20/02/2006 06:37 GMT+7

Tiểu đường, máu có mỡ: uống nấm linh chi có hiệu quả?

N.Q. - K.S. thực hiện
N.Q. - K.S. thực hiện

TT - * Tôi 55 tuổi, bị bệnh tiểu đường và máu có nhiễm mỡ, sức khỏe yếu. Có người chỉ tôi uống nấm linh chi Hàn Quốc sẽ có hiệu quả trị bệnh. Xin hỏi công dụng của loại nấm này thế nào?

Nếu nấm có tác dụng như dân gian truyền miệng thì có thể uống lâu dài được không, liều lượng ra sao? Một bạn đọc (Q.6, TP.HCM)

Dược sĩ Lê Kim Phụng - khoa y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM: - Linh chi vốn được xem là thần dược, được xếp vào nhóm thuốc bổ thượng phẩm và được chính thức ghi trong dược điển của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản như một phương thuốc trị ung thư.

Linh chi mọc nhiều ở các nước châu Á, có nhiều loại với nhiều màu khác nhau như đỏ, đen, xanh, vàng, tím.

Thành phần của linh chi có nhiều axit amin và đặc biệt là các yếu tố vi lượng có tác dụng “cải lão hoàn đồng”, giúp trẻ hóa tế bào, an thần, giải độc, bảo vệ tế bào gan, giúp khí huyết lưu thông, chữa huyết áp cao, xơ mỡ động mạch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và đặc biệt là rất tốt cho tim.

Ở VN cũng có linh chi. Không phải chỉ có linh chi Hàn Quốc mới có tác dụng như kể trên. Vấn đề là bạn phải chọn được loại đúng tiêu chuẩn, biết rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Linh chi tốt là hai mặt không bị mọt, mặt dưới có màu vàng chanh nhạt đến trắng, kích thước vừa phải, đường kính từ 8-20cm. Cách sử dụng: mỗi ngày dùng 10-12g linh chi đem rửa sạch, sắc lấy nước uống. Có thể dùng lâu dài, không có độc.

* Điều trị tổn thương da ở bệnh nhân goutte như thế nào?

* Ăn nhậu nhiều dễ bị goutte với hình ảnh bàn chân bị nổi sần... ghê quá. Chữa trị bằng cách nào? Bạn Ng.M.Th. (Phú Nhuận)

BS Hoàng Văn Minh - bộ môn da liễu ĐH Y dược, TP.HCM: - Những tổn thương ngoài da của bệnh goutte thường gặp trong giai đoạn mãn tính đó là những cục (nốt) dưới da, thường được gọi theo chuyên môn là “tophi” do những lắng đọng của monosodium urat (chất chuyển hóa của axit uric) ở trong da tạo thành.

Vị trí của những nốt này thường ở vùng kề khớp bàn tay, bàn chân, vành tai, khuỷu tay, vùng đầu gối (trước xương bánh chè). Những tổn thương này chắc, có màu vàng, để tự nhiên hoặc bóp nhẹ có thể chảy ra một chất tương tự giống như phấn.

Đường kính nốt thay đổi từ 1mm đến 7cm. Để chẩn đoán thường dựa vào vị trí của sang thương; tính chất và phân chất thành phần của dịch hút ra từ sang thương.

Phòng ngừa tổn thương da trên bệnh goutte bằng cách kiểm soát tốt axit uric, không để tiếp tục tăng lên. Còn nếu đã xuất hiện sang thương thì trong điều trị chỉ còn cách duy nhất là xử lý bằng phẫu thuật, cắt bỏ phần bị tổn thương.

N.Q. - K.S. thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên