Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cùng thanh tra Bộ NN&PTNT phá đường dây kinh doanh chất tạo nạc, tăng trọng trong chăn nuôi tại Công ty TNHH thủy sản Seabird, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) do ông Trần Văn Bùi làm giám đốc - Ảnh: Hoàng Lộc |
Kiểm tra đột xuất, tiêu hủy ngay đàn heo có chất cấm, người buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị xử 20 năm tù... là những biện pháp sẽ được áp dụng để xử lý, ngăn chặn hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Phát biểu tại tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi - Thực trạng và giải pháp” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 23-3, ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết với những biện pháp quyết liệt nêu trên, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2016.
“Tội sử dụng chất cấm được đưa lên như tội “cướp và giết”. Không lẽ nào chỉ cần đe dọa người khác là cấu thành tội phạm mà đưa chất cấm vào cơ thể con người lại phải đợi có hậu quả mới xử lý được |
||
Đại tá Trần Trọng Bình |
Tiêu hủy cả đàn heo
Theo ông Việt, trong những tháng đầu năm 2016 ngành nông nghiệp đã thanh tra 32 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) ở 11 tỉnh thành trên cả nước.
Cơ quan chức năng đã lấy hơn 200 mẫu thử, trong đó có 148 mẫu để phân tích salbutamol và 58 mẫu phân tích chất vàng O. Kết quả phân tích đều không phát hiện việc sử dụng chất cấm trong TACN.
“Kết quả này bước đầu khẳng định các nhà máy sản xuất TACN không trộn chất cấm salbutamol trong sản phẩm nữa. Việc sử dụng chất cấm chỉ còn tập trung chủ yếu trong các trang trại chăn nuôi với nguồn salbutamol còn sót lại trên thị trường được nhập khẩu về từ 2-3 năm qua” - ông Việt khẳng định.
Trong khi đó ông Tống Xuân Chinh, cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết cơ quan chức năng đã xác định salbutamol được các công ty sản xuất dược nhập qua đường chính ngạch, được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép.
“Trong hơn 9 tấn salbutamol được nhập khẩu về VN năm 2014 và 2015 có gần 6.300kg không được sử dụng để sản xuất dược mà bán ra ngoài, không loại trừ số chất cấm này được đưa vào nuôi heo” - ông Chinh nói. Tuy nhiên, dù người chăn nuôi biết rõ người cung cấp chất cấm nhưng họ không nói, cơ quan chức năng cũng khó điều tra.
Ông Trần Văn Quang, chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết khi kiểm tra các mẫu lấy từ 50 trang trại trên địa bàn, cơ quan này đã phát hiện 8 trang trại dương tính với chất cấm tạo nạc. Đặc biệt, 3 mẫu đã có kết quả trong 8 mẫu gửi đi kiểm tra định lượng, 2 mẫu có dư lượng chất cấm (salbutamol) cao gấp nhiều lần mức cho phép, 1 mẫu dưới ngưỡng.
“Kết quả này cho thấy dù các cơ quan chức năng đã dùng nhiều biện pháp để kiểm tra và quản lý, nhưng tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn khá phổ biến. Cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng này” - ông Quang đề xuất.
Theo ông Việt, chắc chắn các biện pháp phòng chống và xử lý hành vi này sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thay vì kiểm tra theo kế hoạch như trước, thời gian tới cơ quan chức năng chuyển sang thanh tra đột xuất, có trinh sát trước mới thanh tra, đặc biệt mức xử phạt các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ được nâng lên nhiều so với hiện nay.
Thay vì chỉ phạt tiền (7,5 triệu đồng với hộ chăn nuôi nhỏ và 15 triệu đồng với trang trại chăn nuôi) và giữ heo hai tuần để thải hết chất cấm rồi cho tái xuất chuồng, cơ quan chức năng sẽ áp dụng biện pháp tiêu hủy cả đàn heo nếu phát hiện vi phạm.
Đặc biệt, theo ông Việt, từ ngày 25-2 theo quy định tại thông tư 01 (sửa đổi thông tư 57), cơ quan chức năng có thể tiêu hủy đàn heo ở cơ sở giết mổ gia súc nếu phát hiện dư lượng chất cấm, trang trại chăn nuôi cũng sẽ bị tiêu hủy cả đàn heo nếu tái phạm.
“Đây là mức xử phạt rất nặng bởi người dân sẽ có nguy cơ mất trắng tài sản vì bị tiêu hủy cả đàn heo” - ông Việt nói.
Thay đổi hình phạt đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi - Đồ họa: Vĩ Cường |
Phạt tù đến 20 năm
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Trần Trọng Bình, cục phó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an), cho biết tới đây cơ quan này sẽ phối hợp với thanh tra nông nghiệp, thú y và quản lý thị trường để bắt giữ các vụ vi phạm.
“Chúng tôi sẽ chỉ đạo kiên quyết xử lý theo hình thức tiêu hủy chứ không cho đưa ra ngoài thị trường” - ông Bình khẳng định.
Theo ông Bình, hành vi đưa chất cấm vào sử dụng trong chăn nuôi không cần chứng minh gây hậu quả cũng đủ cấu thành tội phạm hình sự, bị phạt tiền và phạt tù theo quy định tại các điều 190, 191, 193 và 317 Bộ luật hình sự liên quan đến tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, buôn bán hàng giả và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Chỉ cần sử dụng chất cấm là đã cấu thành cơ bản tội phạm, sẽ phải chịu hình phạt về tiền và về tù, nếu thêm các tình tiết tăng nặng sẽ còn phạt tù cao nhất là 20 năm” - ông Bình cho hay.
Theo ông Bình, trước đây vẫn có thể xử lý hình sự nhưng với quy định “cấu thành vật chất”, tức là gây ra hậu quả mới đủ căn cứ để xử phạt nên rất khó thực hiện bởi thực phẩm có chất cấm đưa vào cơ thể không dễ gây ra hậu quả ngay, mà trải qua thời gian tích tụ dần mới phát bệnh.
“Bị hô hấp, tiêu chảy làm sao khẳng định được ngay là do thực phẩm, còn ung thư có thể 10 năm sau khi ăn thực phẩm bẩn mới chết người... nên rất khó xử lý” - ông Bình nói.
Tuy nhiên, Bộ luật hình sự mới (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) quy định chỉ cần “cấu thành hình thức”, thay vì “cấu thành vật chất” như trước đây, là có thể xử lý.
Như vậy chỉ cần hành vi đưa các chất cấm, các chất không được sử dụng vào thực phẩm là đã cấu thành tội phạm mà không cần phải chứng minh hậu quả.
“Khi đã là vụ án hình sự, cơ quan cảnh sát điều tra có thể áp dụng tất cả biện pháp tố tụng để truy nguyên, truy tìm xác định dấu vết tang vật đến nguồn cuối cùng” - ông Bình nói.
Theo các đại biểu, không chỉ xử phạt tù với những người trực tiếp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, việc đưa hành vi này vào khung hình sự cũng sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề truy xuất nguồn gốc chất cấm và xử lý các đối tượng liên quan.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, với hàng loạt biện pháp mạnh đã và đang được các cơ quan chức năng đưa ra để giải quyết vấn đề sử dụng chất cấm, bước đầu cho thấy nguồn nhập khẩu và cung cấp chất cấm đã được khống chế.
Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt mới vào khâu tiêu thụ chất cấm trong chăn nuôi.
“Từ nay, bất cứ ai sử dụng chất cấm sẽ phải cân nhắc nhiều hơn đến hậu quả mà họ sẽ nhận được. Không đơn thuần chỉ là bị xử phạt hành chính như trước nữa, mà còn là mất hết tài sản và phải đi tù tới mức 20 năm” - ông Việt nói.
Ông Nguyễn Văn Việt (chánh thanh tra Bộ NN&PTNT):
Xử nghiêm đối tượng cố tình vi phạm Có hai đối tượng dùng chất tạo nạc cấm. Một là những người biết rõ và cố tình sử dụng để kiếm lời bất chính. Đối tượng còn lại là những người vô tình sử dụng khi họ mua các loại phụ gia và chất bổ sung bán trên thị trường để cung cấp dinh dưỡng cho heo. Trong thời gian tới, những đối tượng cố tình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để kiếm lợi bất chính chắc chắn bị xử lý nghiêm khắc hơn, trong khi những người vô tình sử dụng các loại chất này cũng sẽ phải cẩn trọng hơn khi chọn sản phẩm bổ sung dinh dưỡng để tránh nguy cơ thiệt hại nặng nếu bị phát hiện. |
* Ông Tống Xuân Chinh (cục phó Cục Chăn nuôi): Lưu ý chất cấm nhập lậu Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cơ bản khống chế được nguồn cung cấp chất cấm dùng để tạo nạc từ nguồn nhập khẩu chính ngạch. Nhưng cũng cần lưu ý tới nguồn nhập lậu qua biên giới và trên biển bởi Việt Nam có đường biên giới rất dài với Trung Quốc, Lào và Campuchia cũng như đường biển dài, trong khi buôn chất tạo nạc cấm lợi nhuận rất cao. * PGS.TS Dương Nguyên Khang (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & chuyển giao khoa học - công nghệ, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM): Cần thêm giải pháp kỹ thuật Các biện pháp như tiêu hủy đàn heo, xử lý hình sự đối với sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là cần thiết, nhưng vẫn chỉ tập trung vào phần ngọn của vấn đề. Về lâu dài, các cơ quan quản lý và viện nghiên cứu trong nước cần chủ động lai tạo ra các giống heo nói riêng và vật nuôi nói chung có những ưu thế về tăng trọng, chất lượng để nông dân sản xuất có hiệu quả. Bởi việc sử dụng chất cấm thời gian qua cũng có nguyên nhân từ chất lượng con giống xấu, heo lớn chậm, nhiều mỡ dẫn đến tình trạng nông dân tìm nhiều cách khác nhau để tăng sản lượng và chất lượng vật nuôi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận