11/12/2011 05:49 GMT+7

"Tiểu thương mới" cùng bình ổn hàng tết

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Ngày 10-12, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công thương, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết bên cạnh việc tạo nguồn hàng dồi dào, mục tiêu của chương trình bình ổn hàng hóa Tết Nhâm Thìn sẽ triển khai mạnh các hoạt động bán hàng về vùng sâu vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư ngoại thành để đưa hàng đến tận tay người dân nhiều hơn. Trong đó, mạng lưới bán hàng bình ổn sẽ có sự tham gia của nhân tố “tiểu thương mới”.

Theo bà Hồng, đến nay các đơn vị được giao chuẩn bị cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu tết đều hoàn thành và vượt kế hoạch, đảm bảo hàng hóa phong phú, chất lượng, giá cả phù hợp, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến. Riêng trong dịp tết sẽ bổ sung một số mặt hàng gắn liền với nhu cầu mua sắm của người dân như nếp, trái cây, chả lụa... Ngoài chăm lo cho bữa cơm của các hộ dân, hàng bình ổn còn đưa vào kênh bếp ăn tập thể, nhà trường, nhà trẻ.

Nét mới của chương trình năm nay là thu hút nhiều đơn vị, tổ chức cùng tham gia. Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Saigon Co.op đã làm đầu mối, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ và Thành đoàn TP.HCM xây dựng mô hình cửa hàng Co.op, tiệm tạp hóa thanh niên, tận dụng mặt bằng sẵn có của đoàn viên thành điểm bán hàng bình ổn. Chính nhân tố “tiểu thương mới” này giúp hàng bình ổn đi sâu hơn vào khu dân cư, vùng ven ngoại thành.

Theo đại diện Thành đoàn TP.HCM, sẽ có 20 lượt bán hàng lưu động do các đoàn viên thực hiện để đưa hàng về các khu lưu trú sinh viên, ký túc xá, khu công nghiệp - khu chế xuất trong đợt cao điểm 15 ngày trước tết. Các tổ chức Đoàn cũng đã vận động được nhiều đoàn viên có mặt bằng để mở cửa hàng tiện ích thanh niên và dự kiến có thêm mười điểm bán hàng bình ổn được khai trương trước tết. Riêng Hội Liên hiệp phụ nữ đã vận động chị em hội viên tham gia 300 điểm bán hàng bình ổn.

Bà Nguyễn Thanh Hà, phụ trách chợ đầu mối Tam Bình (Q.Thủ Đức), cho biết đến thời điểm này lượng hàng về chợ nhiều hơn 20% so với năm ngoái, có thể lên 6.000 tấn/đêm trong những ngày cận tết, giá một số mặt hàng có xu hướng giảm do sức mua thấp.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng với số vốn của chương trình chỉ chi ra hơn 100 tỉ đồng nhưng nguồn hàng hóa cung ứng cho ba tháng trước, trong và sau tết của các doanh nghiệp lên đến 5.500 tỉ đồng, cho thấy UBND TP.HCM đã sâu sát công tác chuẩn bị dự trữ hàng hóa của doanh nghiệp. Năm nay, chương trình có bước tiến rất rõ là cải tiến phương thức lưu thông hàng hóa, đưa hàng hóa đến với nhiều người dân hơn. Việc thành phố thu hút được các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội khác tham gia chương trình bình ổn là cách làm mới và bộ có thể tham khảo để triển khai rộng ra các địa phương trong các buổi làm việc tiếp theo của bộ với một số tỉnh thành khác.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thoa cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp không nên chủ quan, tiếp tục theo dõi tình hình, giá cả thị trường. TP.HCM cần tăng cường công tác kiểm tra giá, đảm bảo thời gian phục vụ tết.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên