02/10/2012 02:55 GMT+7

Tìm lao động trẻ có năng lực

TRẦN HƯNG - NGỌC TRƯỜNG
TRẦN HƯNG - NGỌC TRƯỜNG

TT - Sàn giao dịch việc làm TP.HCM lần 15-2012 do Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) tổ chức sáng 1-10 tại Q.Bình Thạnh, thu hút hơn 1.000 người lao động tham gia.

Gần 3.000 việc làm được 65 doanh nghiệp đăng tuyển tại sàn giao dịch lần này, tập trung vào các ngành nghề lao động phổ thông, nhân viên khảo sát thị trường, kinh doanh, tư vấn tài chính, kế toán, thu thập dữ liệu, bảo vệ, bảo trì máy, điện tử - điện lạnh...

Các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng trực tiếp tại sàn cho biết đang cần nhiều lao động nhưng ít người ứng tuyển. Trong khi đó, lượng ứng viên tìm việc ở nhóm ngành có bằng cấp nhiều lại không đáp ứng được những đòi hỏi thực tế của nhà tuyển dụng.

Bạn Nguyễn Thị Kim Oanh (quê Đắk Lắk) vừa tốt nghiệp khoa kế toán (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết phần lớn doanh nghiệp yêu cầu phải có kinh nghiệm làm việc ít nhất sáu tháng ở vị trí ứng tuyển, sinh viên mới ra trường khó đáp ứng. Còn anh Phạm Tiến Dũng (quê Thái Bình), tốt nghiệp khoa điện tử (Trung cấp nghề Bà Rịa - Vũng Tàu), có gần hai năm kinh nghiệm trong vị trí bảo trì máy, cho biết: “Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương khá hấp dẫn (5-7 triệu đồng/tháng) nhưng yêu cầu bằng cấp, năng lực, kinh nghiệm cao nên mình không xin vào được”.

Chị Lê Thị Cẩm Nguyên, chuyên viên tuyển dụng nhân sự của Công ty CP Siêu Thanh (Q.7, TP.HCM), cho biết: “Một vài ngành như bảo trì máy, điện lạnh... chúng tôi có đòi hỏi kinh nghiệm, bằng cấp nhưng không quá cứng nhắc, quan trọng là năng lực của người ứng tuyển đến đâu. Đối với sinh viên vừa ra trường, kinh nghiệm làm việc nhóm, đồ án, làm thêm... trong quá trình học tập nên ghi rõ vào CV xin việc, đó sẽ là lợi thế khi các bạn gặp nhà tuyển dụng phỏng vấn”.

Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, thị trường lao động thành phố tiếp tục mất cân đối giữa nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu việc làm. Cụ thể lao động trình độ sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật, trung cấp, cao đẳng thiếu so với nhu cầu tuyển dụng ở hầu hết các ngành nghề (trừ kế toán, hành chính - văn phòng). Trong khi đó nhu cầu tìm việc của lao động trình độ đại học nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng ở các ngành nghề: kế toán, xây dựng, tài chính - ngân hàng, quản lý…

Theo dự báo, thị trường lao động thành phố quý 4 cần 65.000 chỗ làm việc. Trong đó lao động phổ thông chiếm 40%, trình độ trên đại học - đại học - cao đẳng chiếm 25%, trình độ sơ cấp - trung cấp nghề chiếm 35%. Các nhóm ngành nghề thu hút nhân lực trong thời gian tới sẽ là: marketing - kinh doanh - bán hàng (25,82%), du lịch - nhà hàng - khách sạn - dịch vụ - phục vụ (25,38%), quản lý - hành chính - giáo dục - đào tạo (9,98%), công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông (7,82%).

TRẦN HƯNG - NGỌC TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên