Phóng to |
Nhắn tin góp đá xây Trường Sa - một trong những nội dung của chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Tuổi Trẻ thực hiện được trao Giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2012 - Ảnh: Q.LINH |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bí thư Thành đoàn Nguyễn Văn Hiếu khẳng định:
- Đây là giải thưởng rất quan trọng để Thành đoàn vinh danh những tập thể, cá nhân - cả những người ngoài tổ chức Đoàn - Hội - Đội - đã có những sáng kiến, giải pháp hay, mới, hiệu quả và áp dụng thành công, có giá trị nhân rộng trong thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi TP.
Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Ảnh: Q.LINH |
- Mười năm qua đã có 59 tập thể, 44 cá nhân (31 bí thư chi đoàn với 93 mô hình, giải pháp) được trao Giải thưởng Hồ Hảo Hớn. Đặc biệt, có một cá nhân là anh Phạm Xuân Quốc hiến kế tổ chức hoạt động tình nguyện mà sau này là chiến dịch Kỳ nghỉ hồng của thanh niên công nhân TP được trao giải thưởng dù anh không phải là cán bộ Đoàn.
Một số mô hình được trao giải thưởng đã tác động lớn đến công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi TP, được nhân rộng cả nước. Chẳng hạn chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè của Đoàn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã được nâng lên thành chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh hằng năm và được nhân rộng thành phong trào thanh niên tình nguyện cả nước. Hay như chương trình “Ước mơ của Thúy”, “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”, “Góp đá xây Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ đã tác động và nhận được sự hưởng ứng lớn của xã hội...
Có thể nói hầu hết các mô hình, giải pháp đã được vinh danh đều rất hiệu quả, mỗi nội dung đều có những giá trị thực tiễn, được áp dụng thành công, được kiểm nghiệm qua thực tiễn phong trào và có thể áp dụng trong phạm vi quy mô phong trào nhỏ hay lớn đều được. Dựa vào đó, chúng tôi đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phong trào ngày càng thực chất và có sức hút tự thân đối với các bạn trẻ.
* Nhưng một số mô hình, điển hình được ghi nhận và trao giải thưởng dường như có lúc chưa để lại dấu ấn và thật sự lan tỏa. Ông nhận xét gì về ý kiến này?
- Đúng là cũng có mô hình, giải pháp sau một thời gian tổ chức thực hiện hiệu quả thì hiện nay không được duy trì tốt. Có những cấp bộ Đoàn - Hội - Đội chưa quan tâm nghiên cứu để đổi mới, nâng chất mô hình, giải pháp đó, vẫn làm theo cách thức cũ nên đương nhiên hiệu quả sẽ không cao.
Mặt khác, có nhiều mô hình, giải pháp hay, vẫn còn giá trị nhưng lại chưa được các cơ sở Đoàn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để áp dụng tại địa phương, đơn vị mình trong khi cứ loay hoay tìm kiếm phong trào, mô hình mới nên hoạt động ở một số nơi cũng thật sự chưa tốt.
Nhưng xét tổng thể, các mô hình, giải pháp được trao giải thưởng đều có giá trị tích cực và có đóng góp quan trọng đối với tổ chức Đoàn - Hội - Đội. Chúng tôi đánh giá rất cao những mô hình, giải pháp hay của cơ sở vì nhiều cách làm có thể quy mô tổ chức ban đầu nhỏ nhưng đáng để cho Đoàn cấp trên phải chọn lọc, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Ví dụ mô hình “Học từ thiên nhiên” của anh Phạm Ngọc Trường - tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Tất Tố (Q.Phú Nhuận) - đã góp phần nâng cao kiến thức thực tế, giúp học sinh yêu thích thế giới tự nhiên nên Hội đồng Đội TP triển khai các trường cùng làm. Hay từ phong trào 3 giúp (giúp vốn, giúp nghề, giúp kinh nghiệm) của nguyên bí thư Huyện đoàn Củ Chi Trần Trường Sơn đến nay các cơ sở Đoàn tiếp tục thực hiện.
* Thành đoàn TP.HCM sẽ làm gì để giải thưởng này có sức hút rộng lớn hơn trong thời gian tới, thưa ông?
- Tôi cho rằng có ba nhóm giải pháp để tăng sức hút cho giải thưởng.
Thứ nhất, mỗi cấp bộ Đoàn - Hội - Đội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ phải năng động tìm tòi, thử nghiệm để tìm càng nhiều mô hình, giải pháp mới và nâng chất mô hình, cách làm cũ lên một tầm mới.
Thứ hai, các cơ sở phải thường xuyên nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ cơ sở bạn và ứng dụng phù hợp vào đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị mình, có vậy giải thưởng mới có cơ hội nhân rộng và phát triển.
Thứ ba, Thành đoàn làm tốt hơn việc tuyên truyền để xã hội biết nhiều hơn về giải thưởng, tổ chức cho các tập thể, cá nhân nhận giải trao đổi kinh nghiệm thực hiện với cơ sở, cũng như tôn vinh xứng đáng những tập thể, cá nhân được nhận giải thưởng.
Giải thưởng Hồ Hảo Hớn Giải thưởng Hồ Hảo Hớn do Thành đoàn TP.HCM lập ra vào năm 2002, nhằm trao tặng các tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến mới áp dụng thành công vào thực tiễn hay có đề tài nghiên cứu về công tác thanh niên đóng góp cho công tác Đoàn. Giải được xét trao hằng năm vào dịp kỷ niệm 26-3. Liệt sĩ Hồ Hảo Hớn (bí danh Hai Nghị, Ba Lực, Nguyễn Văn Chiêu) sinh năm 1925 tại Mỏ Cày (Bến Tre), hi sinh cuối năm 1967. Ông là ủy viên Khu ủy Sài Gòn - Gia Định kiêm bí thư Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định. Sau này khi Khu đoàn được đổi tên thành Thành đoàn, ông được xem là bí thư đầu tiên của Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định. Ông vừa được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào cuối năm 2011. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận