31/03/2011 04:40 GMT+7

Tiến sĩ đầu tiên về "Ba sẵn sàng"

MY LĂNG - ĐỨC BÌNH
MY LĂNG - ĐỨC BÌNH

TT - Tiến sĩ Phạm Bá Khoa (giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ VN) là người đầu tiên làm luận án tiến sĩ về “Phong trào thanh niên thủ đô trong kháng chiến chống Mỹ, 1965-1975” và có hẳn một chương dành riêng cho phong trào “Ba sẵn sàng” (hồ sơ Ký ức “Ba sẵn sàng”, đăng trên Tuổi Trẻ từ ngày 26-3-2011).

fDeWukn4.jpgPhóng to
Tiến sĩ Phạm Bá Khoa - Ảnh: Đức Bình

Ông giải thích lý do quan tâm đặc biệt đến phong trào này:

- “Ba sẵn sàng” là một dấu son chói lọi trong phong trào của thanh niên thủ đô và miền Bắc nói chung. Phong trào đã thu hút được hàng triệu thanh niên tham gia một cách tự nguyện, náo nức và rất trong sáng, vô tư. Họ, những người tuổi đời còn rất trẻ, đã xung phong đi đến bất cứ nơi nào Tổ quốc cần, làm bất cứ việc gì Tổ quốc yêu cầu và thà chết nơi trận mạc để bảo vệ đất nước chứ nhất định không chịu ở nhà.

Thông qua việc nghiên cứu về phong trào này, tôi muốn góp phần tái dựng hình ảnh 50 năm trước để thổi sinh khí vào cuộc sống của thanh niên 8X, 9X hiện nay, làm sao để quá khứ đó, truyền thống hào hùng, oanh liệt đó sống lại trong cuộc sống hiện tại, làm chỗ dựa cho hiện tại và tương lai.

* Theo ông, tại sao phong trào “Ba sẵn sàng” lại có sức sống mãnh liệt và kỳ diệu như thế?

Đầu năm 2002, Phạm Bá Khoa bắt đầu tìm tư liệu về phong trào Ba sẵn sàng, càng gần về cuối (năm 2007) mới có đầy đặn tư liệu hơn. Năm 2007 anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

- Cán bộ thành ủy, thành đoàn ngày ấy đã rất nhanh nhạy và sâu sát với thanh niên nên nắm bắt được thực tế nguyện vọng, hoài bão và lý tưởng của thanh niên khi đó: muốn được lên đường ra trận chiến đấu.

Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn, Hội, Đội có cách làm, cách tuyên truyền rất nhanh nhạy, thiết thực và hiệu quả. Sự đồng thuận của xã hội, sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước đã làm cho từ trẻ em đến người già đều hiểu về phong trào chứ không chỉ có thanh niên.

* Hình ảnh nào làm ông ấn tượng nhất trong quá trình thu thập tư liệu cho luận án?

- Khi lục tìm những bức huyết thư ở Bảo tàng Lịch sử quân sự VN hay trong kho lưu trữ của các thư viện, nhìn những nét chữ bằng máu đã khô, tôi xúc động nhớ lại cảnh sân đình, sân làng, sân xã nườm nượp thanh niên xung phong ghi tên để được ra chiến trường. Nhìn những câu chữ trong các bức huyết thư ấy, tôi hình dung rõ tâm trạng họ viết thư khi đó: viết trong sự thôi thúc quyết liệt của một người trẻ yêu Tổ quốc muốn được ra trận ngay, viết trong sự căm thù. Tất cả thể hiện ra ngòi bút, nét chữ nguệch ngoạc, không thẳng dòng từ máu từ tim.

Trong quá trình thu thập hình ảnh, có những lúc tôi coi ảnh xong và trầm ngâm rất lâu vì như thấy quá khứ trở về và vì những điều bình dị nhưng lớn lao của con người VN. Tôi rất ấn tượng với bức ảnh một nữ dân quân tên Hiếu - công nhân của một nhà máy, ngồi trên mâm pháo, đầu đội khăn tang (bố và anh trai bị trúng bom), mắt dõi theo hướng máy bay qua nòng súng. Hình ảnh người con gái VN của “Ba sẵn sàng” kiên cường, mạnh mẽ với một ý chí, tinh thần tất cả vì đất nước.

Hay như hình ảnh các nữ y tá, bác sĩ cứu những người bị sập hầm ở Bệnh viện Bạch Mai trong cảnh đổ nát, hoang tàn, khói bom còn nghi ngút. Vậy là bom vừa nổ xong đã có mặt y bác sĩ ở đó. Họ bám trụ lại bệnh viện chứ không rời bỏ bệnh nhân. Điều đó cho thấy đội ngũ thanh niên luôn có mặt trong những tình huống khó khăn nhất, nguy hiểm nhất.

* Có sự tương đồng nào giữa thanh niên của gần 50 năm trước đây và bây giờ không, thưa ông?

- Thanh niên ở mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước đều có lý tưởng với cách thể hiện khác nhau. Lý tưởng của thanh niên lúc đó rất rõ ràng, dứt khoát: cả nước ra chiến trường, họ không thể ở nhà. Không ai đứng ngoài và không ai muốn đứng ngoài. Họ ra đi hoàn toàn trong sáng, tự giác, tự nguyện và với một khát khao cháy bỏng: được cống hiến cả sự sống, thân xác cho Tổ quốc.

Thanh niên ngày nay có tố chất tự nguyện, tự giác, dũng cảm, dám hi sinh, mẫn cảm với thời cuộc và tự tin. Đó là thế mạnh, là tài sản rất lớn cho cả dân tộc vì thanh niên chiếm khoảng 1/3 dân số. Chỉ là vì chúng ta chưa biết cách khơi dậy và phát huy sức mạnh ấy, sử dụng tài sản ấy đúng nhu cầu, đúng lúc, đúng hoàn cảnh.

MY LĂNG - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên