Bác sĩ Nguyễn Đỗ Anh, trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết mỗi tháng khoa tiếp nhận từ 40 - 60 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.
Nhồi máu cơ tim đến bệnh viện tốt nhất trong 6 giờ
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thống kê cho thấy có 30 - 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến trong thời gian vàng, còn lại 50 - 70% đến muộn nhất là sau 12 giờ kể từ khi xảy ra cơn nhồi máu cơ tim nên cơ tim bị tổn thương, hủy hoại vĩnh viễn.
Trong những trường hợp này, cho dù có tái thông can thiệp mạch vành thì hiệu quả hạn chế và để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khòe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân.
"Điều quan trọng là bệnh nhân cần nhập viện càng sớm càng tốt, còn trong thời gian vàng để tái thông mạch vành cứu cơ tim sống sót, tốt nhất là trong vòng 6 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng", bác sĩ Đỗ Anh nhấn mạnh.
Nếu bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến sớm, trong giờ vàng (dưới 12 giờ kể từ khi đau ngực) thì tỉ lệ tái thông thành công động mạch vành và cứu sống bệnh nhân từ 95 - 99%.
Còn nếu bệnh nhân đến muộn, cơ tim bị tổn thương hoại tử nhiều, nhập viện trong bệnh cảnh sốc tim hoặc ngừng tim thì tỉ lệ tử vong có thể lên đến 50 - 70% tùy tình huống lâm sàng cụ thể.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và Lồng ngực TP.HCM, cho biết nhiều người dân Việt Nam chưa biết được những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.
Có trường hợp người chồng bị đau ngực 3 lần vào buổi tối nhưng người vợ lại chỉ nghĩ chồng bị đau dây thần kinh liên sườn, mua salonpas về dán, sau đó người chồng đã tử vong.
"Nếu trường hợp này được đưa vào bệnh viện ngay khi xuất hiện cơn đau đầu tiên, bác sĩ có thể đặt stent để cứu sống bệnh nhân", TS Hoài Nam khẳng định.
Trong bệnh viện bác sĩ Hoài Nam đang quản lý, 1-2 tuần lại có người bị nhồi máu cơ tim đến cấp cứu. Phần lớn các trường hợp đã tử vong trước khi nhập viện, một số trường hợp bị ngưng tim khi nhập viện, chỉ một số ít trường hợp được cứu sống.
Nhầm lẫn nhồi máu cơ tim với đau dạ dày
PGS Hoài Nam cho biết có đến 85 - 90% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có biểu hiện đau ngực trái, đau dữ đội, lan ra cánh tay bên trái, đau vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tăng ở giai đoạn đầu và giảm ở giai đoạn sau.
Cơn đau này kéo dài từ 10 -15 phút, sau đó sẽ diễn tiến theo hai hướng. Hướng thứ nhất theo diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân đau nhiều, có thể ngất. Hướng thứ 2 là giảm dần và có những cơn đau sau đó, có thể bị đi bị lại.
Tùy bệnh nhân, có bệnh nhân xuất hiện cơn đau ngay, có bệnh nhân sau vài ngày hoặc tuần sau mới xuất hiện.
Có từ 5 - 10% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có cơn đau không điển hình như đau vùng thượng vị, làm cho bệnh nhân chủ quan và ngay cả thầy thuốc cũng chủ quan trong việc chẩn đoán và điều trị. Thầy thuốc cũng có thể nhầm lẫn nhồi máu cơ tim với đau dạ dày. Đây là nhồi máu cơ tim thể dưới cơ hoành.
Sau nhồi máu cơ tim người bệnh sẽ có những biến chứng nặng nề như có thể đưa đến tử vong hay còn gọi là đột tử. Ngoài ra, còn những biến chứng như suy tim cấp, hoại tử cơ tim, hoại tử và tổn thương vách liên thất, vỡ tim, đột tử.
Muốn được chẩn đoán phát hiện sớm bệnh nhồi máu cơ tim cần phải đi khám bác sĩ tim mạch định kỳ từ 3-6 tháng, đối với nam trên 50 tuổi và nữ trên 55 tuổi.
Khi đó, bác sĩ có thể sẽ cho người bệnh siêu âm tim, làm các biện pháp về mạch vành nhằm phát hiện những người có nguy cơ cao. Khi bị đau ngực trái, nhẹ, kéo dài 2-3 phút cũng cần lưu ý. Lúc đó, người bệnh nên được nghỉ ngơi ngay, nên được đo điện tim, đưa đến cấp cứu tại những bệnh viện có chuyên khoa tim mạch.
Những nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp gồm có do xơ vữa động mạch, gây tổn thương thành mạch máu, từ đó tạo ra các cục máu đông tại chỗ, gây tách mạch nhất là những nhánh của động mạch vành lớn, bệnh nhân tử vong do tổn thương cơ tim.
Những người có yếu tố nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim là do di truyền. Trong nhà mà có người nhồi máu cơ tim thì những người con cũng có khả năng bị nhồi máu cơ tim. Những người tuổi trên 50, có những người trẻ vẫn bị nhồi máu cơ tim nhưng không nhiều.
Những người bị béo phì, tiểu đường type 2, xơ vữa động mạch, cao huyết áp mà không điều trị tốt, có cơn đau thắt ngực không ổn định, hút thuốc lá nhiều.
Trong những yếu tố nguy cơ này có một số yếu tố nguy cơ có thể "sửa được" là điều trị tốt những bệnh như tiểu đường, xơ vữa động mạch, béo phì, cao huyết áp, bỏ thuốc lá. Còn những yếu tố không "sửa được" là di truyền, tuổi cao.
Theo PGS Hoài Nam, trong thực tế điều trị ông thấy những người thường ăn nhiều, phải tiếp khách nhiều, chế độ ăn nhiều thịt cá, ít rau, ít vận động và dễ béo phì, cao huyết áp, từ đó dễ bị nhồi máu cơ tim. Nhiều người trong số này cũng ít chú ý đến việc khám sức khỏe định kỳ.
Nhồi máu cơ tim cấp có thể xảy ra dưới 3 bệnh cảnh
Theo bác sĩ Đỗ Anh, nhồi máu cơ tim cấp có thể xảy ra dưới 3 bệnh cảnh:
1. Bệnh xảy ra đột ngột trên một người hoàn toàn không có triệu chứng đau ngực gì trước giờ, gây bất ngờ cho người thân và bệnh nhân.
2. Bệnh có thể có triệu chứng cảnh báo trước hằng giờ, hằng ngày, hằng tuần bằng các dấu hiệu như:
• Cơn đau thắt ngực: Người bệnh có cảm giác đau tức, đè nặng trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái, mức độ nặng, xảy ra khi ngồi nghỉ, kéo dài trên 15 phút, đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay trái. Trong cơn đau có kèm mệt, khó thở, vã mồ hôi hoặc ngất xỉu, đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc nitrate.
• Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường có thể không có triệu chứng đau ngực, nhưng có triệu chứng tương đương là khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp < 90/60.
3. Một số trường hợp xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngừng tim đột ngột dẫn đến đột tử ngay tức thì khi vừa xảy ra, gây sốc cho người thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận