Các em học sinh được nhận học bổng Phan Châu Trinh sáng 24-3-2016 - Ảnh: Tự Trung |
Đó là những nhắn nhủ đáng nhớ của GS Pierrre Darriulat - một trong bốn nhân vật được trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh năm 2016.
10 năm, chín lần trao giải thưởng Phan Châu Trinh, sự nghiêm túc, uy tín, giá trị của giải không chỉ đến từ những gương mặt xuất sắc được chọn. Không mâm cao cỗ đầy, mỗi buổi trao giải được ví như một buổi “dạ tiệc văn hóa” luôn đầy ắp các nhà trí thức và các bạn trẻ say mê với tri thức.
Những góp ý tâm huyết
Tối 24-3, những tràng vỗ tay vang lên từng đợt trong khán phòng lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 9. tại khánh sạn Rex, Q.1, TP.HCM.
Không chỉ vì những tên tuổi đã lừng danh trong giới khoa học như các giáo sư Trịnh Xuân Thuận, Nguyễn Ngọc Lanh, Đào Hữu Dũng, Peter Zinoman, tiếng vỗ tay nồng nhiệt nhất là dành cho những phát biểu thẳng thắn theo phong cách thường thấy của giáo sư Pierre Darriulat:
“Chúng ta phải xem xét lại cần loại đại học nào để phục vụ tốt nhất cho lợi ích dân tộc. Chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến hướng nghiệp, xác định sự cân bằng tỉ lệ giữa các ngành nghề... Không có lý do gì để tiếp tục lãng phí nhiều tiền của vào việc gửi người ra học nước ngoài, theo đó là duy trì việc chảy máu chất xám. Dành số tiền này để hỗ trợ cho người trong nước với quyết tâm thay đổi sẽ tốt hơn nhiều”.
Khó nghĩ rằng những góp ý tâm huyết và xác đáng cho giáo dục VN ấy lại là của một giáo sư vật lý thiên văn và hạt nhân, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pháp. Lấy vợ VN, sống ở Hà Nội 16 năm, say mê nghiên cứu và hướng dẫn các sinh viên, nghiên cứu sinh VN, thẳng thắn và nhiệt huyết góp ý để chỉnh sửa lại tư duy, quan điểm, thái độ với khoa học, giáo dục, giáo sư Pierre Darriulat đã coi mình là người VN thật sự.
Nghe những góp ý của ông ngay trong diễn từ nhận giải thưởng Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục, hiểu được vì sao nhà văn Nguyên Ngọc - chủ tịch Hội đồng khoa học Quĩ Văn hóa Phan Châu Trinh đã cảm ơn: “việc ông vui lòng nhận giải đem lại vinh dự lớn cho Giải và cho Quỹ”.
Bà Nguyễn Thị Bình tâm đắc: “Các nghị quyết của chính phủ nhiều năm nay đều đặt giáo dục, khoa học, công nghệ làm quốc sách hàng đầu. Trong các gia đình, việc học hành của con cái luôn là mối quan tâm quan trọng nhất. Vậy là rất đúng, rất trúng, chỉ cần thực hiện bằng những cách thật tiến bộ và hiệu quả nữa thôi”.
Chúng ta phải xem xét lại cần loại đại học nào để phục vụ tốt nhất cho lợi ích dân tộc. Không có lý do gì để tiếp tục lãng phí nhiều tiền của vào việc gửi người ra học nước ngoài, theo đó là duy trì việc chảy máu chất xám. |
Không chỉ có Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mà bà làm chủ tịch, Đại học Phan Châu Trinh (TP.Hội An, Quảng Nam), Đại học Hoa Sen (TP.HCM) cùng nhiều trường học khác đều đã xác định rõ tôn chỉ, mục đích:
“Đào tạo cho đất nước những con người có tri thức toàn diện và khả năng chuyên môn vững chắc, có năng lực hành động thành công trong đời sống hiện đại, tư duy độc lập, ý chí tự do mạnh mẽ, trung thực và tinh thần trách nhiệm cao với xã hội”.
Tiếp bước
Thắp nén hương trước mộ cụ Phan, các em học sinh được nhận học bổng hôm nay đã nhớ lời dặn chí tình: "Chi bằng (việc) học" của cụ Phan - Ảnh: Tự Trung |
Trước đó, cùng ngày, lễ giỗ lần thứ 90 của chí sĩ Phan Châu Trinh được tổ chức ấm cúng, giản dị ngay tại nơi 90 năm trước, hàng vạn người Sài Gòn đã tiễn ông về nơi an nghỉ.
Không đến được vì lý do sức khỏe, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó chủ tịch nước, người cháu ngoại xuất sắc của cụ Phan gửi đến bài phát biểu tâm huyết.
Trước mộ cụ, lời cam kết của bà được đọc: “Phát hiện của ông cho vận mệnh dân tộc, tư tưởng về giải phóng và phát triển của ông thật đúng đắn và sáng suốt nhưng đã phải bị dở dang. Hẳn ông đã ra đi không yên lòng. Một trăm nghìn người ở Sài Gòn, hàng triệu người trên khắp nước, 90 năm trước trong ngày quốc tang vĩ đại mà họ đã tạo nên, đã hiểu sâu sắc điều đó, và hẳn đã muốn thể hiện tâm nguyện đảm nhận sự nghiệp vị tiền bối kính yêu để lại. Chúng ta hôm nay, 90 năm sau, trong tình hình đất nước ngày nay, chúng ta muốn kính thưa với hương hồn ông: Vâng, chúng tôi xin tiếp tục đảm nhận”.
Bà Nguyễn Thị Bình: "Chúng tôi tiếp tục đảm nhận sự nghiệp khai dân trí..." - Ảnh: P.Vũ |
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi trước đó, bà tâm sự: “Cụ Phan mất trước khi tôi ra đời một năm. Không được gặp, nhưng những người đồng chí, bạn bè của cụ và gia đình luôn nhắc nhớ về quan điểm “Khai dân trí” mà cụ theo đuổi cả đời.
Tôi có may mắn được là hậu duệ của cụ, lại thêm một may mắn nữa: có điều kiện được đi nhiều, trải nghiệm nhiều trong quá trình tham gia kháng chiến, làm việc trong ngành ngoại giao, giáo dục, chính phủ để chiêm nghiệm. Hiện thực rành rành trước mắt: nước ta thua sút các nước bạn chính là thua về dân trí, lạc hậu về văn hóa”.
Hôm nay, bà khẳng định lại một lần nữa, mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp của Phan Châu Trinh mà bà cùng những người đồng chí hướng với mình cam kết đảm nhận: “Ông đã đặt độc lập dân tộc trong phát triển dân tộc. Có thật sự phát triển thì mới có thể thật sự độc lập. Độc lập mà không phát triển thì không thể vững chắc, sẽ luôn chông chênh và hiểm nguy.
Phan Châu Trinh là một trong những người tiên phong nhận ra cuộc toàn cầu hóa. Thế giới đã rộng mở mênh mông, và chúng ta, đất nước, dân tộc ta từ nay nhất thiết phải sống trong thế giới đó, cùng nhịp bước, cùng phát triển trong thế giới đó”.
Muộn, càng phải bước
Nhà văn Nguyên Ngọc đang trao giải Vì sự nghiệp Văn hóa giáo dục cho GS Pierre Darriulat - Ảnh: L. Điền |
Lễ giỗ 90 năm của cụ Phan, buổi sáng, quĩ khuyến học Phan Châu Trinh trao tặng 50 suất học bổng cho các em học sinh trước mộ cụ, báo cáo thành quả 16 năm nỗ lực mang lời khuyên “chi bằng việc học” của Phan Châu Trinh đến các em học sinh cả nước.
Buổi tối, tại lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, GS Pierrre Darriulat tiếp tục nối dài những tư tưởng của ông: “Thế giới quanh ta đang liên tục thay đổi, nhanh hơn nhiều so với trước đây. Chúng ta cần đào tạo nên những công dân trẻ có trách nhiệm, những người nhìn ra thế giới với con mắt mở rộng, những người có chính kiến, thích ứng nhanh với môi trường mới; những người có thể bác bỏ những giáo điều, có khả năng chiến đấu chống lại sự trì trệ, quan liêu, bảo thủ, những người biết nổi giận khi chứng kiến những điều trái tai gai mắt đi ngược với đạo đức xã hội; những công dân có thể thay đổi luật lệ điều hành xã hội khi thế giới quanh ta đòi hỏi...”.
Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định tư tưởng Phan Châu Trinh vượt trội so với đương thời, nhưng đợi mấy mươi năm để nhắc lại vẫn là quá muộn. Nhưng muộn thì càng phải nhắc, phải nhớ, phải thực hiện, như Phan Châu Trinh đã đoan quyết: “Trách nhiệm này là của tôi, quyết không nhường cho ai cả”.
Xây dựng những chủ nhân tự do, sáng tạo Cùng với cộng sự là những nhà ngoại giao, nhà giáo dục, nhà văn hóa nổi tiếng về tâm huyết với đất nước, đau đáu với thời cuộc và rực lửa cống hiến, dấn thân, bất chấp tuổi tác: giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn... bàn lập ra Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh với tuyên bố: “Tương lai nước Việt phụ thuộc vào khả năng của chúng ta trong xây dựng một nền văn hóa phát triển với những chủ nhân tự do, sáng tạo, trí tuệ ngang tầm thế giới”. Chọn sứ mệnh: du nhập, phục hưng, khởi phát, khai sáng, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa nhân loại, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh lập Tủ sách tinh hoa văn hóa thế giới, trao giải thưởng Sách hay, giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, hỗ trợ các công trình nghiên cứu, sáng tạo văn hóa, lập Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại (trên mạng - PV)... Trải qua 10 năm hoạt động, quỹ bền bỉ với phương châm “khai dân trí” bằng việc vinh danh những tác giả đã nghiên cứu, giảng dạy, dịch thuật, cống hiến không mệt mỏi và không vụ lợi cho sự nghiệp văn hóa - giáo dục - khoa học Việt Nam với tinh thần khai phóng, trung thực, vì cộng đồng; chọn xuất bản những tác phẩm kinh điển về triết học, giáo dục, pháp luật... đã từng góp phần hình thành tư tưởng, xã hội của những dân tộc văn minh, đất nước tiến bộ nhất thế giới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận