TT - Đêm 27-7, chúng tôi xem lễ khai mạc Olympic London 2012 với những người Việt tại một nhà hàng VN ở khu Battersea. Nhà hàng tuy nhỏ nhưng nuôi sống gần 20 người Việt đến nước Anh định cư, sinh viên du học làm thêm...
Khi ống kính truyền hình chiếu hình ảnh đoàn thể thao VN đi ngang qua lễ đài với cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới trên sân vận động Olympic, cả nhóm cùng reo lên: “Đoàn thể thao VN kìa” và mọi người cùng vỗ tay reo hò cuồng nhiệt, rồi cùng nâng ly như thể “gà nhà” vừa giành được tấm huy chương Olympic quý giá.
Sân vận động Olympic đêm 27-7 chưa hẳn đã “nóng” hơn “sân” chúng tôi khi mọi người bàn tán rôm rả những hoạt cảnh trong lễ khai mạc. Buổi lễ khai mạc có thể sẽ qua nhanh nếu như không xuất hiện một tiết mục chạm vào trái tim của những người Việt đang sinh sống và làm việc tại Anh, đó là màn biểu diễn ca ngợi hệ thống dịch vụ y tế quốc gia của Anh (NHS).
Màn này bắt đầu với hàng chục giường bệnh trên sân vận động Olympic, nằm trên giường là những “bệnh nhân” thiếu nhi đủ màu da, sắc tộc. Các em được các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế chăm sóc tận tình, từng li từng tí. Khán giả thật ấn tượng với hình ảnh đêm đến, nhân viên y tế đắp chăn, ngồi bên cạnh chăm sóc giấc ngủ cho những trẻ em đủ sắc tộc.
Nhưng tại sao tiết mục này lại khiến những người Việt ngồi cùng bàn với chúng tôi thật sự cảm động? Đó là trong số những người Việt xa xứ cùng xem với chúng tôi có nhiều người đến Anh bằng con đường bất hợp pháp. Họ sống mà không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Nếu bị bệnh nhẹ thì còn có thể lướt qua, nhưng gặp phải bệnh nặng hay bị tai nạn bất ngờ phải cần đến bệnh viện thì thật gay go. Tuy nhiên, hệ thống y tế của Anh có một nguyên tắc rất hay: đó là cứu người trước tiên bất kể hoàn cảnh, địa vị hay màu da của bệnh nhân.
Một anh bạn trong bàn quê ở Thanh Hóa kể anh đã vay mượn một số tiền khá lớn để đến Anh bằng con đường bất hợp pháp. Không may, hai tháng sau khi đến Anh, anh bị tai nạn khá nặng trên đường từ nơi làm việc trở về nhà. Chiếc xe tông anh bỏ chạy mất và anh được một người đi đường tốt bụng đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ không biết anh ở đâu, làm nghề gì vì anh không có bất kỳ giấy tờ nào trong người. Tuy nhiên, họ vẫn cứu chữa tận tình đến khi anh hoàn toàn khỏe mạnh mà không một lần hỏi anh có tiền đóng viện phí không. Họ cũng không báo cảnh sát hay cơ quan chức năng là đang cứu chữa một bệnh nhân không có giấy tùy thân trong người. Tất cả những gì họ làm là giúp anh hồi phục.
Anh bạn trên ứa nước mắt khi kể lại câu chuyện xảy ra cách đây đã hơn hai năm. Anh tâm sự do từng được tái sinh nhờ hệ thống y tế tuyệt vời ở Anh nên anh đã cảm nhận đầy đủ và sâu sắc màn trình diễn ca ngợi NHS.
DUY BÌNH (từ London)
“Sô diễn tuyệt vời nhất” Lễ khai mạc Olympic London do đạo diễn nổi tiếng Danny Boyle viết kịch bản đã được giới truyền thông nước Anh ca ngợi là “sô diễn tuyệt vời nhất” từ trước đến giờ. Hãng tin Euro Sport viết: “Lễ khai mạc tuyệt vời nhất từ trước đến giờ”. Tờ The Guardian bình luận: “Đêm của điều kỳ diệu”. Báo điện tử Telegraph cũng nhận định: “Siêu lễ khai mạc”. Báo chí thế giới cũng nhận định buổi lễ này ấn tượng nhất trong nhiều năm trở lại đây, giống như một bộ phim hoành tráng và “không thể hoàn hảo hơn”. Trên các diễn đàn dành cho người hâm mộ, rất nhiều ý kiến đã hết lời tâng bốc tài năng của đạo diễn Danny Boyle. Joel Taylor viết trên Twitter: “Hoan hô Danny Boyle. Ông đã làm buổi lễ khai mạc thật tuyệt vời và mang đến sự tự hào cho đất nước”. Cựu thủ quân đội tuyển Anh David Beckham đóng vai trò như người lái canô trong buổi lễ khai mạc nói với Hãng tin BBC: “Tôi tự hào khi có mặt ở đây và được góp phần trong buổi lễ khai mạc tuyệt vời này”. Còn nhạc sĩ, đạo diễn Trọng Đài khẳng định: “Tôi chỉ có thể dùng hai từ “quá hay” để nói về lễ khai mạc Olympic London. So với các kỳ Olympic trước, lễ khai mạc Olympic London 2012 đã tháo bỏ toàn bộ những môtip đồng diễn hoành tráng tại các lễ khai mạc trước đây. Danny Boyle đã mang đến cho người xem sự sáng tạo vô cùng thông minh của người Anh bằng một cách thể hiện riêng vô cùng đặc sắc giữa hiện thực sân khấu, dàn dựng hình ảnh tư liệu để quảng bá tất cả những gì là đặc sắc của người Anh như: văn học, điện ảnh, âm nhạc...”. B.N. - K.XUÂN
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận