ lên về vấn đề này tất sớm có ngày sự thật trắng đen cũng sẽ phơi bày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận