Phóng to |
Những tác phẩm văn học kinh điển đang trở lại với độc giả Nhật |
Xu hướng dịch và xuất bản các tác phẩm nổi tiếng của thế giới từng rộ lên ở Nhật trong khoảng 1950 - 1970 và chỉ thực sự bão hòa với một loạt sách do hai nhà xuất bản lớn là Kawade Shobo Shinsha và Shueisha ấn hành vào năm 1989.
Shigeo Wakamori, lãnh đạo nhà xuất bản Kawade, nhận xét: "Những nhà văn trẻ đoạt được một số giải thưởng văn học từng than phiền rằng, họ không tiêu hóa nổi những kiệt tác văn học của ngày xưa. Nhưng bây giờ, thật khó khăn để sở hữu được một cuốn như thế”. Ông tin rằng, độc giả ngày nay đang dần hướng đến những tác phẩm văn học lớn, mang tính nghệ thuật đích thực.
Tháng 10 tới, Kawade sẽ xuất bản một tủ sách gồm 24 kiệt tác văn học thế giới, phần lớn được sáng tác trong nửa cuối thế kỷ 20, do nhà văn Natsuki Ikezawa tuyển chọn. Mỗi đầu sách có giá 2.520 - 3.360 yen (342 nghìn - 455 nghìn đồng).
Cuốn đầu tiên sẽ là On the Road (Trên đường) viết năm 1951 của Jack Kerouac với bản dịch mới của Minami Aoyama. Tiếp theo là The Way to Paradise (Đường tới thiên đàng) của Mario Vargas Llosa - lần đầu tiên được dịch tại Nhật với bản dịch của Satoko Tamura; và The Unbearable Lightness of Being (Đời nhẹ khôn kham) của tiểu thuyết gia người Czech Milan Kundera.
Song song với trào lưu mê tiểu thuyết cổ, tồn tại một khuynh hướng làm mới những tác phẩm kinh điển bằng các bản dịch mới. Năm 2003, Haruki Murakami đã tạo nên một cơn sốt nhẹ trong độc giả với bản dịch mới cho cuốn The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh) của J.D. Salinger.
Tháng 9 năm ngoái, nhà xuất bản Kobunsha khởi động dự án phát hành loạt sách bìa mềm khổ nhỏ các tác phẩm văn học kinh điển. Đến đầu tháng 5 này, Kobunsha đã ra mắt 29 tựa sách. 6 trong số 8 đầu sách đầu tiên ngay sau khi ra đời đã được tái bản liên tục với số lượng lớn. 3 tập Anh em nhà Karamazov của Dostoevski tiêu thụ được 78.000 bản. Một cuốn khác của Nikolai Gogol cũng trở thành best-seller tại thị trường này.
Minoru Komai, Trưởng ban biên tập nhà xuất bản Kobunsha, cho biết: “Thật là một thành công ngoài mong đợi. Chúng tôi nhắm vào những người đã nghỉ hưu, có rất nhiều thời gian. Nhưng trên thực tế, một nửa số độc giả của chúng tôi mới chỉ dưới 30 tuổi”.
Với một quyết định khá bất ngờ, nhà xuất bản Shinchosha còn ấn hành In Cold Blood của Truman Capote và Lolita của Vladimir Nabokov bằng hẳn bìa cứng. Hai cuốn sách này cũng nhanh chóng được in ra với số lượng lớn. Trên đà thắng lớn, công ty này sẽ còn tiếp tục xuất bản bản bìa cứng cuốn Rebecca của Daphne du Maurier.
Nhà văn đoạt giải Akutagawa Hikaru Okuizumi bình luận: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của văn hóa đọc khi những kiệt tác văn học cổ được tôn vinh trở lại. Từ thời Minh Trị (1868-1912), Nhật Bản đã chăm chỉ đọc các tác phẩm của phương Tây. Nhưng một thời, chúng ta sẵn sàng tiếp nhận bất cứ thứ gì, miễn là nó được sinh ra ở nước ngoài. Theo sau đó là làn sóng đam mê văn học Pháp và Nam Mỹ. Những xu hướng này từng thống trị đời sống tinh thần của người đọc. Bây giờ lại có một lớp độc giả kiên nhẫn đọc lại các tác phẩm cổ. Nhưng tôi nghĩ, họ biết chọn lọc hơn”.
Ikezawa - người tuyển chọn các tác phẩm cổ điển cho nhà xuất bản Kawade - cho rằng: “Ngày càng nhiều độc giả chỉ thích đọc những cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng. Nhưng nếu bạn đối diện với một cuốn sách “khó nhằn” và cố gắng đọc để hiểu nó, bạn sẽ thu về được niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao. Đồng hành với những cuốn sách ấy nhiều khi còn thú vị hơn cả dạo chơi trong một cuộc tình”.
Tủ sách các tác phẩm cổ điển của Kawade sẽ còn bổ sung những bản dịch mới cho các tác phẩm của nền văn học Việt Nam, Trung Quốc và các nước châu Phi.
Ikezawa lý giải cách tuyển chọn của mình: “Tôi lựa những tác phẩm có mối liên hệ mạnh mẽ với cuộc sống ngày nay. Tôi cũng rất quan tâm đến yếu tố địa lý và bối cảnh xã hội của từng nền văn học. Bởi mỗi quốc gia lại có những hình thức khác nhau để diễn đạt về xã hội họ sống thông qua văn học”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận