Phóng to |
Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Của cải liên tục sinh sôi, an ninh trong ngoài tuyệt đối. Dân làng ca ngợi họ: “Gia sản phát đạt, gia cảnh thuận hòa, gia cư trong lành, gia phong nề nếp, gia pháp nghiêm minh”. Đó là đại gia đình họ Trần ở thôn Quang Xá, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Theo huyện lộ Phù Cừ, dọc con sông Cửu An, đến một tiểu khu có vẻ ngoài khá đặc biệt. Một bên đường là gần chục ngôi nhà xây hai tầng hiện đại giống hệt nhau từ màu sơn, kiến trúc đến cánh cổng. Khoảng sân chung được bao bọc bởi lớp hàng rào đồ sộ. Đối diện bên kia là mấy nóc nhà cổ, mái ngói rêu phong nhưng rất vững chãi, bề thế và cũng quây quanh một cái sân gạch vuông vức, đường bệ. Hai khu nhà xoay mặt vào nhau, cổ kính và hiện đại. Đó là quần thể trạch thất của một đại gia đình họ Trần đã sinh sống nhiều thế hệ trên mảnh đất này, dân làng quen gọi là nhà ông Chuật.
Làm không lương nhưng ngày hai bữa cỗ
Phóng to |
Hoạt động chính của gia đình này là kinh doanh vật liệu xây dựng, đồ gỗ, đóng tàu và vận tải. Tất cả gói gọn trong một công ty cũng mang cái tên đầy tính tôn ti: Doanh nghiệp tư nhân Trần Minh Chuật. Trụ sở và công xưởng của doanh nghiệp nằm bên khu nhà hai tầng. Trong khoảng sân rộng là bề bộn những máy móc nghề mộc cùng vài chục nhân công hí húi đục đẽo, cưa cắt bên những đống gỗ cũ mới. Sau khu nhà là xưởng đóng tàu.
Theo tiếng hàn, cắt, đập… chói tai để đến một bãi đất sát bến nước có khoảng 30 lao động đang cật lực trong những khối sắt thép, máy nổ, khung tàu… Sát cạnh là bếp ăn tập thể. Công ty này chỉ có một số ít lao động có lương vì đó là người thuê bên ngoài. Còn từ giám đốc đến kế toán, tổ trưởng, thợ chính, thợ phụ, nhân viên nấu ăn, lao động thời vụ cho đến nhân khẩu ăn theo đều là bố con, vợ chồng, bác cháu, cô chú ruột thịt. Toàn bộ nhân lực trong nhà đều huy động hết vào công ty nên không phải trả lương.
Bữa cơm ca của công ty được gói trong bữa cơm thường nhật của gia đình. Những mâm đầu là các bác, các chú. Tiếp theo là mâm của đám thanh thiếu niên tuổi đi học. Kế đến là mâm của đàn bà con gái. Hai mâm cuối cùng là đám “tiểu tử” lít nhít 7-12 tuổi. Ông Chuật vừa cầm đôi đũa lên thì tiếng lũ trẻ râm ran: “Cháu mời ông bà, con mời các bác, các chú, các cô, các dì, các cậu, các mợ, các anh, các em… xơi cơm…”. Đứa nói ngọng, đứa lí nhí, đứa hét toáng lên không thể biết con nhà nào và đang mời ai.
Mâm khách có bia rượu. Những thanh niên không có nhu cầu uống hoặc không phải tiếp khách thì ngồi riêng. Thịt có bò, chó, bê, lợn, vịt, gà… Rau có xào, luộc, nấu canh… Còn cả trứng, đậu, duốc, nhộng... Riêng mắm, muối chấm cũng có hơn mười “chế độ”, loại khác nhau. Nhiều món như vậy nhưng không phải mâm nào cũng giống mâm nào. “Đại tổng quản”, tức bà Đặng Thị Huệ - vợ ông Chuật - nói: “Nếu gọi đây là cỗ thì đám cỗ này tôi phải mất hàng chục năm sắp đặt mới thành. Đây là bữa cơm ngày nào cũng diễn ra. Ăn xong còn học còn làm. Gia đình làm ăn, nấu nướng không cầu kỳ lắm nhưng vì nhiều lứa tuổi, nhiều khẩu vị nên làm thế nào để ai cũng thấy thoải mái, hoặc ít ra là chấp nhận được thì quản gia phải nắm đầy đủ các đặc tính riêng đó”.
Mỗi ngày cả nhà ăn hết 30kg gạo, thời giá hiện tại, tiền thức ăn hết 500.000 đồng. Tiền sinh hoạt chung mỗi tháng trên 20 triệu đồng. Nếu chia lẻ cho 11 hộ, 54 nhân khẩu thì không thể trang trải được nhưng để chung thì sung túc, no đủ như ăn cỗ.
Tường thành bảo vệ Trần gia
Bố ông Trần Minh Chuật là cụ Trần Minh Thảo lập nghiệp trên mảnh đất này từ khi sinh thành. Sinh 11 người con, nuôi được chín và là một trong những hộ nghèo khó nhất làng nhưng lúc nào ông Thảo cũng đề cao nề nếp gia phong. Đặc biệt là giáo dục tinh thần đoàn kết cho con cháu. Ông không muốn vì mưu cầu hạnh phúc riêng hay vì trái tính, khác thói mà cha con, anh em khi lập gia đình lại phải chia lìa. Anh em ông Chuật khi được dựng vợ gả chồng dù khó hay giàu thì đại gia đình cũng hợp sức xây dựng cho họ một căn nhà mới ngay trong tiểu khu này. |
“Tối nay, thím Cúc nói với chị em sang nhà tôi nhá!” - bà Huệ, chị dâu cả, giao cho cô em dâu thứ hai triệu tập cuộc họp định kỳ dành cho các bà nội trợ của đại gia đình họ Trần.
Qui ước của gia tộc này là việc làm ăn để sinh sôi tiền bạc, phát triển gia đình, xây nhà, chọn nghề, dựng vợ gả chồng… do các ông chồng bàn bạc. Trừ trường hợp vấn đề có tính quan trọng tới đông người thì tất cả mọi thành viên đều được tham gia. Riêng việc lo toan cơm nước, cỗ bàn, sách vở, áo quần, lễ lạt, thuốc men… là do các bà. Để lo được thì phải có các cuộc họp.
Đầu tiên, mỗi bà tự kê ra những khoản phải chi tiêu riêng trong gia đình mình. Đó là sữa, đường, áo quần, bút, sách, dép, giày, học phí, kem đánh răng, xà phòng…, tóm lại tất cả các khoản chi thường xuyên. Tiếp theo là những khoản chi đột xuất như sửa tivi, sắm bộ loa, thay chăn, gối, đệm… Bà Huệ xem xét và duyệt chi.
Ngoài ra mỗi gia đình đều được lĩnh một khoản tiền tiêu vặt để tiếp khách, giải trí… Khoản tiền này phân bổ theo đầu người và tùy từng lứa tuổi, hoàn cảnh… Số ngân sách phân bổ đều công khai. Bất cứ ai thấy của mình hoặc người khác phi lý điểm nào đó thì thẳng thắn lên tiếng. Chị cả sẽ giải thích, điều chỉnh hoặc tất cả cùng biểu quyết. Xong thì bà Huệ bắt đầu phát tiền.
“Đó là nguyên tắc thế thôi. Hàng chục năm nay gần như chị em chúng tôi không ai so bì, khiếu nại gì. Cứ thực bụng mà làm. Lâu rồi thành quen” - bà Huệ nói. Tất cả mọi khoản tiền chi dùng, dự trữ hay tái đầu tư của 54 con người đều nằm trong tay bà Huệ.
Tuy là 11 hộ nhưng thật ra họ sinh hoạt như một gia đình mà tất cả theo sự phân định của vợ chồng anh cả. Trong công ty ông Chuật làm giám đốc. Ông đi vắng thì giao cho người em thứ là Trần Minh Nghệ. Vắng nữa thì em thứ ba là Trần Minh An đảm nhiệm. Mấy anh em trai mỗi người phụ trách một mảng việc: vận tải, đóng tàu hay mộc… Trong nhà có người thích làm nông, vậy nên dù kinh doanh rất phát đạt nhưng đến nay nhà ông Chuật vẫn còn nhận sáu mẫu ruộng để cấy lúa. Vốn liếng, lời lãi đều do vợ chồng ông quản lý.
Năm nào ông Chuật cũng nhắc: cô chú nào muốn ở riêng, gia đình sẵn sàng ủng hộ. Ông kể vào năm 2002, bố ông mất, lo xong đám tang, ông tổ chức họp gia đình và nói: “Xã hội thời nay không có nhà ai giống gia đình ta. Chắc các em cũng muốn ở riêng cho tự do thoải mái nhưng trước đây không dám nói với bố, bây giờ anh chị không ép. Ai muốn tách hộ cứ thẳng thắn”.
Thế nhưng đàn bà thì khóc, đàn ông chỉ ngồi im, hình như không ai nghĩ đến cuộc tan đàn xẻ nghé. “Đến dạo nọ - bà Huệ kể - nước lụt dâng ngập cả khu nhà ăn tập thể của gia đình. Bếp ăn không thể hoạt động, tôi nói: Tạm thời ai về nhà nấy, đem xoong nồi, bát đĩa và củi than về tự nấu ăn. Được đúng một bữa, các em các cháu chạy vào mếu máo: Ăn riêng không nuốt được cơm bác ạ! Ăn cỗ quen rồi!”.
Chị em bà Huệ nhẩm tính thấy sống chung được lợi đủ bề: ai vận hạn, nghèo khó đều được san sẻ tương trợ; vận hành qui mô lớn, chuyên môn hóa nên luôn hiệu quả, hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí; không sợ bị chèn ép và luôn có sức mạnh tinh thần phi thường. Hạnh phúc và niềm kiêu hãnh đó tiền không mua được. Minh bạch, công bằng và gương mẫu là bức tường thành bảo vệ Trần gia suốt mấy chục năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận