22/09/2008 05:30 GMT+7

Tình đẹp

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Đằng đẵng suốt mười năm qua, người đàn ông gầy gò ấy đã vượt qua bao cơn bĩ cực để dìu vợ đi khắp các bệnh viện của tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng với chỉ một ước mong: còn nước còn tát! Như một đôi bồ câu chung thủy, chẳng bao giờ anh rời chị nửa bước.

aS9bQvOi.jpgPhóng to

Hằng ngày, ngoài việc giặt giũ, tắm gội cho vợ, anh Hòa còn kiêm luôn việc của một điều dưỡng viên-Ảnh: Thế Anh

TT - Đằng đẵng suốt mười năm qua, người đàn ông gầy gò ấy đã vượt qua bao cơn bĩ cực để dìu vợ đi khắp các bệnh viện của tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng với chỉ một ước mong: còn nước còn tát! Như một đôi bồ câu chung thủy, chẳng bao giờ anh rời chị nửa bước.

Vợ chồng anh nghèo, lại phải nằm viện dài ngày nên gia sản chẳng còn gì để bán. Cả Bệnh viện Duy Xuyên (Quảng Nam) ai cũng biết vậy. Nhưng anh chị nổi tiếng ở bệnh viện này không phải vì sự nghèo khó, cũng không phải vì “thâm niên” nằm viện mà vì tấm lòng thủy chung và son sắt của anh dành cho chị.

Mái đầu bạc và lòng thủy chung

Khác với những gì tôi tưởng tượng về hình ảnh một người chồng suốt mười năm lặn ngụp trong nghèo khó để nuôi vợ và đàn con. Trước mắt tôi là một người đàn ông cứng cỏi, áo quần tươm tất và nụ cười luôn hiện trên môi. Tên anh là Văn Công Hòa, ở thôn 5, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

Những y tá ở đây nói rằng chẳng bao giờ nghe anh than nghèo kể khổ trước mặt người vợ bệnh tật. Với anh, dù ở nhà hay ở bệnh viện thì anh vẫn luôn chứng tỏ là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa vững chắc của chị. Cô y tá ở bệnh viện kể: “Lúc nào trông anh cũng lịch lãm như một công chức. Áo “đóng thùng”, mái tóc chải thẳng, nhiều bệnh nhân mới vào thấy anh rành rẽ trong bệnh viện nên cứ nhầm anh là bác sĩ ở đây”.

Chờ đến khi vợ ngủ thiếp đi, anh mới nhẹ nhàng lôi tôi ra hành lang nói chuyện. Giọng anh trầm buồn: “Khổ thì khổ rồi, nghèo cũng đã nghèo rồi... Tôi không muốn vợ nhìn thấy tôi trong bộ dạng tiều tụy, như vậy chỉ làm cô ấy thêm đau lòng mà thôi. Tuy ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà nhưng cứ một hai hôm là tôi lại ra ngoài nhờ người ta ủi lại bộ đồ cho thẳng thớm. Chỉ để vợ tôi tin rằng tôi vẫn đàng hoàng dù vợ có nằm viện bao lâu. Tôi muốn trong mắt vợ mình, tôi vẫn là người đàn ông lịch sự như mấy mươi năm trước khi tôi ngỏ lời yêu đương với cô ấy...”.

Màn đêm buông xuống, lời tâm sự chân tình của anh làm người ta dễ nhầm tưởng đó là một câu chuyện cổ tích, không có thật ở đời. Đưa tay vuốt nhẹ mái tóc, anh kể tiếp: “Từ ngày vợ phải nằm viện, mái tóc tôi bạc đi trông thấy. Nhưng gần mười năm qua vợ tôi không hề biết điều đó. Túng thiếu, nhưng tôi vẫn cố dành dụm chút tiền để đi nhuộm lại mái tóc cho đen hơn. Những lúc cô ấy tỏ ra buông xuôi, muốn đầu hàng trước số phận, tôi lại chỉ lên mái tóc mình: Em đã hứa với anh là sống với nhau đến tóc bạc răng long, nhưng nay tóc anh chưa bạc sao em nỡ bỏ anh mà đi?”. Những lúc anh nói như thế chị lại mỉm cười. Nụ cười hạnh phúc!

Càng già, tình càng đậm

Từ ngày vợ anh - chị Nguyễn Thị Tình - bị bệnh liệt nửa người vì tai biến mạch máu não, mọi sinh hoạt cá nhân của chị đều một tay anh chăm lo. Thương ba, nhiều khi mấy đứa con vào viện để thay cho anh nghỉ ngơi vài ngày nhưng anh gạt phăng: “Con chăm cha sao bằng bà chăm ông?!”.

Sáng sớm khi chị tỉnh giấc, anh nhẹ nhàng chải từng lọn tóc rối tung cho chị. Rồi anh cẩn thận giội từng gáo nước ấm gội đầu cho chị bằng một thứ dầu có mùi mà chị rất thích. Anh bón cho chị từng muỗng cháo, từng hớp nước. Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, anh đều muốn tự tay chăm cho chị. Anh kể: “Mỗi lần tắm cho vợ là tôi không cầm được nước mắt. Cứ nhìn thân thể ngày càng hao gầy vì bệnh tật của vợ mà mắt tôi như người quáng gà. Có với nhau sáu mặt con, những những khó khăn sẽ dần lùi xa để hai vợ chồng được vui vầy khi tuổi già, nhưng ai ngờ...”.

Nguồn sống cho cả gia đình anh là 5 sào ruộng, nhưng từ ngày vợ bị bệnh thì công việc đồng áng anh phó mặc cho xóm giềng, con cái chăm nom. Mùa màng năm được, năm mất. Những gì cần bán để thuốc thang cho chị cũng đã bán hết. Anh tâm sự: “Con cái làm nông, lại thêm phần cháu chắt còn nhỏ nên cũng vất vả lắm. Biết vậy nên tôi cũng chẳng dám đòi hỏi gì. Để có thêm tiền cầm cự ở bệnh viện, những lúc vợ tỉnh táo, tôi lại trốn ra ngoài đi phụ hồ, làm thuê làm mướn kiếm thêm chút đỉnh”.

Bác sĩ Thảo ở Bệnh viện Duy Xuyên kể: “Mấy năm nay khi lũ lớn kéo về ngập cả bệnh viện, tôi vẫn luôn thấy anh lội nước túc trực bên vợ. Có khi lũ kéo dài gần cả tuần, thấy anh chỉ ăn mì gói cầm cự, có chút cháo bà con thương tình mang cho anh cũng nhường hết cho vợ. Anh em ở bệnh viện này cứ kháo nhau về câu chuyện của anh chị, họ gọi đó là tình đẹp!”.

Đêm về khuya, chị Tình đã thiếp đi bên bình oxy to lạnh ở đầu giường. Còn anh vẫn thức và đều tay quạt cho vợ ngủ. Lâu lâu anh lại nắm tay chị để lắng nghe từng nhịp mạch đập yếu ớt của người vợ. Tôi hiểu điều anh đang lo lắng! Anh sợ một ngày nào đó giữa đời này chỉ còn lại mình anh, sợ hình ảnh con bồ câu lẻ bạn giữa trời chiều mênh mông...

Nắm thật chặt tay anh trước lúc giã từ, tôi thầm cảm ơn anh về câu chuyện đời mà anh đã viết bằng cả mồ hôi, nước mắt và trái tim của một người chồng.

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên