22/04/2012 12:28 GMT+7

Tiếu lâm làng rượu

PHAN VĂN MINH
PHAN VĂN MINH

TTC - Chuyện rượu chè của đàn ông lúc nào cũng bị phê phán từ nhiều phía. Hẳn nhiên rồi! Gia đình bực bội, xã hội lên án, các thầy thuốc thì cảnh báo những nguy cơ về bệnh tật… Và chính đối tượng bị phê phán này nếu chưa đến mức là đệ tử ruột của Lưu Linh thì không phải bao giờ cũng ngoan cố tự bênh vực cho mình.

Trái lại, chính họ chứ không ai khác, là tác giả của những câu chuyện tiếu lâm chuyên chế giễu các biểu hiện trái nết, lẩn thẩn, ngất ngư, khật khưỡng… của “dân li cốc”, và lại được kể ngay bên bàn… rượu.

Anh về tôi vô

Có ông sui gái một hôm đến nhà ông sui trai, sau khi hỏi thăm chuyện con cái, hai ông cùng nhậu với nhau túy lúy càn khôn. Đến gần tối mịt, ông sui gái mới khật khưỡng chào chủ nhà ra về. Ông sui trai loạng choạng tiễn khách ra tới cây rơm đầu ngõ. Ông sui gái khoát tay bảo:

- Thôi, anh vô tui về.

- Ừ, thôi anh về tui vô.

Hai ông say quá đứng không vững, phải tựa vào đống rơm mà dò dẫm, do vậy nên hai ông cứ lòng vòng cụng trán vào nhau rồi lại: “Anh về tui vô, anh vô tui về”. Sau mấy bận như thế hai ông ngã đè lên nhau mà ngủ. Đến khuya, ông sui trai mơ ngủ tè ra ướt hết mặt ông sui gái. Ông này vừa quờ quạng vuốt mặt vừa ú ớ:

- Thôi… thôi, anh rót anh uống, tui về, tui về…

Ai kêu tui đó?

Hầu hết dân “tửu đồ” đều rất hiếu khách. Đang lúc cao hứng mà trông thấy người quen thì thế nào cũng mời nhập bọn. Và người được làm “khách của VTV” đương nhiên được miễn đóng góp “tửu phí” và có thể tùy ý rút êm khi cảm thấy đã đủ “đô”. Bởi vậy mới có thơ rằng:

Rượu chùa chẳng dại ngồi lâuVui chưa tàn cuộc lắc đầu bỏ đi…

Ở làng tôi có chú Bốn, tánh người xởi lởi ham vui. Lâu nay cứ chiều chiều đi làm đồng về là chú lững thững dạo quanh đường làng. Chú biết giờ chừ không ở trong sân nhà này thì đầu ngõ nhà kia thế nào cũng có một đám rượu. Và chú chỉ cần đánh tiếng là sẽ nghe lời mời: “Ê, chú Bốn hả, dzô đây!”. Chú hỏi một câu lấy trớn: “ Ai kêu tui đó?” rồi không đợi trả lời, chú nhập cuộc ngay. Trong đãy chú lúc nào cũng sẵn một cái li và mấy trái ớt. Chú tự rót, tự uống, không phiền lòng ai.

Nhưng “nuôi rượu” chú riết rồi đám “tửu nông” trong làng cũng ngán. Một hôm đi ngang qua ngõ nhà nọ thấy có đám rượu nơi bìa sân. Chú tằng hắng mấy cái nhưng hình như chẳng ai để ý. Chú ho một tràng thật lớn thì liền nghe đồng thanh một tiếng “Dzô!” - “Dzô thì dzô. Hê hế...”. Chú lẩm bẩm vừa đủ nghe rồi chắp tay sau lưng xăm xăm tiến thẳng vào. Cả bàn nhậu trợn mắt lên nhìn. Chú cười xởi lởi:

- Ai kêu tui hả? Tui tính lên xóm trên nhưng nghe các chú biểu dzô. Hê hế...

- Đâu có ! Bọn tui cụng li đó chớ!

- Ủa, dzậy he? Chà, lỗ tai lúc này đâm ra nghễnh ngãng rồi. Phải phạt mới được! Hê hế...

Và chú tự rót phạt mình liên tiếp hai li đầy. Chú chụm năm đầu ngón tay, túm một túm mồi lùa vào mồm. Rồi chú chép miệng, lại đưa tay quơ lấy cổ chai:

- Nói chi thì nói chớ phải làm cho đúng luật, vào ba ra bảy… Hê hế.

Cả bàn nhậu phát hoảng. Một người đè hai vai chú cho ngồi xuống ghế:

- Thôi thôi, chú Bốn ngồi luôn đây cho rồi! Chú mà làm đủ luật thì chai rượu này sạch bách, còn đách chi bọn tui uống!

Không phiền lòng vợ

Có anh chàng tửu lượng vốn không cao nhưng tối hôm đó bị bạn bè khích bác nên cứ bưng li lên là bị giục đi tới… Sơn Trạch (sạch trơn). Trên đường về anh ta loạng choạng té ngã mấy lượt, trầy vi tróc vảy khắp mình mẩy. Đến nhà đã gần nửa đêm, sợ phiền lòng vợ nên anh ta rón rén mở cửa, âm thầm lấy bông băng và thuốc i-ốt ra đứng trước tủ kính, xoay người soi trước soi sau, tự mình bôi thuốc và dán băng cẩn thận.

Rồi anh ta lặng lẽ lên giường nằm, yên chí rằng cứ đắp chăn ngủ lì thì bà xã khó lòng phát hiện sớm. Nhưng vừa tờ mờ sáng hôm sau anh ta đã bị chị vợ vừa kéo chân vừa la toáng lên: “Dậy, dậy mau! Dậy xem cái kiệt tác của ông trên tủ quần áo của tôi kìa!”. Anh chồng lật chăn, hé mắt ra nhìn thì thấy cả tấm kính tủ đã biến thành một bức tranh với nguyên liệu gồm toàn… thuốc đỏ, bông gòn và băng keo. Hóa ra hồi hôm anh ta cứ nhè cái bóng mình trong gương mà bôi với dán…

Cua và chim vẹt

Trong đám bạn nhậu, một người có cái nết bưng li thì ít mà cầm đũa “phá mồi” thì liên tục, đến nỗi anh em phong cái biệt danh rất… đông Âu là ngài “tiến sĩ Gắp-suốt Đớp- ít-li”. Nhưng đó là chuyện tế nhị, khó khuyến cáo trực tiếp. Một “tửu viên” trong đám bèn kể câu chuyện sau:

- Ngày xửa ngày xưa, có một năm trời làm hạn hán, tám tháng liền không một giọt mưa. Trên đồng, các loài thủy tộc đều chết khô, làm mồi cho chim chóc và côn trùng. Chỉ có loài cua là còn trụ lại được khá lâu nhờ biết chui dưới hang sâu. Nhưng cua cũng đói khát lắm, cảm thấy nếu theo cái đà này thì đời mình cũng chẳng thể kéo dài được bao lâu. Một chiều nọ cua bò lên cửa hang để hút ít giọt sương, chợt thấy một anh cò trắng muốt đang nhặt cá trên vũng lầy khô quánh. Cua mừng rỡ cất tiếng cầu cứu: “Anh cò ơi, cứu em với!”.

Cò hỏi: “Chú em làm sao mà phải cứu?”. Cua khóc lóc: “Em sắp chết khô rồi đây, anh không thấy sao?”. Cò lại hỏi: “Ta cứu ngươi thế nào?”. Cua nhanh nhảu đáp: “Anh cho em bám vào chân anh rồi mang em thả xuống sông”. Cò đồng ý. Thế là cua bò tới, dùng càng gắp vào chân cò. Lần đầu tiên được đưa lên không trung, cua sợ quá nên quắp thật chặt làm cò đau điếng. Cò rảy mạnh chân nhưng càng rảy cua càng kẹp chặt hơn. Cò giận quá cúi xuống chửi: “Mày gắp vừa vừa chứ gắp quá tao… ị lên đầu mày đó!”.

Đến đây thì cả bàn cười ầm. Riêng anh chàng “Gắp-suốt Đớp-ít-li” thì ngượng đỏ mặt. Một hồi sau, khi trận cười tạm lắng anh ta mới bảo:

- Mình cũng xin kể một chuyện vui. Rằng thời xa xưa, loài vẹt nguyên thủy có chiếc mỏ dài. Vốn là loài chuyên mổ hạt nên vẹt ta kiếm ăn rất khó khăn và thường bị đói. Thấy anh diều hâu săn mồi tài quá nên vẹt tìm đến yết kiến. Vẹt than: “Bác diều hâu ơi, bác có cách gì kiếm mồi nhanh nhanh dạy em với!”.

Diều hâu nhìn vẹt mỉa mai: “Dài mỏ khó kiếm ăn. Cái mỏ mày thẳng đuột như thế mà bắt mồi sao đặng? Phải làm cho nó cong quắp như ta đây thì mới gắp được chớ!”. Vẹt hỏi: “Cha sinh mẹ đẻ thế này làm sao cho nó cong lại được hở bác?”. “Dễ ợt mà! - Diều hâu bảo - Cứ mỗi ngày chú mày chịu khó uốn lại thì nó sẽ cong thôi”. Vẹt y lời, về nhà sáng nào cũng chui mỏ vào hốc cây mà uốn. Sau một thời gian, mỏ có cong lại và vẹt ta hái trái bổ hạt điệu nghệ ngon lành hơn trước nhiều.

Vẹt nghĩ bụng: “Mới uốn sơ sơ thế này mà hiệu quả như thế, nếu uốn thêm nữa chắc mổ được gấp bội”. Vậy là vẹt ra sức uốn càng ngày càng mạnh hơn, làm cho cái mỏ có dáng quắp vào cổ như ngày nay. Nhưng rõ tham thì thâm, đến lúc này thì cái mỏ vẹt lại không vươn ra được để hái trái. Vẹt đói, lại đến khóc lóc với diều hâu: “Chết em rồi bác diều hâu ơi! Bác xúi dại em! Cái mỏ cong thế này làm sao mà gắp hạt?”. Diều hâu nhìn vẹt, ôm bụng cười ngất… Nhưng mà… trước khi nghe diều hâu nói thế nào mời quí vị cầm đũa làm một miếng mồi…

Anh chàng “Gắp-suốt” tủm tỉm cười, làm một đũa mồi thật lớn, trong khi “cử tọa” không dám động đến đũa vì sợ mắc bẫy. Anh ta tợp một ngụm rượu rồi trỏ tay vào mặt cái anh kể chuyện cua cò lúc nãy:

- Diều hâu bảo: “Mày ngu quá! Uốn (uống) vừa vừa để còn gắp chớ! Cứ cắm đầu cắm cổ uốn (uống) riết như mày thì đói mờ mắt là phải!”.

Tiếng cười lại nổ tung mặt bàn. Mọi người đồng thanh:

- Hay quá! Vậy là một đều! Dzô!

Chuyện cười bên bàn rượu thì có thể kể vô hồi kì trận, chuyện càng vui cuộc rượu càng dài. Và có lẽ chỉ dân tửu đồ mới có dũng cảm kể những chuyện theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”, tự bêu xấu chính mình như đã minh họa ở trên. Nhưng cũng có thể xem đó như là một cách “phê và tự phê” nhằm nhắc nhở nhau tiết chế bớt những tác hại của thói quen nhậu nhẹt, trong khi chưa tìm được “bài thuốc” nào công hiệu để đoạn tuyệt với nó.

XZcHOOFC.jpgPhóng to
Tuổi Trẻ Cười số 449 ra ngày 01/04/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

PHAN VĂN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Tiểu Lâm Sơn Trạch