Bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Trong đó, Hà Nội là địa phương có số ca nhiễm cao nhất, với 11.517 ca.
16 tỉnh, thành ghi nhận số ca nhiễm từ trên 2.000 - gần 6.000 ca như: Quảng Ninh (5.997), Lạng Sơn (4.960), Hưng Yên (3.225), Bắc Ninh (3.037), Nghệ An (2.941), Nam Định (2.764), Vĩnh Phúc (2.758), Phú Thọ (2.565), Sơn La (2.509), Tuyên Quang (2.350), Hòa Bình (2.298), Lào Cai (2.272), Hải Dương (2.226), Hải Phòng (2.114), Ninh Bình (2.031) và Đắk Lắk (2.012).
Trong ngày, cả nước có 94 ca tử vong vì COVID-19. Cùng với số ca nhiễm mới tăng mạnh, Hà Nội cũng là địa phương có số ca tử vong trong ngày cao nhất với 17 ca.
Ca tử vong trung bình hằng tuần của cả nước có chiều hướng tăng. Cụ thể, tuần gần nhất là 92 ca, tuần trước đó là 86 ca. Tính đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 của cả nước là 40.144 ca, chiếm tỉ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Ca COVID-19 ở Hà Nội vẫn tiếp tục tăng
Tại Hà Nội, trong buổi họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn ngày 27-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết hiện dịch COVID-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, đã có 2 ngày gần đây phát hiện trên 10.000 ca mắc COVID-19/ngày, 74 xã, phường (12,8%) đã chuyển sang cấp độ dịch 3.
Tuy nhiên, số bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng chiếm đa số với tỉ lệ 96%, trong đó, 95% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà.
Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cho biết thêm, tuy chưa có kết quả giải trình tự gene, nhưng trên thực tế có thể nhận định, hiện Hà Nội đã lưu hành chủng Omicron song hành với chủng Delta.
Theo các chuyên gia đánh giá, nửa tháng nữa, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. TP cũng đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.
Người dân được yêu cầu mang test nhanh có họ tên đến Trạm y tế xã Triều Khúc (Hà Nội) để xác nhận F0 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Cảnh báo tình trạng người mắc COVID-19 không khai báo
Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa có báo cáo về phòng chống COVID-19 trong một số lĩnh vực ủy ban phụ trách. Theo đó, một số vấn đề được quan tâm gồm:
Việc hỗ trợ của y tế địa phương đối với người mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà: Hiện nay, do số lượng người mắc COVID-19 quá nhiều dẫn đến hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi đang bị quá tải, các nhân viên y tế đang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, ở một số nơi, đặc biệt là ở tỉnh, thành phố đang có số ca mắc cao như thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh... người mắc COVID-19 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đầy đủ từ y tế địa phương trong việc tư vấn về đơn thuốc, đặc biệt là trong công tác khai báo, lập danh sách các ca mắc…
Không khai báo khi phát hiện mắc COVID-19 với y tế địa phương: Tại địa phương có số ca mắc cao, có tình trạng khi phát hiện mắc COVID-19 nhiều người đã không khai báo với y tế địa phương, dẫn đến khó khăn trong giám sát, quản lý số lượng người mắc, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi rác thải của những người mắc COVID-19 này không được xử lý đúng quy trình.
Theo phản ánh của người dân thì một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không được hỗ trợ gì nhiều trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.
Tình trạng găm hàng dẫn đến khan hiếm, tăng giá xét nghiệm nhanh COVID-19: Tại nhiều tỉnh thành giá bộ xét nghiệm nhanh đã tăng liên tục, trong khi hiện nay hơn 95% ca nhiễm COVID-19 được điều trị tại nhà và người bệnh phải tự lo mọi khoản chi phí điều trị, trong đó có chi phí xét nghiệm, đây là gánh nặng lớn đối với người dân.
Ủy ban đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc khai báo sớm khi mắc COVID-19 với y tế địa phương theo đúng quy định và không tự ý dùng thuốc khi không có hướng dẫn của cơ quan y tế.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như thuốc điều trị, test xét nghiệm, máy đo nồng độ oxy máu… nhằm góp phần chấm dứt tình trạng "loạn" giá các mặt hàng này và bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin tại nhà cho những người không thể đi lại - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thủ tướng yêu cầu sớm nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi đặc thù cho nhân viên y tế
Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 tổ chức tối qua 27-2 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế.
Bao gồm nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập, nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; khuyến khích cán bộ có trình độ chuyên môn làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn;
Xử lý các bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, quản lý, quản trị các cơ sở y tế, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị cho người dân.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho chương trình phòng, chống dịch COVID-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu chống dịch.
Không để khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế, tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà.
Tiêm vắc xin cho học sinh ở Thanh Hóa - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Ngày 27-2, số ca F0 ở Hà Nội tăng vọt lên 11.517 ca, trong đó có 3.887 ca tại cộng đồng; 7.630 ca đã cách ly. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh có 743 ca; Sóc Sơn có 734 ca; Hoàng Mai có 664 ca; Hoài Đức có 660 ca; Nam Từ Liêm có 618 ca; Long Biên có 618 ca; Bắc Từ Liêm có 601 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 đến nay là 262.274 ca.
Hiện có 1.376 F0 điều trị tại các cơ sở thu dung. Có 6.030 ca (tăng 274 ca) diễn biến cấp độ trung bình, nặng, nguy kịch phải nhập viện điều trị.
- Trong hai ngày cuối tuần, số ca COVID-19 ở Hà Nam tăng cao kỷ lục với 1.523 bệnh nhân. Ngày 27-2 ghi nhận 818 ca COVID-19, tăng 113 ca so với ngày 26-2 (705 ca F0). Hiện tổng số ca bệnh cộng dồn toàn tỉnh là 13.484 ca COVID-19. Trong ngày 27-2, Hà Nam cũng ghi nhận thêm 2 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong.
Đến nay, cả 19 bệnh nhân tử vong tại Hà Nam đến thời điểm này đều là người cao tuổi (từ 68 đến 95 tuổi), có nhiều bệnh nền và đa số chưa tiêm phòng COVID-19 do sức khỏe không bảo đảm. Toàn tỉnh có 18 xã, phường, thị trấn cấp độ 3 (nguy cơ cao); 51 xã, phường, thị trấn cấp độ 2 (nguy cơ trung bình); 40 xã, phường, thị trấn cấp độ 1 (nguy cơ thấp).
- Số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn tỉnh Sơn La trong những ngày qua tăng kỷ lục, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng ở mức rất cao. Ngày 27-2 ghi nhận thêm 2.509 ca COVID-19. Hai ngày trước đó, địa phương này cũng ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục với 4.137 bệnh nhân.
Theo đánh giá của CDC Sơn La, đa số các ca mắc đều được phát hiện tại cộng đồng và đã tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm cao. Từ ngày 1-1-2022 đến 27-2-2022, Sơn La phát hiện 23.019 ca COVID-19; trong đó có 8.265 ca khỏi bệnh, 6 ca tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận