22/12/2016 09:02 GMT+7

Tìm sự bình yên không tiếng súng

 LƯU NHI DŨ
LƯU NHI DŨ

TTO - Những ngày cuối năm, anh em cựu chiến binh sư đoàn 309 đã đưa 38 hài cốt đồng đội hi sinh trên chiến trường Campuchia về quê.

Bà Huỳnh Thị Hường, vợ liệt sĩ Lê Ngọc Hiệp, quê ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, bên hài cốt chồng. Anh Hiệp cưới chị Hường được 4 tháng thì nhập ngũ, hi sinh năm 1983, để lại cho chị một bào thai 2 tháng tuổi - Ảnh: Lê Thanh

Tại lễ cầu siêu ở chùa Huê Nghiêm (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nhìn đồng đội nằm lớp lớp, thẳng hàng mắt ai cũng rưng rưng.

1979-1989, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam kéo dài 10 năm (thật ra còn dài hơn thế). Đội quân tình nguyện Việt Nam ngày đó được người dân Campuchia gọi là “đội quân nhà Phật”, giúp họ thoát khỏi nạn diệt chủng bởi bọn Pol Pot - Ieng Sary.

Đã 27 năm cuộc chiến chấm dứt, những người lính bộ đội tình nguyện vẫn mang trong lòng những vết thương, bệnh tật và những ký ức về chiến tranh.

Máu và nước mắt

Nhiều đồng đội tôi đã hi sinh từ những năm 1975, 1976 khi những tên lính áo đen Pol Pot đánh phá dọc tuyến biên giới Tây Nam.

Nếu tính từ đó đến năm 1989, “cuộc chiến tranh bắt buộc” với tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary kéo dài 15 năm. Biết bao nhiêu xương máu của bộ đội Việt Nam đã đổ trên đất bạn.

Đó là cái giá phải trả để chúng ta bảo vệ được Tổ quốc. Chính bộ đội Việt Nam đã vạch mặt cho thế giới biết chế độ khát máu, diệt chủng của bọn Pol Pot - Ieng Sari mà khi ấy cả Liên Hiệp Quốc và những nước lớn khác vẫn mặc nhiên công nhận và hà hơi tiếp sức. Và đó cũng là cái giá phải trả để cứu một dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng...

Tại lễ cầu siêu cho anh em, nhiều đồng đội rơi nước mắt. Những giọt nước mắt tưởng đã cạn khô sau mấy mươi năm dằng dặc trôi qua nhưng vẫn lại rơi.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng - nguyên sư đoàn trưởng sư đoàn 309, một người cầm quân từng trải trên nhiều chiến trường - nghẹn ngào khi nói về những cái chết quá trẻ của lính mình, những người lính khi ấy mới mười tám, đôi mươi.

Đến giờ di cốt anh em ra xe để đưa về quê mẹ, tôi để ý một cô gái ôm chiếc quách của liệt sĩ Lê Tấn Thủy khóc nức nở.

Đó là cô Lê Thị Sáu, em gái của liệt sĩ Thủy từ huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam vào TP.HCM đưa hài cốt anh trai mình về quê sau bao nhiêu năm xa cách.

Tiếng nấc nghẹn của người em gái bộ đội ấy làm những cựu chiến binh dày dạn trận mạc không thể chịu nổi, phải cố quay mặt đi.

Đau lòng hơn, thực tế trong quách của Thủy gần như không có xương cốt, vì bạn ấy bị hi sinh mất thi thể nhưng vẫn có “mộ tưởng niệm”.

Nhưng Lê Tấn Thủy vẫn còn chút an ủi khi linh hồn bạn còn được đưa về quê. Còn nhiều đồng đội khác vĩnh viễn nằm lại với chiến trường.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Khu, nguyên phó trung đoàn trưởng trung đoàn 812 sư đoàn 309, cũng có mặt trong cuộc hội ngộ này, kể lại cuộc trinh sát của trung đoàn đã để lại vĩnh viễn ở đó một chủ nhiệm trinh sát Nguyễn Văn Mai và một tiểu đoàn phó tiểu đoàn 1 Nguyễn Thanh Nhàn.

Mai, một sĩ quan trinh sát trẻ rất giỏi, đang được đơn vị xây dựng để trở thành anh hùng quân đội, có lẽ chẳng còn gì khi anh bị nguyên một quả mìn và ít nhất 10 viên đạn AK găm vào lưng khi anh Khu cõng Mai cố gắng bò khỏi điểm phục kích nhưng bất thành. Thi thể Mai rơi vào tay địch.

Còn tiểu đoàn phó Nhàn lãnh trọn quả mìn DH 10 thổi tung, chỉ còn chiếc áo treo trên cành cây rừng biên giới.

Mai, Nhàn và còn nữa, các anh nằm lại trên đất nước Campuchia bi tráng như vậy, không có số mộ, số hàng ở bất cứ nghĩa trang liệt sĩ nào.

Theo số liệu của ban chỉ đạo đề án 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hi sinh trên chiến trường Campuchia thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 7, tính từ năm 2001-2015, các đội chuyên tìm kiếm đã đưa về nước hơn 7.740 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó chỉ có gần 500 hài cốt có tên.

Tìm sự thanh lọc...

Hình như trong tất cả cuộc chiến tranh đều có hai cuộc chiến đấu khác nhau. Một cuộc chiến trên chiến trường và một cuộc chiến trong ký ức.

Những đồng đội của chúng tôi hi sinh trên chiến trường Campuchia chắc chắn không ít, để chiến đấu giải cứu một dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng và bảo vệ Tổ quốc mình.

Chiến trường không còn tiếng súng, chiến tranh lùi rất xa. Nhưng đêm đêm, giấc ngủ của chúng tôi vẫn đầy tiếng súng, đầy máu, thấy hành quân, thấy trong vòng vây địch, thấy những cái chết...

Giờ đây, chúng tôi trở lại chiến trường xưa, những địa danh khốc liệt một thời trên chiến trường như Poipet, Pailin, Preah Vihear, Tà Xanh, Xăm Lốt... Tìm trở lại để tìm kiếm sự bình an.

Nhiều đồng đội đơn vị tôi đã trở lại Pailin, nhìn những ngọn cỏ lau trắng phau trên Đồi Chuối, trên Đồi Tre, thấy bóng dáng đồng đội, thấy máu lẫn nước mắt, rồi trở về thấy tâm hồn bình yên hơn.

Rồi những cuộc gặp mặt đồng đội, những bước chân lặng lẽ trong buổi chiều muộn ở các nghĩa trang liệt sĩ cũng giúp chúng tôi giải tỏa tâm hồn.

Những lần đưa hài cốt anh em về quê mẹ, những giọt nước mắt của thân nhân liệt sĩ, những giọt nước mắt của những cựu chiến binh tóc đã bạc màu đều có sức thanh lọc đến kỳ lạ.

Lịch sử dân tộc ta đã ghi nhận “cuộc chiến tranh bắt buộc” này như là một trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Lịch sử dân tộc Campuchia và thế giới đều ghi nhận và luôn ghi nhận rằng nhờ cuộc chiến này mà một dân tộc thông minh, hiền hậu như dân tộc Khmer được cứu rỗi. Và như vậy, nỗi đau của những người lính được thanh lọc, được yên bình.

Chính bộ đội Việt Nam đã vạch mặt cho thế giới biết chế độ khát máu, diệt chủng của bọn Pol Pot - Ieng Sary mà khi ấy cả Liên Hiệp Quốc và những nước lớn khác vẫn mặc nhiên công nhận và hà hơi tiếp sức.

LƯU NHI DŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên