Phóng to |
Tru tiên của nhà văn trẻ Tiêu Đĩnh có nhiều yếu tố thần tiên nhưng mang hơi thở hiện đại- được hi vọng sẽ làm sống lại dòng văn học kiếm hiệp, võ hiệp vốn gần như đã chết nhiều năm qua. Ảnh: Tuổi trẻ |
Pha trộn tìm cái mới
Những tác phẩm kiếm hiệp để đời như Tiếu ngạo giang hồ, Anh hùng xạ điêu, Lộc đỉnh ký (Kim Dung), Lục Tiểu Phụng hệ liệt, Long hổ phong vân, Vô tình kiếm (Cổ Long) đã xây nên những tượng đài văn học trong thể loại này mà lớp hậu sinh khó ai có thể vượt qua nổi. Chính những tượng đài này đã khiến cho dòng văn học võ, kiếm hiệp sau thời kỳ của họ lâm vào cảnh chợ chiều…
Sau 2 tác giả Huỳnh Dị, Ôn Thụy An, dòng văn học kiếm hiệp lại một lần nữa chững lại cho đến khi xuất hiện những tác phẩm của trường phái tạm gọi là “tân võ hiệp” với tác phẩm tiêu biểu vừa được bạn đọc Việt Nam biết tới: Tru Tiên. Thế nhưng, bất chấp những thành công vang dội - một trong 3 tác phẩm được đọc nhiều nhất trên mạng châu Á, bán 2 triệu bản khi xuất bản, dòng văn học này vẫn bị cho là một sự thụt lùi so với dòng văn học, kiếm hiệp trước đây.
Theo trào lưu chung
Dù không nhận được nhiều lời khen nhưng người ta vẫn trông chờ vào Tru Tiên. Sự trông chờ này được lý giải là do hiệu quả của tác phẩm điện ảnh Ngọa hổ tàng long (đạo diễn Lý An). Lúc mới xuất hiện, Ngọa hổ tàng long cũng bị nhiều lời chê bai, vì kiểu phim võ hiệp bay lượn đánh chưởng vèo vèo trước đó bị xem là đã xóa sổ.
Thế nhưng, với võ hiệp kiểu cũ, 2 chuyện tình đắm say và nồng cháy cùng những khung hình tuyệt đẹp đã mang lại cho Ngọa hổ tàng long những thành công vang dội và sau đó nó cũng làm sống lại cả một dòng tác phẩm điện ảnh võ, kiếm hiệp kiểu xưa vốn tưởng đã chết với hàng loạt siêu phẩm như Anh hùng, Thập diện mai phục, Vô cực…
Ở góc độ nào đó, sách Tru Tiên rất giống phim Ngọa hổ tàng long. Do đó, không mấy bất ngờ khi Tru Tiên nhận được sự khen ngợi hết lời của giới trẻ - những người vốn thấy mới lạ với cái xưa - và nhiều lời chê bai của những người đứng tuổi - vốn đã ám ảnh với những tượng đài văn học, điện ảnh võ hiệp trước đây.
Thật ra, trào lưu cải biên, pha trộn yếu tố mới vào những khái niệm cũ để cho ra đời những tác phẩm văn học mới không phải là độc quyền của các nhà văn võ, kiếm hiệp. Tại châu Âu, điển hình nhất có thể kể đến siêu phẩm Harry Potter, nơi phù thủy của thời Trung Cổ hòa lẫn với thế giới của xe điện, máy bay, súng đạn.
Cũng chính Harry Potter đã góp phần làm bùng nổ lên hàng loạt tác phẩm mới theo trào lưu pha trộn cũ mới như Pendragon, Kỵ sĩ rồng, Tim mực… Pha trộn cái cũ vào bối cảnh mới là một hình thức sáng tác văn học đang được ưa chuộng trên thế giới từ Đông sang Tây. Điều đáng tiếc là cho đến nay, phong cách sáng tác này vẫn chưa được các nhà văn Việt Nam sử dụng để cho ra những tác phẩm ăn khách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận