Cửa hàng xăng tại Đắk Lắk tự đóng cửa vì hết xăng - Ảnh: Q.Đ.
Nhiều ý kiến cho rằng có doanh nghiệp (DN) không muốn bán hàng để giữ, chờ đợt tăng giá ngày 28-5.
Nghỉ bán vì không mua được xăng
Ông Bùi Văn Dũng - giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Quang Trung - cho biết hơn một tuần nay mức chiết khấu trên mỗi lít xăng bán ra giảm thê thảm, từ 1.000 - 1.200 đồng/lít đến nay đã xuống còn 200 đồng/lít, thậm chí có thời điểm về 0 đồng/lít.
Người dân bắt đầu tăng đi lại, nhu cầu xăng dầu tăng lên nhưng mức chiết khấu giảm khiến mỗi tháng doanh nghiệp này lỗ ít nhất 500 triệu đồng cho 3 cây xăng ở TP.HCM. Tuy vậy, vị giám đốc này cho biết đã lỗ nhưng muốn mua thêm hàng cũng không có khi thương nhân đầu mối cũng than khan hàng, cung cấp xăng dầu ra rất ít. Do vậy, ông Dũng thừa nhận phải tạm thời đóng cửa cây xăng buổi tối.
Ông Lê Văn Quý, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Quý Điều, cho biết không những lỗ nặng, các cây xăng của doanh nghiệp tại Đắk Lắk còn không mua được xăng dầu, nên ngày 22-5 doanh nghiệp đã tạm đóng cửa một cây xăng, sau đó đóng một cây xăng nữa và đến chiều 25-5 chỉ còn duy trì một cây xăng. Theo ông Quý, thực tế khó khăn này đã được ông gửi văn bản đến các cơ quan chức năng một tuần qua.
DN đầu mối chờ giá tăng mới bán
Tại miền Bắc, tình trạng không mua được xăng cũng diễn ra. Ông Nguyễn Văn Tiu - giám đốc Công ty cổ phần xăng dầu Tự Lực 1 - cho hay nhiều đầu mối xăng dầu từ chối bán hàng, ông chấp nhận mức chiết khấu thấp vẫn không mua được.
Ông Tiu cho hay do dự báo trước nên công ty đã mua trước và gửi ở một số kho đầu mối nên chưa phải ngưng bán. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài đến kỳ điều chỉnh giá ngày 28-5 có thể đối mặt với nguy cơ bị đứt hàng. "Nếu tình trạng thế này thì rối loạn thị trường bán lẻ, người tiêu dùng gặp khó khăn" - ông Tiu lo ngại.
Theo doanh nghiệp này, việc các đầu mối giảm nguồn hàng có thể do kỳ điều chỉnh ngày 13-5 "có sự trục trặc" dẫn tới mức điều chỉnh giá chưa như mong muốn của các doanh nghiệp này. doanh nghiệp đầu mối lỗ nhiều nên không bán, mà chờ kỳ điều hành ngày 28-5 theo xu hướng giá sẽ tăng mới bán để giảm lỗ.
Đại diện Petrolimex thừa nhận có tình trạng lặp lại như năm 2019 khi thiếu xăng RON95, nhiều thương nhân phân phối, đại lý khi không mua được xăng dầu quay sang tìm mua của Petrolimex. Tuy vậy, doanh nghiệp chỉ đảm bảo xăng dầu trong hệ thống cửa hàng, đại lý trực thuộc và những khách hàng truyền thống có hợp đồng, không thể bán cho các đại lý khác. Lý do, Petrolimex chỉ chiếm gần 50% thị phần nên không đủ sức cung ứng cho toàn bộ thị trường khi nhu cầu tăng.
Nhiều xe bồn đậu chờ nhận hàng trước cổng kho xăng dầu Nhà Bè chiều 25-5 - Ảnh: TỰ TRUNG
Đề nghị nhà máy lọc dầu tăng công suất
Theo một lãnh đạo Bộ Công thương, vừa qua nguồn cung nhập khẩu từ một số nước, đặc biệt là Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều hãng sản xuất xăng dầu giảm công suất. Hiện nhu cầu đã tăng trở lại trong khi nguồn cung chưa tăng tương ứng nên ảnh hưởng tới nguồn hàng chung. Với trong nước, tình hình sản xuất của các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn cũng phải giảm, giãn công suất nên khi nhu cầu tăng trở lại chưa kịp đáp ứng.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho hay sẽ chỉ đạo các sở công thương, địa bàn nào phản ánh thiếu hàng sẽ điều chuyển nguồn hàng từ các đầu mối khác ngay trong địa phương. Bộ Công thương cũng chỉ đạo thương nhân đầu mối xăng dầu cần chủ động tìm kiếm nguồn cung, đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày. Với hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn, Bộ Công thương đề nghị tăng công suất.
Một lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho hay đã nắm thông tin về tình trạng nguồn cung thiếu hụt ở một số địa phương như Đắk Lắk, Bắc Giang, Hải Dương... Chưa quy kết có hay không tình trạng găm hàng chờ giá tăng, nhưng vị này tiết lộ đã có văn bản đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, đảm bảo thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm quy định về cung ứng xăng dầu và xử lý nghiêm vi phạm nếu phát hiện.
Thừa chuyển sang thiếu chỉ trong "nháy mắt"
Ông Nguyễn Việt Thắng - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) - cho biết nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang tăng, các khách hàng của BSR đang đẩy mạnh việc tiếp nhận hàng. BSR cũng đã tối ưu và linh hoạt điều chỉnh công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất để đẩy mạnh xuất bán...
Tình hình thiếu nguồn cung nhiều nơi diễn biến trái ngược quá nhanh, bởi thời điểm tháng 4-2020 tồn kho tăng, BSR thậm chí còn phải tính đến việc tạm dừng vận hành nhà máy.
Nhiều cây xăng ở Đắk Lắk đóng cửa
Theo ghi nhận, nhiều cây xăng tại Đắk Lắk đã đóng cửa, không bán xăng dầu với lý do... hết xăng. Trong số này có các cây xăng của doanh nghiệp tư nhân Quý Điều, Công ty TNHH MTV dịch vụ sản xuất Thắng Thành (đóng 5 cửa hàng). Hiện một số cây xăng trên địa bàn Đắk Lắk cũng đang rục rịch thông báo "sẽ đóng cửa". Lý do hầu hết các cửa hàng đưa ra là do các doanh nhân phân phối không cung cấp xăng.
Ông Nguyễn Văn Nghiêm - phó giám đốc phụ trách Sở Công thương Đắk Lắk - cho biết đã tiếp nhận thông tin và kiểm tra nhưng một số đơn vị cung ứng khẳng định không thiếu nguồn. Ở đây có thể do chiết khấu thấp, lợi ích doanh nghiệp xăng dầu bị ảnh hưởng nên họ mới ngưng bán. Theo ông Nghiêm, sẽ kiểm tra xem doanh nghiệp "tự đóng cửa" vì lý do gì mới có thể xử lý.
TRUNG TÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận