Phóng to |
Có một nhóm bạn trẻ, rất trẻ - có lẽ chỉ 17, 18 tuổi - ăn mặc rực những màu tươi tắn và tính cách sôi động như lứa tuổi của họ đã rủ nhau ra khỏi nhà từ sáng sớm, và điểm đến mà họ quyết định trong buổi sáng hôm ấy: ghé tòa soạn báo Tuổi Trẻ để đóng góp cho những nạn nhân cơn sóng thần khu vực Châu Á. “Chuyện bình thường thôi mà".
Sáng nay, TP mình yên bình quá trong khi bao nhiêu người bạn cùng trang lứa chúng tôi ở nhiều nước láng giềng không được như thế. Những người trẻ phải biết chia sẻ với nhau chứ…”, họ trả lời và hồn nhiên gọi nhau lên những chiếc xe gắn máy đời mới để tiếp tục một cuộc chơi nào đó hẳn rất hấp dẫn của họ ngày đầu năm mới.
Gần như tìm đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ cùng lúc với những bạn trẻ ấy là một ông cụ đã 77 tuổi - cụ Đinh Văn Biển ở Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM - ảnh 1). Mổ bệnh hiểm nghèo liên tục mấy lần, cụ Biển đã yếu lắm rồi, đến phòng đóng góp trên chiếc xe lăn do một người thân đẩy đi và giọng nói dù thoảng nhẹ như hơi thở cũng được phát ra rất khó khăn: “Người ta khổ, mình phải chạnh lòng...”. Còn cô gái đẩy xe cho biết: “Nghe con cháu bàn tán chuyện sóng thần, cụ cứ nằng nặc đòi đi đóng góp cho bằng được số tiền mà con cháu giúp mỗi ngày…”.
... Nhiều lắm những tấm lòng tìm đến để đồng hành cùng Tuổi Trẻ trong ngày đầu năm mới ấy. Có em chưa học xong tiểu học, nhóm bạn lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP.HCM) và có những ông bà cụ 60-70 tuổi.
Có cô bạn Phương Quỳnh, du học sinh ở Singapore vừa về nước đã hối hả đến với 300.000đ, và có cô chủ trẻ quầy sách báo, văn hóa phẩm học trò nhỏ xíu trên đường Lê Đức Thọ (P.13, Q. Gò Vấp) Trần Thị Kim Thanh mà khi vào góp 500.000đ. Trên chiếc xe gắn máy của Thanh lỉnh kỉnh những trái banh nhựa mà cô cho biết vừa mua về bán cho trẻ con. “Dạ, người ta bị thiên tai khổ quá mà anh, mình bỏ qua đâu có được…”, Kim Thanh nhỏ nhẹ cho biết.
...Quả là một buổi sáng đầu năm đẹp đẽ và thật sự đáng nhớ: một buổi sáng dường như không mang một dấu ấn thời gian, tuổi tác. Có rào chắn tuổi tác nào ngăn được điều muốn của trái tim, biết cho đi và biết nhận lại: tình người...
Phóng to |
Sáng, một nhóm bạn trẻ hồn nhiên vác vào phòng tiếp bạn đọc những thùng, những túi xách đầy quần áo:“Tụi em muốn gửi đến nạn nhân vụ động đất”. Chúng tôi trả lời rằng chưa thể chuyển hiện vật, gương mặt các bạn hơi xìu xuống rồi lại tươi lên: “Tại em thấy bảo một mảnh vải cũng quí. Vậy tụi em gửi đồng bào miền Trung. Còn vụ động đất thì… có cái này”.
Cậu bé lôi một nắm tiền trong phong bì ra và bắt đầu đếm. “Được 510.000 đồng, chị ạ. Tụi em tiết kiệm từ mấy hôm nay, hồi sáng mới tập hơp và quyên góp tại chỗ, chưa kịp kiểm tiền…”. Đóng tiền rồi, các bạn lại vội vã kéo nhau đi cho kịp buổi tập. Đó là câu lạc bộ judo của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (ảnh 2).
Sáng, anh Tạ Ngọc Minh Tân gọi điện thoại và sốt sắng trình bày: “Tôi là sĩ quan hải quân, chuyên đi tàu viễn dương. Tàu của chúng tôi vừa từ Malaysia về và hiện đang trong kỳ nghỉ. Tôi có khả năng ngoại ngữ tốt, có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, có các chứng chỉ quốc tế về sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu hỏa. Nếu báo Tuổi Trẻ có thể đứng ra tổ chức một lực lượng tình nguyện viên, tôi xin đăng ký tham gia ở đầu danh sách. Nếu chỉ khuân vác hàng cứu trợ thì cũng là một việc cần thiết…”.
Cùng đăng ký ở đầu danh sách với anh Tân còn có anh Nguyễn Hoàng Định. Anh Định khẳng định: “Tôi có thể tạm nghỉ việc để tham gia công tác xã hội bằng chính hành động của mình. Mình sống làm gì nếu không phải là mang lại hạnh phúc cho người khác. Nếu có một nơi đứng ra tổ chức đội ngũ tình nguyện viên đúng nghĩa, tôi xin đi và sẽ tự chi trả chi phí…”.
Có một người đàn ông đã ngồi chờ từ mờ sáng ở trước cửa tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Anh là Bùi Văn Hồng, người đã mang 4.300 USD đến đóng góp hỗ trợ nạn nhân động đất - sóng thần chiều hôm trước. Sáng nay, anh đến đợi chúng tôi để trình bày một ý tưởng mới “nhằm giúp cho quĩ huy động được nhiều hơn, nhanh hơn, ổn định hơn”. Trình bày xong rồi anh Hồng mới… ba chân bốn cẳng về nhà báo cáo với bà xã.
Có một chị hối hả mang đến một thùng thuốc tây, rồi ôm thùng thuốc đứng ngẩn ngơ khi những người tiếp nhận trả lời rằng chưa thể nhận hiện vật, lại càng không thể nhận thuốc vì là mặt hàng chuyên biệt. Chị như muốn khóc: “Tôi nghĩ bên đó đang phải đối mặt với dịch bệnh, nên…”. Lát sau đã thấy chị quay lại, hớn hở: “May quá, vừa mới mua nên cửa hàng đã đồng ý nhận lại. Giờ tôi đóng tiền”.
Có người gọi điện hỏi tại sao chúng ta không cho tàu chở gạo sang cứu trợ? Có người gợi ý nên đóng thuyền để giúp các ngư dân. Có người muốn gửi sữa cho trẻ em, lưới đánh cá cho người lớn. Có người muốn nhận nuôi những em bé bỗng chốc trở nên mồ côi… Tình người mênh mông vô bờ và cụ thể trong lòng bàn tay là những gì chúng tôi đã và đang được may mắn làm người chuyển giao trong những ngày này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận