![]() |
Đồng tiền 500.000 đồng |
Cục trưởng Cục Phát hành kho quĩ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) Nguyễn Hữu Lương đã nói khi giới thiệu về hai loại tiền giấy mới mệnh giá 50.000đ và 500.000đ sẽ được đưa vào lưu thông từ ngày 17-12 tới.
Đó cũng là lý do mà NHNN lựa chọn chất liệu polymer để in tiền. Trưởng phòng thiết kế mẫu tiền (Cục Phát hành kho quĩ - NHNN) Trần Tiến cho biết polymer là chất liệu duy nhất cho phép tạo những “cửa sổ” (khoảng trong suốt trên đồng tiền) - yếu tố có thể làm “bó tay” tất cả những loại thiết bị sao chụp tinh vi nhất cho đến nay.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc sử dụng các thiết bị sao chụp để làm tiền giả chỉ có thể áp dụng với các loại tiền được in trên chất liệu giấy cotton truyền thống. Với trình độ công nghệ sao chụp, in ấn hiện nay, cho dù các chuyên gia đã áp dụng nhiều biện pháp chống làm giả, tiền in trên giấy cotton vẫn bị làm giả rất nhiều. Và không ít loại tiền giả đã “qua mặt” cả hệ thống đèn tia cực tím, vốn được coi là hữu hiệu nhằm phát hiện tiền giả.
Còn với chất liệu mới là polymer này, theo ông Trần Tiến, “các thiết bị sao chụp, máy in phun, in offset tinh vi nhất cho đến nay cũng chưa thể tạo ra những “cửa sổ” trong suốt như vậy được, chưa kể việc tạo ra những hình dập nổi trong “cửa sổ” đó cũng như tính năng đặc biệt của cửa sổ này - không cứng như mica và không mềm oặt như các loại màng polymer khác”.
Bên cạnh đó, một yếu tố cũng được các chuyên gia tính toán để hạn chế khả năng làm giả là nguyên liệu để sản xuất tiền polymer hiện tại trên thế giới chỉ có duy nhất một nguồn cung là Công ty Securency của Úc.
Yếu tố cuối cùng được các chuyên gia của NHNN tính đến khi lựa chọn chất liệu này là độ bền cao hơn khá nhiều so với tiền hiện tại, không hút ẩm, giữ ẩm. Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy khi giới thiệu về đặc tính này của hai loại tiền mới đã không ngần ngại nhúng ngay tờ tiền mẫu vào cốc nước bên cạnh và khẳng định với giới báo chí: “Chỉ cần lau qua là tờ tiền lại khô như bình thường”. Nếu “tiền bị nhàu có thể làm phẳng bằng cách trải phẳng và ép nhẹ” - các chuyên gia ngân hàng khuyên.
Và điểm duy nhất cần tránh, cũng xuất phát từ đặc điểm về chất liệu của loại tiền mới, là không để tiền polimer gần lửa hoặc nguồn nhiệt cao cũng như không dùng bàn ủi để ủi phẳng tiền vì chất liệu polimer sẽ bị biến đổi định dạng và tính chất khi gặp nhiệt độ cao.
Ngoài ra, trong quá trình thiết kế tiền mới, các chuyên gia của NHNN lần đầu tiên cũng đã áp dụng các đặc điểm nhận dạng tiền dành riêng cho người khiếm thị. Nếu như trước đây người khiếm thị phân biệt các loại tiền chủ yếu thông qua cảm giác về kích thước của mỗi loại tiền, thì đối với những loại tiền mới, việc nhận dạng sẽ thuận lợi hơn nhiều khi mỗi loại đều có những đặc điểm riêng: phía dưới góc trái tờ tiền sẽ là ba chấm hình vuông và một gạch dài nằm dưới (đối với tờ 500.000 đồng), ba chấm hình quả trám (đối với tờ 50.000 đồng) được in lõm tạo độ nổi ở phía dưới góc trái tờ tiền, có thể dùng tay để nhận biết.
Một vấn đề đang đặt ra khi NHNN đưa tiền kim loại vào lưu thông là hệ thống dịch vụ thương mại tự động sẽ được phát triển như thế nào. “Độ bền của tiền kim loại cũng không còn là vấn đề phải lo ngại vì tuổi thọ của nó có thể lên đến 30-40 năm, khả năng sử dụng chất liệu của tiền kim loại vào những mục đích khác cũng được loại trừ vì giá nguyên liệu thu được (ví dụ như sau khi nung chảy đồng tiền) sẽ thấp hơn mệnh giá của đồng tiền đó, vấn đề chỉ còn là triển khai các thiết bị bán hàng tự động như thế nào thôi và điều này phụ thuộc kế hoạch kinh doanh của các DN” - ông Trần Tiến khẳng định.
Theo tin từ Cục Phát hành kho quĩ, việc triển khai xây dựng hệ thống các máy đổi tiền tự động cũng đang được xem xét để có thể tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Còn đối với người dân, việc cần làm trước khi bắt đầu sử dụng tiền kim loại là phải kiếm được những cái ví có ngăn đựng tiền xu nếu không muốn túi quần mình luôn xệ xuống vì sức nặng của những đồng xu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận