30/11/2005 17:39 GMT+7

Tiếng thở dài với Cánh đồng bất tận

ĐỖ HỒNG NGỌC
ĐỖ HỒNG NGỌC

TT - Không chỉ nhận được những lời khen, Cánh đồng bất tận còn mang đến một sự tiếc nuối... Và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã "thở" một tiếng dài, khi ngọn gió phương Nam mát rượi bỗng trở thành cơn lốc xoáy...

zYxTdaOz.jpgPhóng to
TT - Không chỉ nhận được những lời khen, Cánh đồng bất tận còn mang đến một sự tiếc nuối... Và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã "thở" một tiếng dài, khi ngọn gió phương Nam mát rượi bỗng trở thành cơn lốc xoáy...

Tôi nhớ hình như đó là một bài hát của Trịnh Công Sơn. Không hiểu tại sao tôi chợt nhớ đến nó khi đọc những trích đoạn Cánh đồng bất tận trên Tuổi Trẻ.

Tôi im lặng như nhiều bạn đọc cũng im lặng vì biết mình là “người ngoại đạo”, chỉ dám dựa cột mà nghe, khi quanh tác phẩm là những lời khen ngợi của giới văn học, của những người có thẩm quyền, coi như một hiện tượng hiếm có của một nhà văn, nhất là một nhà văn nữ, trẻ, đầy hứa hẹn của đất phương Nam khi từ bỏ lãnh địa quen thuộc của mình lao vào một cõi đất mới, một cánh đồng bất tận toàn cầu hóa: cái dục, cái ác, cái xấu, cái phần “con” trong mỗi con người!

Tôi như cảm thông sâu sắc với người cha của Nguyễn Ngọc Tư (NNT) khi ông đọc bản thảo của con mình đã im lặng... NNT của ông đã là một cơn gió mát rượi của đất phương Nam bỗng trở thành cơn lốc, xoáy lên, chướng lên trên cánh đồng bất tận thì ông đành phải im lặng và giấu sau đó là một tiếng thở dài.

Tiếng thở dài rất nhẹ mà tôi ngờ rằng một người rất nhạy cảm như NNT cũng có thể đã không nghe thấy, nhưng đó sẽ là một tiếng thở dài bất tận nếu NNT tiếp tục thổi phồng lên, tiếp tục khai thác, tiếp tục tô đậm phần “con”, phần cái ác, cái xấu, cái sex.

Dĩ nhiên nhà văn có toàn quyền, có quyền chắt mót những đây đó để tô đậm, dồn nén, đóng khuôn thành tác phẩm, nhất là trong trào lưu chung, toàn cầu hóa. Đây chính là con đường mà các nhà văn phương Tây đã đi qua từ đầu thế kỷ trước và hiện nay hình như họ đã khác, họ đã quay ngoặt lại với Phong thần, với Tây du ký (trừ một số phim ảnh, game tiếp tục khai thác bạo lực và sex).

Nhưng hình như bản chất của NNT không thế. Hình như cô đang ráng làm một điều gì đó chỉ để đổi mới mình, ngờ rằng người ta đang ngán ngẩm mình, chán nản mình nên phải làm mới.

Tôi từng đọc và rưng rưng cảm xúc với Người nhà quê, một viết ngắn của NNT trên báo Tuổi Trẻ dạo nọ. Người nhà quê NNT sâu sắc đến vậy, làm cho những người nhà quê trong mỗi chúng ta phải cảm động, ray rứt, giật mình, cứ muốn được quê mãi như thế, dù trên đà hội nhập. Nhưng khi đọc Cánh đồng bất tận tôi lại thấy một dạng luận đề, nhà văn muốn nói lên một điều gì đó, muốn nhân danh cái gì đó, dàn xếp cái gì đó, tô đậm cái gì đó rồi dùng văn chương của mình để đúc khuôn nó lại.

Cô rất dễ có được những sự trầm trồ, bù lại độc giả bình thường thân thiết của cô, những người như tôi, cảm thấy tiếc nuối, hụt hẫng, cảm thấy như mình đã mất đi, một niềm tin chẳng hạn. Dĩ nhiên xấu và tốt đan xen trong cõi người ta, nhà văn có quyền dòm bên xấu hay dòm bên tốt hay chạy qua chạy lại dòm cả hai bên để tô đậm thì tùy, nhưng độc giả có quyền của độc giả: im lặng thở dài!

Nhưng NNT vẫn là NNT. Tôi tin vậy. Cô chỉ “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” thế thôi...

ĐỖ HỒNG NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên