![]() |
Cô đào trẻ Võ Thị Hòa đang hát theo tiếng đàn đáy của thầy kép Hải |
Trong đêm khuya, tiếng đàn đáy bộc lộ tâm trạng nhớ bạn ca trù lắng vọng qua cánh đồng như một thanh âm là lạ.
Tuổi thơ mê đàn hát
Năm 14 tuổi, mỗi khi cùng mẹ đi làm ruộng về, cậu bé Hải ngơ ngẩn đứng xem thầy kép Quang dạy đàn, hát cho cha và các đào. Đợi lớp học nghỉ trưa, Hải lén cầm đàn chơi. Chơi quen rồi hát, đến nỗi thầy kép Quang phải trầm trồ: “Lạ, cậu này không thấy tập tành gì mà đánh đàn hay, hát cũng hay”.
Mỗi mùa tết, gánh hát của ông Trần Hai (thân sinh cụ Trần Hải) lên đường đi hát khắp mạn trung du, miền biển đến cuối tháng ba mới về, kết thúc một đợt đi diễn ca trù. Lúc này kép Hải đã biết theo cha hầu đàn cho các đào hát. Đào hát kiểu nào Hải đánh kiểu đó, tùy điệu múa dinh rượu (chúc rượu các cụ già) hay múa lắc xinh (múa quạt).
Khi cần, kép Hải còn kéo cả nhị và hát đủ điệu ca nam, xẩm, mẹ ru con, đưa thư, tì bà... Tuy thuộc gánh tiểu hàng (gánh hát nhỏ) nhưng riêng kép trẻ Trần Hải được chín phường ca trù của xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) thời đó kiêng nể vì là người chơi đàn đáy ca trù hay nhất. Năm 1946 ông Trần Hai qua đời. Làng Diễn Liên tiêu thổ kháng chiến. Gánh hát tan vỡ.
Cụ Hải nhớ lại: “Bẵng đi mấy chục năm trời, sau năm 1975 thi thoảng có mấy chú trong Sở Văn hóa - thông tin đưa xe con ra đón tôi với vài bà đào đi hát phục vụ các ngày lễ lớn. Bắt đầu từ đó ca trù mới có không khí sống lại”.
Chiếc đàn đáy đã hơn 100 năm là tài sản duy nhất trong căn nhà dột mái của cụ Trần Hải ở xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Còn cụ Hải năm nay đã 97 tuổi. Với “giọng hát như xưa” từ cây đàn ấy mà cụ vừa được Hội Văn nghệ dân gian VN tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian đàn đáy ca trù” cùng 11 nghệ nhân thuộc các lĩnh vực khác trong cả nước. |
Nhiều đêm nằm một mình trong căn nhà trống vắng, cụ Hải nghĩ “ca trù đang có nguy cơ bị mất dần. Nếu không đi sưu tầm và hướng nghiệp cho vài anh kép trẻ, tập hát cho những o đào mới thì không còn ca trù nữa”.
Lúc đầu cụ lọ mọ chống gậy đi khắp làng mời họ về nhà tập. Mỗi làng cử một người đến học. Nhưng học được vài bữa ai cũng lắc đầu rồi tìm cách rút lui. Không chịu bó tay, “tôi mang đờn đến từng nhà tập cho từng người. Sau hai năm, bốn o đào, một anh kép đã thành lập được một gánh ca trù vững vàng, lúc đi hát, lúc đi dạy cho các xã khác trong huyện”.
Biết tôi muốn được nghe giọng một cô đào mới, cụ Hải bảo: “Chú ngồi chờ, tôi vô xóm gọi o Hòa nhé. O này hát sắc giọng lắm”. Gặp tôi, Hòa rụt rè: “Em là con gái nhà nông, được cụ “sưu tầm” đợt một, cách đây tám năm. Lúc đầu em không hứng thú lắm nhưng có lẽ do tâm hồn em hợp với chất liệu trầm buồn hồn nhiên của ca trù nên tò mò thử xem. Hơn nữa lại thấy cụ Hải nhiệt tình với lớp trẻ quá nên dù khó mấy em cũng theo học khỏi phụ công thầy. Không ngờ mình cũng hát được ca trù”.
Bây giờ CLB ca trù xã Diễn Liên có 14 người, gồm hai kép, hai trống và 11 cô đào. Từ Diễn Liên đã có thêm bốn CLB khác ở Diễn An, Diễn Yên, Diễn Mỹ, Diễn Hoa. Mỗi xã một CLB gồm một kép, ba đào “có thể làm vui làng vui xóm mỗi khi gánh hát được mời đi phục vụ lễ mừng thọ, mừng công”.
Hòa kể: vừa rồi, dịp kỷ niệm 240 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), thầy kép Hải dẫn đoàn gánh hát đi phục vụ. Bằng tiếng đàn đáy cổ kính và những làn điệu ca trù mà thầy kép còn nhớ đến từng âm sắc, cụ Trần Hải đã làm bao đoàn nghệ thuật khác phải nghiêng ngửa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận