20/10/2003 09:19 GMT+7

Tiger Force và những cuộc thảm sát tại Quảng Ngãi

Cam Ly (trích dịch)
Cam Ly (trích dịch)

TT - Từ tháng 5 đến tháng 11-1967, hàng trăm thường dân vô tội của VN đã bị thảm sát tại Quảng Ngãi và Quảng Nam bởi lực lượng đặc nhiệm Mỹ Tiger Force. Kết quả cuộc điều tra 20 tội ác chiến tranh của Tiger Force đã từng được chuyển đến tay các thành viên Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, nhưng vì một lý do nào đó đã bị chôn vùi từ năm 1975.

Kỳ I: Tiger Force - 7 tháng thảm sát

8k84eNDe.jpgPhóng to
Một số thành viên trong trung đội Tiger Force - ảnh chụp năm 1976

Hôm qua, hãng tin AP và các nhật báo trên toàn nước Mỹ công bố hồ sơ vụ án Tiger Force dựa trên cuộc điều tra của nhật báo Post-Gazette.

Theo hồ sơ được giải mật sau 30 năm của quân đội Mỹ, lực lượng đặc nhiệm Tiger Force là một trung đội gồm 45 lính dù tinh nhuệ thuộc sư đoàn không vận 101, thành lập từ năm 1965. Từ tháng 2-1967, Tiger Force gia nhập lực lượng đặc nhiệm Oregon theo lệnh của tướng William Westmoreland, trở thành một phần của tiểu đoàn 1/327 bộ binh, có mặt tại Quảng Ngãi từ ngày 3-5-1967 với mục tiêu do thám và ngăn chặn bước chân của quân đội cách mạng VN từ miền Bắc.

Sát hại tù binh ở sông Vệ

Hồ sơ giải mật cho biết mục tiêu của Tiger Force khi đến sông Vệ là buộc 5.000 dân làng vùng thung lũng này về trại tập trung để ngăn chặn việc trồng lúa và cung cấp lương thực cho quân cách mạng VN. Theo nhóm điều tra The Blade của Post-Gazette, không có thông tin chính xác nào được công bố về lý do của hàng loạt vụ thảm sát thường dân và tù binh người Việt tại đây. Hồ sơ chỉ cho thấy một tuần sau khi đóng trại tại sông Vệ, các cuộc truy lùng và bắn giết bắt đầu.

Trong vụ sát hại đầu tiên, những cựu binh được phỏng vấn kể lại: ngày 8-5, lính Mỹ phát hiện được hai người tình nghi là “Việt cộng” dọc sông Trà Câu và bắt giữ một người. Trong hai ngày tiếp theo đó, người này bị đánh đập và hành hạ dã man. Có lúc những kẻ thẩm vấn bàn đến việc cột chất nổ vào người tù binh và cho nổ. Một cựu binh tên William Carpenter nói đã cố gắng giữ cho người tù binh này sống sót nhưng vô phương. Người tù binh này được ra lệnh chạy khỏi khu trại và bị nhiều tay súng bắn từ phía sau.

Những vụ bạo hành, cắt cổ, chặt đầu và đánh đập cho đến chết với những tù binh bị bắt trong các trận càn từ đó đã trở thành “luật bất thành văn”, theo lời cựu trung sĩ Forrest Miller. Trong tháng 6-1967, một nhà sư bị bắn chết vì đến trại than phiền về cách cư xử của binh lính với dân làng. Những kẻ giết người đặt một quả đạn pháo lên người nhà sư này để tạo chứng cứ giả rằng đây là một “lính Việt cộng”. Trong cuộc điều tra của quân đội Hoa Kỳ, 27 lính Tiger Force thú nhận từng cắt tai các nạn nhân để đe dọa dân làng các vùng lân cận.

Vào khoảng cuối tháng 7-1967, sau khi bốn lính Tiger Force bị bắn trọng thương, lực lượng này tỏa đi khắp vùng thung lũng để trả thù. Sông Vệ trở thành vùng “tùy nghi bắn hạ”. Lính Tiger Force bắn giết tràn lan, từ đàn ông đến phụ nữ và cả trẻ em ở các làng trong vùng. Chỉ huy Tiger Force tuyên bố: “Không bao giờ được nói cho ai biết điều gì đang xảy ra ở đây” và đe dọa trừng phạt những ai không tuân lệnh.

Chiến dịch Wheeler

Nhóm phóng viên The Blade bao gồm bốn thành viên thực hiện cuộc điều tra trong tám tháng, bắt đầu từ bản báo cáo giải mật dài 22 trang về tội ác diệt chủng của Tiger Force. Hồ sơ điều tra dựa trên hàng ngàn tài liệu giải mật của quân đội Hoa Kỳ, hồ sơ của Cục Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ, các biên bản điện đàm trong năm 1967, loạt phỏng vấn hơn 100 người bao gồm 43 cựu thành viên Tiger Force và người dân vùng thung lũng sông Vệ, tỉnh Quảng Ngãi, và các vùng lân cận.

The Blade cho biết nhiều hồ sơ trong Cục Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ đã bị thất lạc, một số lính Mỹ bị tình nghi tham gia thảm sát và nhiều nhân chứng tại VN đã qua đời, nên còn nhiều chi tiết của bảy tháng kinh hoàng tại Quảng Ngãi không được tái hiện đầy đủ.

Từ ngày 10-8-1967, lực lượng Tiger Force chuyển đến một vùng nằm cách Sông Vệ 50 dặm về phía bắc, thuộc địa phận Quảng Nam (gần Chu Lai), tham gia chiến dịch đẫm máu nhất kéo dài 75 ngày từ tháng chín đến tháng mười một mang tên Wheeler. Đại tá Gerald Morse - 38 tuổi, chỉ huy Tiger Force và các đơn vị biệt kích khác trong chiến dịch này - đổi tên các nhóm sát thủ thành nhóm Ám sát, nhóm Kẻ man rợ và nhóm Cắt cổ. Bản thân tay đại tá này chọn cho mình cái tên Kẻ cưỡi bóng ma.

Tiger Force tiếp tục các trận càn trong tháng 9-1967 sau khi bị tấn công chỉ vài ngày khi chuyển đến vùng mới. Những cựu binh tham chiến cho biết đã bắn hạ tất cả những dân làng từ chối không vào trại tập trung. “Chúng tôi hạ cả làng, ngày này qua ngày khác”, một cựu binh tên Causey hiện sống tại California thú nhận. Trong nhiều vụ, Tiger Force ném lựu đạn xuống các hầm trú của người dân giết hại toàn bộ số người trốn trong hầm. Những cựu binh

Tiger Force thú nhận có tháng trung đội này đã giết 120 người dân làng, toàn bộ không có vũ khí.

Để che giấu các vụ thảm sát này, chỉ huy các nhóm đặc nhiệm tính số người bị giết hại vào số “nhân mạng đối phương”. Cho đến tháng 11-1967, theo hồ sơ một cuộc điện đàm của chiến dịch Wheeler, chỉ huy Morse yêu cầu: “Chúng ta phải đạt được số nhân mạng 327”. Tiger Force báo cáo số nhân mạng 327 vào ngày 19-11-1967. Trong toàn bộ chiến dịch Wheeler, số nhân mạng lên đến 1.000 người (có vũ trang và không vũ trang).

Quân đội Hoa Kỳ đã biết gì?

Từ tháng 2-1971 đến tháng 6-1975, quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra hoạt động của trung đội đặc nhiệm này dựa trên 30 cáo buộc về tội ác chiến tranh liên quan đến Tiger Force. Hồ sơ cho thấy các nhà điều tra Mỹ đã phỏng vấn 137 nhân chứng và săn lùng dấu vết của các cựu thành viên Tiger Force ở 60 thành phố trên toàn thế giới.

Cuộc điều tra kết luận 18 lính Mỹ thuộc lực lượng Tiger Force đã phạm 20 tội ác chiến tranh, bao gồm giết người, tấn công sát hại..., vi phạm luật quân sự Hoa Kỳ và vi phạm Công ước Geneva 1949 (điều tra riêng của nhóm The Blade cho biết có thêm 11 vụ chưa được ghi nhận trong hồ sơ). Theo hồ sơ, ít nhất 81 thường dân đã bị sát hại bằng dao hoặc súng, nhưng đây chưa phải là thống kê đầy đủ do không đếm được số thiệt mạng tập thể trong các hầm trú. Sáu thành viên Tiger Force bị điều tra về tội ác chiến tranh (trong đó có một sĩ quan) đã được từ chức trong quá trình điều tra để tránh ra tòa án quân sự.

Cũng theo hồ sơ giải mật, kết luận điều tra đã được gửi đến các văn phòng của bộ trưởng quốc phòng và tổng tư lệnh quân đội, nhưng không có một lệnh nào liên quan đến cuộc điều tra được gửi đi từ đây. Các quan chức cao cấp của Nhà Trắng, trong đó có John Dean - cựu cố vấn trưởng của tổng thống Richard Nixon, cũng đã nhận được báo cáo thường xuyên về tiến trình điều tra vụ việc.

Cho đến hôm nay, Bộ chỉ huy điều tra tội phạm của quân đội Hoa Kỳ tại Virginia vẫn từ chối giải mật hàng ngàn tài liệu liên quan đến vụ việc và lý do vì sao vụ việc bị chôn vùi trong gần ba thập niên qua. Cuối tuần qua, người phát ngôn quân đội Hoa Kỳ Joe Burlas chỉ thừa nhận vào thời điểm đó khó có thể đưa ra những lời kết tội, nhưng không giải thích được những điểm yếu của quá trình điều tra.

Kỳ sau: Vụ án Tiger Force đã bị chôn vùi như thế nào?

Cam Ly (trích dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên