Máy bay “Hai lúa” xuất ngoại Hai nhà phát minh... chân đất“Hai lúa” chế máy bay lên chức phó tổng giám đốc
Ông Trần Quốc Hải (trái) và chủ tịch HĐQT Công ty A74 trao đổi cải tiến máy móc - Ảnh: N.Hậu |
“Hai Lúa” Trần Quốc Hải - người nông dân ở Tây Ninh từng nổi tiếng hơn mười năm trước về việc xin phép bay thử trên chiếc máy bay trực thăng tự chế nhưng bị từ chối - đã được bổ nhiệm làm tổng công trình sư, phó tổng giám đốc một công ty lớn chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp. Với cương vị đó, ông Hải có quyền chỉ huy đối với hàng mấy chục kỹ sư và công nhân lành nghề.
Điều này có thể được coi là bình thường ở Mỹ, Pháp, nói chung ở những xứ sở gọi là tư bản, nơi mà năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo, điều hành của một người được đánh giá dựa vào sự thể hiện trên thực tế, chứ không phải dựa vào bằng cấp, học vị. Còn ở VN, điều đó gây sự chú ý đặc biệt.
Đơn giản, trong một xã hội vốn coi trọng khoa bảng, người ta chỉ quen thấy một người đứng đầu cơ quan sở hữu bằng cấp nhiều hơn, cao hơn so với nhân viên thuộc quyền. Ngược lại là bất bình thường. Định kiến xã hội ngặt nghèo khiến người được trao quyền lãnh đạo chỉ thật sự cảm thấy tự tin trong giao tiếp với thuộc cấp và với xã hội một khi nắm giữ trong tay những tờ giấy chính thức xác nhận trình độ học vấn, trình độ chuyên môn khả quan. Người thừa hành, về phần mình, cũng tự nhiên có xu hướng chỉ tôn trọng, nể nang đối với cấp trên được cho là học hành đàng hoàng, tử tế, từ bằng đến hơn mình.
Sự coi trọng phát triển đến mức cực đoan thành sự sùng bái đối với bằng cấp, học vị đã dẫn đến cơn sốt đi học để tìm kiếm văn bằng, nhất là trong khu vực công, kéo dài từ nhiều năm qua.
Về mặt lý thuyết, đi học là tốt. Học để có thêm kiến thức, từ đó có điều kiện xây dựng tầm nhìn rộng, bao quát, có khả năng phân tích sâu sắc, khả năng giải quyết vấn đề thấu đáo, nói chung là có điều kiện hoàn thiện năng lực chuyên môn.
Nhưng đó phải là học thật. Trong trường hợp điển hình, đó là việc dùi mài nghiêm túc với sách vở, giảng đường. Cũng có nhiều người tự học bằng cách tự mua sách về đọc, tự tìm kiếm thông tin, kiến thức qua Internet và các nguồn thông tin khác. Nông dân Trần Quốc Hải được cho là đã chế tạo máy bay trực thăng từ những kiến thức có được bằng cách tự học như thế.
Trên thực tế, không ít người đang làm việc đi học trước hết vì mục tiêu có bằng cấp chứ không phải có kiến thức. Và trong điều kiện kiến thức không đủ để lấy được bằng cấp qua con đường chính thức, người ta tìm cách mua bằng. Hậu quả như thế nào thì mọi người đều thấy. Trong các khu vực nghề nghiệp, ngày càng nhiều người có bằng cấp rất cao nhưng trình độ khoa học công nghệ của đất nước thì chẳng thấy được cải thiện, sản phẩm làm ra vẫn nghèo hàm lượng chất xám và có tính cạnh tranh kém. Trong khi đó, môi trường giáo dục bị xuống cấp, suy đồi không phanh vì nạn mua bằng bán điểm hoành hành.
Thói coi trọng văn bằng hơn năng lực thực tại cũng khiến người ta đánh mất cơ hội chắt lọc, phát hiện tài năng trong đám đông những người vì lý do này, lý do khác không thể học hành đến nơi đến chốn. Không ít nhà sáng chế tiềm năng đã không bao giờ có điều kiện phát huy tài năng của mình để làm giàu cho bản thân và góp phần làm giàu cho xã hội chỉ vì sự cứng nhắc của cơ chế thẩm định, đánh giá dựa vào bằng cấp khi tuyển dụng, bổ nhiệm.
Việc nông dân Trần Quốc Hải được tạo điều kiện để tự khẳng định là một tín hiệu đáng mừng về sự xuất hiện của cách nhìn nhận mới về tài năng. Cần khuyến khích nhân rộng cách làm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận