31/01/2012 05:34 GMT+7

Tính lịch cho... vũ trụ

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TT - “Trong vũ trụ bao la, con người không chỉ nhỏ bé giữa không gian mà còn nhỏ bé cả về thời gian nữa” - giáo sư thiên văn học Trịnh Xuân Thuận nói như vậy với các bạn trẻ tại TP.HCM trong một buổi nói chuyện về “Big Bang và sau đó: vị trí con người trong vũ trụ”.

Minh họa cho sự nhỏ bé ấy, vị giáo sư từ Trường ĐH Virginia, Hoa Kỳ - nổi tiếng với đam mê chinh phục bầu trời - đã đưa ra “cuốn lịch vũ trụ”. Sự hình thành vũ trụ từ 13,7 tỉ năm về trước (nói 14 tỉ năm cho dễ hình dung - giáo sư Thuận), kể từ vụ nổ Big Bang cho đến ngày nay được nén vào “cuốn lịch” một năm. Các mốc quan trọng trong lịch sử được diễn tả theo tháng, ngày, giờ, phút, giây trong năm đó và ngày nay là lúc “nửa đêm”.

Bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, giáo sư Thuận kể lại từ một trạng thái nhỏ hơn cả hạt nhân, vụ nổ Big Bang đã “nảy nở” thành vũ trụ bao la nên đây được xem là ngày đầu tiên (1-1) của năm. Một giờ bốn mươi lăm phút sau đó, hạt giống thiên hà đầu tiên xuất hiện ươm mầm cho sự hình thành của dải ngân hà trong bốn tháng sau đó. Chiếu theo lịch, Hệ mặt trời xuất hiện khoảng đầu tháng 9, tế bào sống đầu tiên xuất hiện cuối tháng 9, thực vật cổ nhất xuất hiện giữa tháng 11, khủng long chỉ sống bốn ngày trên Trái đất, từ 24 đến 28 tháng 12. Và con người, loài người đầu tiên chỉ xuất hiện trên Trái đất lúc một giờ rưỡi trước nửa đêm, tức khoảng sáu triệu (so với 14 tỉ) năm về trước. Trí tuệ, tri thức của con người cũng xuất hiện một phút trước lúc nửa đêm...

Cuối buổi nói chuyện, một bạn trẻ bày tỏ băn khoăn trước những lời đồn đại... tận thế vào năm 2012. Bằng kiến thức về thiên văn, giáo sư Thuận lý giải: “Tôi không tin năm 2012 là tận thế vì không có gì trong bầu trời, trong thiên văn học nói lên chuyện đó. Tuy nhiên, có điều chúng ta cần quan tâm như sự chết của Mặt trời trong 4,5 tỉ năm nữa. Trong tuổi thọ khoảng 9 tỉ năm, Mặt trời đã đi được một nửa chặng đường. Bốn tỉ rưỡi năm nữa, Mặt trời sẽ “hết pin”, lúc đó không có năng lượng thì sự sống trên Trái đất không còn nữa. Trái đất vẫn còn đó, vẫn quay quanh Mặt trời nhưng không có ánh sáng mặt trời thì sự sống không thể tồn tại nữa. Nếu muốn có sự sống phải tìm một ngôi sao khác...”.

Với một phương pháp trình bày rất khoa học mà gần gũi, đơn giản mà đầy đủ thông tin, giáo sư Thuận đã làm hơn 150 người Việt, người Pháp từ học sinh, sinh viên đến những người đầu đã bạc trắng đứng chật kín khán phòng tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (Idecaf) trong buổi tối hôm ấy gật gù chiêm nghiệm.

Họ như hiểu thêm về “thân phận” của con người trước vũ trụ. Nhiều học sinh, sinh viên cho biết nghe giáo sư Thuận nói chuyện họ mới hiểu hơn về vũ trụ, về khoa học. Có bạn trước nay chưa từng tìm hiểu về lịch sử vũ trụ cũng bị cuốn hút vào câu chuyện. Thế mới biết trách các bạn trẻ không chịu tìm tòi nghiên cứu khoa học cũng chỉ mới đúng một phần. Phần còn lại là người lớn làm cách nào để truyền cảm hứng yêu thích khoa học một cách thực thụ để hướng các bạn đến việc say mê, yêu thích tìm tòi, nghiên cứu mới là phần quan trọng hơn.

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên