14/10/2020 07:29 GMT+7

Tình huống nào sẽ cứu nạn bằng trực thăng?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Máy bay trực thăng bay đến vùng có người bị nạn và vận chuyển bệnh nhân về cấp cứu tại bệnh viện, trên máy bay có kíp y bác sĩ chuyên nghiệp là mơ ước trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, như trong đợt lũ xảy ra ở miền Trung lần này.

Tình huống nào sẽ cứu nạn bằng trực thăng? - Ảnh 1.

Trực thăng từ đất liền bay ra các đảo để vận chuyển cứu sống người bệnh trong các tình huống khẩn cấp - Ảnh: VĂN CHÍNH

Thực tế đã có trường hợp người bị nạn được vận chuyển bằng trực thăng về bệnh viện, được cứu sống.

Theo ông Nguyễn Công Sinh - phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính kiêm phó trưởng Ban ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, trong những tình huống cần thiết và khẩn cấp, tùy tình hình thời tiết, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia sẽ xem xét quyết định điều trực thăng.

Đắt đỏ nhưng vẫn sẵn sàng

Theo ông Sinh, trước đây đã có một số ca bệnh được vận chuyển bằng trực thăng về bệnh viện thành công, bệnh nhân được cứu sống. Chi phí mỗi chuyến vận chuyển cấp cứu rất đắt đỏ, tuy nhiên chi phí chỉ là một điều kiện, việc điều được trực thăng còn phải phụ thuộc điều kiện thời tiết, hướng gió, tốc độ gió...

"Địa hình khu vực đó nhiều dây điện, nhiều cây cối cũng ảnh hưởng tới việc trực thăng có vào hay không" - ông Sinh cho biết.

Cũng theo ông Sinh, trong đợt lũ lụt lớn lần này trực thăng đã cứu được các thuyền viên trên tàu lênh đênh nhiều giờ ngoài biển, trước đây cũng từng có một gia đình thuê máy bay chuyển một bệnh nhân từ Hà Tĩnh ra Hà Nội.

Làm sao để có máy bay cứu nạn?

Trong tình huống xảy ra thiên tai, ông Sinh cho biết các tỉnh đều có ủy ban ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chủ tịch tỉnh cũng là chủ tịch ủy ban này của tỉnh có thể báo ngay tới Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và lãnh đạo ủy ban sẽ quyết định trong tình huống có điều trực thăng hay các phương tiện hỗ trợ khác.

Việc điều trực thăng còn phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết như đã nói ở trên. Về số lượng trực thăng hiện có cho việc tìm kiếm cứu nạn, ông Sinh cho hay có trực thăng của quân đội và các tập đoàn kinh tế của quân đội.

"Trong thời gian cuối tuần này, khi đường sá đi lại tốt hơn, đoàn hỗ trợ của Bộ Y tế sẽ vào vùng lũ, có những hỗ trợ cho các cơ sở y tế bị thiệt hại về thuốc men, vật tư y tế, hóa chất khử khuẩn nước cho vùng lũ" - ông Sinh cho biết.

Cứu sống nhiều trường hợp

Từng có trường hợp trực thăng của Bộ Quốc phòng cứu kịp thời ngư dân N.Đ.H., khi đó 34 tuổi, từ Trung tâm Y tế quân dân y huyện đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng về Bệnh viện Bạch Mai.

Hôm đó, khi đang đánh cá trên ngư trường vịnh Bắc Bộ, anh H. đột nhiên bị đau bụng, được đưa vào huyện đảo cấp cứu. Bác sĩ tại Trung tâm Y tế quân dân y đã hội chẩn, chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc do ruột thừa vỡ trên cơ địa bệnh nhân bị suy tim độ 2 và hở van động mạch chủ.

Trong điều kiện không kịp vận chuyển bệnh nhân vào đất liền, Trung tâm Y tế quân dân y huyện đảo Bạch Long Vỹ đã hội chẩn với Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng để phẫu thuật cho bệnh nhân ngay tại huyện đảo.

Nhận được tin, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ Quốc phòng điều trực thăng đưa bệnh nhân về Hà Nội điều trị hậu phẫu. Trước khi trực thăng cất cánh từ Gia Lâm, Hà Nội 1 giờ, Bệnh viện Bạch Mai đã điều một kíp y bác sĩ đi cùng trực thăng đưa bệnh nhân về bệnh viện.

Mới đây, ngày 26-9, chiếc trực thăng EC225 mang số hiệu VN8619 của Binh đoàn 18 cùng tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175 đã bay ra đảo Phan Vinh (huyện đảo Trường Sa) đưa ngư dân bị bệnh nặng về đất liền điều trị.

Bệnh nhân là anh T.Q.O. (41 tuổi, quê Bình Định), thuyền viên tàu đánh cá ngừ. Đang trong lúc đánh bắt hải sản giữa bốn bề trùng khơi, anh O. đột nhiên bị cơn đau đầu ập đến. Vốn khỏe mạnh rắn rỏi, trong phút chốc anh sùi bọt mép, gục ngã rồi hôn mê sâu sau các cơn nôn khan, co giật.

Với chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ phình mạch não tiên lượng rất xấu, ngoài việc điều trị bước đầu, một cầu truyền hình qua hệ thống telemedicine (chẩn đoán y tế từ xa) với Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Quân y 7 (Quân khu 3) để hội chẩn.

"Dù thời tiết rất xấu nhưng tất cả thành viên tổ bay vẫn quyết tâm lên đường ra đảo để đưa bệnh nhân về đất liền điều trị, duy trì sự sống", một bác sĩ trực tiếp cấp cứu chia sẻ.

L.ANH - H.LỘC

Sạt lở trạm 67 gần thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra như thế nào? Sạt lở trạm 67 gần thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra như thế nào?

TTO - Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Quân khu 4, vụ sạt lở xảy ra lúc 0h ngày 13-10, vùi lấp trạm bảo vệ rừng 67. Lúc này trong trạm có 21 người của đoàn đi cứu nạn Rào Trăng 3.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên