29/03/2017 18:02 GMT+7

​Tiểu dầm ở trẻ: cần quan tâm, chăm sóc đúng cách

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Tiểu dầm là bệnh tương đối phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên không phải lúc nào cũng được cha mẹ quan tâm đúng mức.

Tiểu dầm là hiện tượng thoát nước tiểu không theo ý muốn của trẻ xảy ra khi trẻ ngủ và cần phân biệt với tiểu đêm là hiện tượng trẻ thức dậy vào ban đêm để đi tiểu.

Tiểu dầm tương đối phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy vậy, khi con bạn trên 5 tuổi mà vẫn còn mắc chứng tiểu dầm thì nên đưa trẻ đến các bệnh viện nhi khoa để được các bác sĩ thăm khám và tiến hành một số xét nghiệm giúp chẩn đoán và tìm hướng điều trị cho trẻ. Bệnh này tuy không nguy hiểm nhưng gây khó khăn trong sinh hoạt cá nhân và có thể dẫn đến rối loạn tâm lý cho trẻ sau này.

Vì sao trẻ bị tiểu dầm

Nước tiểu được sản xuất từ hai quả thận và sau đó được trữ trong bàng quang. Khi trẻ còn nhỏ, việc tiểu tiện diễn ra do sự co cơ thành bàng quang và giãn cơ cổ bàng quang theo chu kỳ, thường là 2 - 3 giờ trẻ tiểu tiện 1 lần. Khi lớn hơn trẻ có thể giữ nước tiểu lâu hơn vào ban ngày. Khi trẻ được mọi người động viên, trẻ sẽ dần phát triển khả năng này của mình. Sau khi đã kiểm soát việc tiểu tiện ban ngày, dần dần trẻ có thể kiểm soát việc đi tiểu cả lúc ngủ. Tới thời điểm này bộ não của trẻ sẽ chỉ huy bàng quang về thông điệp nín tiểu khi ngủ. Trẻ có khả năng kiểm soát bàng quang ở những độ tuổi khác nhau, nhưng phần lớn trẻ không bị tiểu dầm sau 5 tuổi.

Về mặt phân loại, bác sĩ dựa vào thời gian xuất hiện triệu chứng và các triệu chứng rối loạn đi tiểu khác kèm theo để phân thành các loại tiểu dầm như sau: tiểu dầm đơn thuần, tiểu dầm không đơn thuần, tiểu dầm nguyên phát, tiểu dầm thứ phát.

Tiểu dầm đơn thuần nguyên phát xảy ra khi trẻ chỉ có hiện tượng tiểu dầm vào ban đêm mà không kèm theo rối loạn đi tiểu nào khác vào ban ngày và xảy ra từ khi bé còn nhỏ.

Tiểu dầm không đơn thuần xảy ra khi trẻ có kèm theo các triệu chứng khác của đường tiểu như tiểu rỉ, són tiểu, tiểu gấp, tiểu gắt…

Trước đây, người ta thường nghĩ tiểu dầm là do nguyên nhân đơn thuần tâm lý, tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây, có 3 cơ chế có thể gây tiểu dầm đơn thuần:

- Trẻ ngủ sâu khó đánh thức.

- Thận của trẻ thải ra nhiều nước tiểu khi trẻ ngủ.

- Bàng quang của trẻ quá kích thích gây co thắt nhiều làm thoát nước tiểu khi trẻ ngủ ngay cả khi bàng quang không có quá nhiều nước tiểu.

Do đó, khi bạn đưa trẻ đến bệnh viện, qua thăm khám bác sĩ sẽ nhận ra trẻ thuộc nhóm nào để hướng dẫn và đưa ra cách thức điều trị thích hợp. Ngoài ra, có một tỉ lệ rất nhỏ trẻ tiểu dầm do những nguyên nhân khác như đái tháo đường, đái tháo nhạt, bệnh lý thận, nhiễm trùng tiểu, táo bón…

Điều trị và chăm sóc trẻ bị tiểu dầm đúng cách

Các phương pháp điều trị tiểu dầm tương đối hiệu quả, vô hại và ít tốn kém. Đầu tiên là phương pháp thay đổi thói quen như đi tiểu mỗi 3 giờ, hạn chế uống nước sau 5 giờ chiều, đi tiểu ngay trước khi đi ngủ. Khi các phương pháp này không hiệu quả, bác sĩ sẽ hướng dẫn các phương pháp điều trị khác:

- Phương pháp báo thức: Trẻ được mặc đồ lót hoặc quần áo ngủ có cài đặt những bộ phận cảm biến đặc biệt với độ ẩm. Chuông báo động sẽ kích hoạt ngay khi xuất hiện một giọt nước. Việc bị đánh thức và tạo điều kiện giúp trẻ đi tiểu nhiều đêm liên tiếp có thể giúp trẻ phát triển hệ thống tín hiệu để tự thức dậy khi cần thiết. Chuông báo thức sẽ giúp não của con bạn nhận thức tín hiệu từ bàng quang bị đổ đầy. Trong vài tuần đầu, trẻ có thể không nghe thấy âm thanh từ máy báo thức nên ba mẹ sẽ giúp đỡ cho trẻ trong khoảng thời gian này. Sau vài tuần làm quen, trẻ sẽ dần quen và sẽ tự thức dậy. Tuy nhiên, tại Việt Nam dụng cụ này chưa được áp dụng nhiều và mức độ thành công của biện pháp này cần có sự hợp tác tốt của gia đình và nỗ lực bản thân của trẻ.

- Dùng thuốc giảm bài xuất nước tiểu vào ban đêm: Desmopressin là một dạng hormone tổng hợp giúp cho trẻ giảm việc sản xuất nước tiểu vào ban đêm. Đây là dạng thuốc uống, dễ sử dụng và được cung ứng rộng rãi trên thị trường. Thuốc rất ít tác dụng phụ nếu được dùng đúng cách, thời gian điều trị tương đối dài ngày và thường sẽ được giảm liều dần và ngưng sau vài tháng.

- Dùng thuốc giúp bàng quang giảm co thắt: thuốc anticholinergic làm cho bàng quang không co thắt thường xuyên khi trẻ ngủ, do vậy làm giảm việc nước tiểu chảy ra vào ban đêm. Thuốc này cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị giúp cho bé bị tiểu dầm không còn nỗi lo “sống chung với lũ”. Quan trọng là cha mẹ phải hiểu tiểu dầm không phải là lỗi của trẻ, do đó cha mẹ không nên la mắng trẻ mà cần động viên và kiên nhẫn hỗ trợ để giúp con mình có những giấc ngủ đẹp và “khô ráo”.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên