![]() |
Giáo sư Ngô Đức Thọ |
Đó là hành trình của giáo sư Ngô Đức Thọ đi tìm niên đại cho pho sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa
Bảy bản sách
Theo thống kê của tiến sĩ Trần Xuân Ngọc Lan, hiện nay trên thế giới còn bảy bản sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa cả bản in và bản chép tay. Ở VN có một quyển hiện đang giữ tại thư viện của Viện nghiên cứu Hán Nôm, một quyển của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, một quyển của giáo sư Ngô Đức Thọ, một quyển của ông Phùng Uông và ông Đoàn Khoách có một bản chụp từ bản hiện đang lưu giữ tại thư viện Hội châu Á.
Niên đại của Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa được đặt ra từ năm 1985, khi tập sách "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" do Trần Xuân Ngọc Lan biên sọan và chú giải ra đời. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu làm luận án tiến sĩ của cô Lan. Trong công trình này, tiến sĩ Ngọc Lan căn cứ trên bản sách của Phùng Uông và Đoàn Khoách nên kết luận sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa ra đời vào năm 1761.
Sở dĩ có cách định niên đại này vì cả hai bản sách của ông Uông và ông Khoách nói trên, trang bìa có ghi dòng chữ "Hòang triều Cảnh Hưng nhị thập niên tuế thứ tân tỵ mạnh xuân cốc nhật". Theo niên đại "cảnh Hưng năm thứ hai mươi" ghi trên đó, Ngọc Lan kết luận sách Chỉ nam ngọc âm được in vào năm 1761.
Giới thiệu sách Chỉ nam ngọc âm
Toàn tập Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa gồm 3627 câu lục bát, viết bằng song ngữ Hán - Nôm (mục từ là chữ Hán, dịch nghĩa bằng chữ Nôm). Sách trình bày nội dung theo quan niệm thiên - địa - nhân, bao gồm hơn 30 phần: phong vũ, tinh tú, nhân luân, thân thể, tạng phủ, thực bộ, chức nhậm, ẩm (đồ uống), mộc tượng, bỉnh (các loại bánh), kim ngọc, hôn nhân, tang lễ, nhạc khí, binh khí... "Đây là bộ sách lớn của dân tộc ta", giáo sư Ngô Đức Thọ nhận định. Đặc biệt, theo giáo sư Thọ cho biết thì trong sách còn rất nhiều từ cổ rất khó hiểu, quan trọng hơn là sự đa dạng của các mục từ và các lĩnh vực trong đời sống ngày xưa, đối với những người nghiên cứu thời nay, loại kiến thức đó là cực kỳ quý giá. |
Điều này khiến cho giới nghiên cứu đặt vấn đề rằng: có thể bản sách mà Trần Xuân Ngọc Lan khảo cứu khi làm luận án có niên đại khác, tức in sau những quyển sách còn lại.
Điều này có căn cứ, vì theo giáo sư Thọ thì trong sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có nhiều từ rất cổ, chứng tỏ sách phải được soạn ra từ rất lâu trước thế kỷ 18. Và cô Trần Xuân Ngọc Lan cũng cẩn thận dẫn ra một số mốc Tân Tỵ trước năm 1761 mà cô nghi ngờ có thể là năm ra đời của pho từ điển này, như: 1701(Chính Hòa năm thứ 22), 1641 (Dương Hòa năm thứ 7), 1581 (Quang Hưng năm thứ 4), 1521 (Lê Chiêu Tông, Quang Thiệu năm thứ 6), 1461 (Lê Thánh Tông, Quang Thuận năm thứ 2). Đến 1461, Trần Xuân Ngọc Lan dừng lại và cho rằng "nhiều chứng cứ không cho phép tác phẩm được biên sọan xong vào những năm Tân Tỵ sớm hơn".
Và ba bước tìm
Nhưng giáo sư Ngô Đức Thọ cho rằng có một chỗ khúc mắc trong tập từ điển này mà cô Lan chưa giải quyết được. Công việc của ông Thọ bắt đầu từ đó. Chỗ gút mắc ấy, là một câu ở tờ 33a sách của giáo sư Ngô Đức Thọ (cũng giống với bản sách của thư viện Viện Hán Nôm) được Trần Xuân Ngọc Lan đọc là "Sào ty ươm dã tơ vàng tốt sao". Trong câu ấy có chữ "sào". Trong chữ "sào" có một ký hiệu lạ, là phần trên của chữ Hán này có bốn "dấu nháy", nhìn sơ qua thấy giống bộ xuyên trong chữ Hán. Chính vì nhầm với bộ "xuyên", nên Trần Xuân Ngọc Lan đã phiên âm chữ đó là "sào". Tuy nhiên, giáo sư Thọ cho rằng chữ đó hoàn toàn không phải chữ "sào".
![]() |
Chữ "hỏa" (trên cùng) trong câu này được đọc nhầm thành chữ "sào" |
"Tiếp theo, tôi nhận ra ngay đây là một chữ Hán đã được viết theo lối kiêng húy", giáo sư Ngô Đức Thọ kể. Vốn là một nhà nghiên cứu thâm niên về chữ húy các triều đại VN, được giới nghiên cứu quốc tế đánh giá cao, giáo sư Thọ nhận định: kiểu viết có bốn dấu nháy tại phần trên của một chữ Hán chứng tỏ chữ đó được viết theo lối kiêng húy. Đây là một điểm rất bình thường đối với những người nghiên cứu chữ húy". Nhưng vấn đề đây là chữ húy gì? Giáo sư Thọ tra từ điển Khang Hy và sách Ngọc Âm, đọc thấy đây là chữ "hỏa". Vậy là có kết luận thứ hai: đây là chữ "hỏa" đã được viết kiêng húy.
"Nhưng để biết được chữ hỏa ấy ấy kiêng húy đời vua nào thì thật là bế tắc. tôi đã làm rất nhiều công trình về chữ húy các triều đại VN, trường hợp này bỏ qua chữ húy nhà Nguyễn, nhưng điểm lại chữ húy từ thời nhà Mạc, Lê Trung Hưng trở về trước đều không thấy chữ "hỏa" nào.
Thế rồi một hôm ngồi lẩm nhẩm tính các triều đại VN, bất ngờ tôi nhận ra: mình chưa hề động đến chữ húy đời nhà Hồ", giáo sư Thọ kế về việc từ quá trình tìm chữ húy "hỏa", ông lại phải bắt tay lập một phả hệ nhà Hồ trong điều kiện tư liệu hết sức hiếm hoi.
"Cuối cùng tôi vẫn lập được một phả hệ nhà Hồ sau nhiều đêm thức đến mờ mắt, chỉ có điều sau khi lập xong, nhìn khắp bảng phả hệ đều... không thấy một chữ hỏa nào! Nhưng sự tình cờ khi một hôm lần giở lại bộ Đại Việt sử ký toàn thư, đọc lại kỷ Thiếu Đế thì giật mình nhìn thấy trên tờ 33a ghi rõ ràng câu "Hán Thương tên cũ là "Hỏa".
Trong ĐVSKTT, chữ "hỏa" tên của Hồ Hán Thương vẫn được viết theo một lối kiêng húy: nét cuối nhấc cao lên khác thường. Như vậy là có kết luận thứ ba: chữa hỏa ấy viết kỵ húy vì là tên của Hồ Hán Thương - con trai Hồ Quý Ly. Hồ Hán Thương lên ngôi đúng năm Tân Tỵ - 1401. Đây chính là năm khắc in bản sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa mà bấy lâu nay ta định niên đại nhầm", giáo sư Thọ kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận