Phóng to |
Nhà phê bình Lôi Đạt |
“Tinh thần sinh thái” của văn học thế kỷ mới ra sao? Việc sáng tác văn học đương đại còn tồn tại những “căn bệnh” gì? Lôi Đạt, nhà bình luận văn học nổi tiếng Trung Quốc, đã có buổi nói chuyện về vấn đề này - vấn đề mà các nhà văn trẻ Trung Quốc đang quan tâm nhất.
Tinh thần văn học ngày càng trở nên phức tạp
Văn đàn Trung Quốc gần đây gặp rất nhiều sóng gió. Như lời nhận định “văn học đương đại Trung Quốc đều là rác” của nhà Hán học người Đức, ông Wolfgang Kubin đã gây nhiều tranh cãi cho giới nhà văn cũng như báo giới TQ. Ông còn cho rằng Totem Sói (tựa tiếng Anh: The Wolf Totem) là cuốn tiểu thuyết tuyên truyền chủ nghĩa “đảng đầu trọc”. Cách đây không lâu, nhà thơ Diệp Khuông Chính còn lên mạng phát biểu “văn học Trung Quốc đã chết rồi”, không những thế, ông còn chỉ ra 10 triệu chứng tử vong của văn học...
Đối với hiện tượng này, nhà bình luận văn học Lôi Đạt nói, để đưa ra những lời nhận xét như thế quả là chuyện dễ dàng, nhưng ông hy vọng nhận được những lời phê bình cho thấy kiến giải chính xác và thấu đáo về từng vấn đề cụ thể trong văn học hơn.
Ông tỏ bày: “Tôi lấy tiêu đề "Tinh thần sinh thái của văn học thế kỷ mới" cho buổi giao lưu này không phải để đưa ra kết luận gì về tinh thần sinh thái văn học của thế kỷ mới, mà là muốn cùng mọi người thử tìm hiểu và tham cứu một số vấn đề cụ thể về lĩnh vực tinh thần đang tồn tại trong lối viết đương đại. Tôi cảm thấy, sau khi văn học bước vào thị trường, tinh thần này đã ngày càng trở nên phức tạp, khá nhiều sự tình tưởng như còn xa xăm lắm, bỗng chốc đập ngay vào mắt. Trước đây 7, 8 năm, những giấc mộng mà chúng ta đàm luận, dường như chỉ trong một đêm đã trở thành hiện thực. Mới đây thôi, có người nhận định, nhà văn đã nằm trong danh sách những người giàu có. Tôi nghĩ mãi điều này có nghĩa gì?…Nhưng cùng với thời gian này, văn học hiện đại quả thực đang đương đầu với nguy cơ lớn về tinh thần sinh thái”.
Hiếm thấy những tác phẩm mang tính nguyên tác và có khả năng chinh phục
Gần đây luôn có người hỏi, tại sao ngày nay chúng ta không tìm ra được những nhà văn vĩ đại như Leo Tolstoy, FranzKafka? Tại sao không có nhà đại ngôn luận như Lỗ Tấn, Hồ Thích? Tại sao hiếm xuất hiện tác phẩm kiệt xuất chân chính?
Đối với vấn đề này, ông Lôi Đạt cho rằng, trước tiên, do thời đại ngày nay là tràn ngập những thú tiêu khiển, muốn tạo ra sức hấp dẫn hoặc trở thành một nhà văn lớn không phải là dễ. Thứ hai, là do thiếu hụt lối sáng tác mang tính sáng tạo, độc lập, mang yếu tố sinh mệnh... Một vấn đề xem ra cũng liên quan đến, đó chính là mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả. Cuối cùng, độc giả là thượng đế, bằng hữu hay đối thủ?
Nhà bình luận văn học này cho rằng, nếu xem độc giả là thượng đế, sẽ không tránh khỏi tình trạng phải luôn ngước nhìn họ và lựa ý chiều theo. Một khi xem độc giả là bạn, lại dễ mắc phải lỗi tùy tiện. Thái độ tốt nhất là nên xem độc giả là đối thủ, quan hệ của nhà văn và độc giả là mối quan hệ giữa chinh phục và được chinh phục. Một nhà văn có thể chinh phục độc giả bằng khả năng truyền thụ nghệ thuật mạnh mẽ hay không, phụ thuộc vào việc nhà văn đấy có thể cung cấp nhiều thứ mới lạ khiến đối thủ phải bất ngờ. Nhà văn đó sẽ vì sự lúng túng của đối thủ mà khơi dậy khả năng sáng tác độc đáo cũng như khát vọng sáng tác chân chính của mình. Có thế mới thể hiện được sự tôn trọng độc nhất, cũng là cách để cho ra đời một tác phẩm lớn.
Đáng tiếc là, ngày nay lối sáng tác đón ý độc giả và tiêu khiển trở nên khá phổ biến. Như những tác phẩm văn học mang tính bạo lực, tình dục được sáng tác đầy rẫy trên mạng. Họ không cần có trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình, còn các nhà xuất bản thì lên kế hoạch, tìm điểm nóng trên thị trường để tiêu thụ chúng... Ngày nay, rất hiếm thấy tác phẩm có thể chinh phục hoàn toàn về tính nguyên tác, “bản chất” và “độ sâu”. Điều này đã dẫn đến việc đánh mất tinh thần sáng tạo trong sáng tác văn học.
Đánh mất khả năng nêu cao giá trị tinh thần
Ông Lôi Đạt cho biết, cái thiếu của văn học hiện đại là khả năng khẳng định và nêu cao giá trị tinh thần một cách trực diện, trong khi đó lại là nhu cầu mang tính trụ cột cho tinh thần văn học dân tộc. Ông nói, ông nhìn thấy không ít tác phẩm ngày nay khơi gợi mặt trái của hiện thực xã hội, nhưng rõ ràng là thiếu khả năng kêu gọi tình yêu, lòng hướng thiện, sự quang minh, thiếu những điều kiện tích cực cho việc “làm người”.
Nhà văn TQ trong ngữ cảnh chính trị đặc biệt, đã hình thành một loại ảo giác, là xem sự phê phán đầy phẫn khích là chủ nghĩa hiện thực phê phán. Sự sai lệch trong cách nhìn nhận này chính là đã xem nhẹ văn học dân tộc, không đưa những giá trị tinh thần tích cực ra làm nền tảng, làm lý tưởng, làm ngọn đuốc soi đường, thế nên nội hàm tinh thần nhân văn và khung cảnh nghệ thuật tư tưởng trong tác phẩm cũng giảm mạnh.
Văn học thiếu nhất là “tinh thần siêu việt”
Theo ông, cái thiếu nhất của văn học hiện nay là tinh thần siêu việt đối với hiện thực sinh tồn, điều đấy đã hạ thấp sự cách điệu và phẩm chất của văn học. Ông nhận xét, một nhà tiểu thuyết bình thường thường chỉ chú ý đến sự thú vị của câu chuyện, nhưng một nhà văn giỏi, lại có thể đưa câu chuyện từ sự thú vị đến tồn tại mãi mãi, tác phẩm của họ thể hiện được sự thông hiểu sâu sắc đối với cảnh ngộ sinh tồn của nhân loại.
Ví như Tử dạ của Mao Thuẫn, Trường hận ca của Vương An Ức, đều khởi nguồn từ một câu chuyện được đăng trên báo, nhưng với lối viết của họ, nền tảng câu chuyện đã trở nên siêu việt, mà độ khó của tiểu thuyết cũng chính là điểm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận