Phóng to |
Thí sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh 2005 của Tuổi Trẻ tại Gia Lai đông đến độ phải ngồi ngoài hành lang. Năm 2005, Gia Lai cũng có lượng TS trúng tuyển tăng vọt: 2.722 TS/18.074 TS ĐKDT so với năm 2004 chỉ có 2.093 TS trúng tuyển - Ảnh: N.P. |
Nam Định: dẫn đầu
Tính từ năm 2002, nếu như Nam Định có 44.704 TS đăng ký dự thi (ĐKDT), trong đó có 5.414 TS trúng tuyển (tỉ lệ 12,11%) thì năm 2005, mặc dù con số TS ĐKDT giảm xuống 42.395 nhưng lại có đến 11.224 TS trúng tuyển với tỉ lệ là 26,47%, đứng đầu bảng danh sách các địa phương có tỉ lệ trúng tuyển cao nhất trong cả nước.
Hai năm trước đó là 2003, Nam Định cũng có 41.213 TS ĐKDT thì có 7.433 TS trúng tuyển, năm tiếp theo 2004 có 40.923 thì có 8.788 TS trúng tuyển. Lượng TS trúng tuyển hằng năm tăng cao, với tỉ lệ tăng nhanh so với nhiều địa phương khác trong cả nước cho thấy lượng TS có hộ khẩu thường trú tại Nam Định quả là "đối thủ" đáng gờm trong kỳ thi tuyển sinh ĐH 2006 này.
Tương tự, mặc dù ở Hải Phòng trong các năm 2003, 2004 đều có lượng TS ĐKDT giảm so với năm 2002 nhưng tỉ lệ trúng tuyển hằng năm đều tăng. Cụ thể năm 2002 tỉ lệ trúng tuyển là 16,46% (34.185 TS ĐKDT/5.627 TS trúng tuyển), năm 2003 là 17,47% (33.204 TS ĐKDT/5.800 TS trúng tuyển) và năm 2004 tăng lên 21,23% (33.880 TS ĐKDT/7.192 TS trúng tuyển).Thậm chí như năm 2005, Hải Phòng có 35.156 TS ĐKDT thì có đến 8.223 TS trúng tuyển (tỉ lệ 23,39%).
Một địa phương khác cũng cần phải nhắc đến là tỉnh Quảng Nam do có lượng TS trúng tuyển hằng năm đều tăng và là một trong chín tỉnh, thành của cả nước có tỉ lệ TS trúng tuyển đạt từ 20% trở lên. Thử nhìn hai số liệu, năm 2002 có 26.963 TS ĐKDT và có 3.447 TS trúng tuyển, thì năm 2005 giảm xuống 25.133 TS ĐKDT nhưng tỉnh này vẫn có đến 5.056 TS trúng tuyển.
Nếu xét về lý thuyết thì các tỉnh, thành phố lớn phải là các địa phương có tỉ lệ trúng tuyển cao nhất. Nhưng nhìn chung trải qua bốn năm tuyển sinh, các tỉnh, thành phố lớn đều nằm ở tỉ lệ 15-16%. TP.HCM tuyển sinh 2005 đạt kỷ lục với lượng TS ĐKDT là 111.050 với con số trúng tuyển là 18.785, đạt tỉ lệ 16,92% (các năm 2004 là 16,11%, 2003 là 16,29%). Tiếp theo là Hà Nội với 79.598 TS ĐKDT, trúng tuyển 13.520, tỉ lệ 16,99%. |
Các tỉnh, thành còn lại nằm trong "top 20%" trúng tuyển trở lên của mùa tuyển sinh 2005 là Khánh Hòa (20,83%). Riêng Lâm Đồng - tỉnh từng tạo cú sốc vào năm 2002 khi chỉ có 12.273 TS ĐKDT nhưng có đến 3.301 TS trúng tuyển với tỉ lệ 26,9%, năm 2005 cũng đạt tỉ lệ 20,59%. Đồng Nai đạt 22,51%, Bà Rịa - Vũng Tàu 21,85%, Kiên Giang 20,12% và Bạc Liêu 24,15%.
Có lẽ sẽ có không ít tranh cãi hoặc ngạc nhiên khi hai tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vùng trũng của giáo dục - lại lọt vào "top 9".
Các tỉnh miền núi, đồng bằng: khả quan!
Mùa tuyển sinh 2005, các tỉnh thuộc khu vực miền núi và đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung đều khả quan so với các năm trước đó. Lượng TS trúng tuyển tăng lên mà nguyên nhân cũng không kém quan trọng là chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. Tuy nhiên cũng thấy mức đầu tư cho giáo dục của các tỉnh này ngày càng được chú trọng, mặc dù tỉ lệ trúng tuyển còn khá thấp.
Ở phía Bắc, Lào Cai năm 2004 có 758 TS trúng tuyển/8.306 TS dự thi thì năm 2005 lượng TS ĐKDT giảm còn 7.817 nhưng số trúng tuyển tăng lên 1.067. Tỉnh Sơn La qua hai mùa tuyển sinh lượng TS ĐKDT bình ổn ở mức 12.000, nhưng nếu năm 2004 chỉ có 808 TS trúng tuyển thì năm 2005 con số đó là 1.067.
Ở phía Nam, tỉnh miền núi Bình Phước năm 2004 có đến hơn 10.000 TS ĐKDT, trúng tuyển chỉ 1.392 TS thì năm 2005 có 9.699 hồ sơ và số trúng tuyển tăng lên 1.494. Các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng tương tự như vậy. Bến Tre năm 2004 có 18.656 TS ĐKDT, trúng tuyển 2.068 thì năm 2005 có 17.358 TS ĐKDT và trúng tuyển 2.676.
Tại Vĩnh Long, gần 16.000 TS ĐKDT của năm 2004 chỉ có 1.865 TS trúng tuyển thì năm 2005 chỉ có 13.411 TS ĐKDT và con số trúng tuyển là 2.423. Tỉnh cực nam của Tổ quốc là Cà Mau cũng có những chuyển biến khá tích cực khi năm 2004 có 1.158 TS trúng tuyển/7.630 TS dự thi thì năm 2005 con số ĐKDT là 6.606 và số trúng tuyển tăng lên 1.257 TS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận