06/02/2012 07:24 GMT+7

Tiên Lãng quy định thời hạn giao đất trái luật

XUÂN LONG - THÂN HOÀNG
XUÂN LONG - THÂN HOÀNG

TT - Tiếp sau quyết định số 3756 do UBND huyện Tiên Lãng ban hành ngày 17-10-2008 bị Sở Tư pháp Hải Phòng “huýt còi” vì có tới sáu điều khoản không phù hợp với luật pháp hiện hành, ngày 5-2, phóng viên Tuổi Trẻ tiếp cận thêm một số quy định và văn bản trả lời kiến nghị của người dân có dấu hiệu trái luật.

Xem hồ sơ vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng trên TTO

E4NOtb2I.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) trên vùng đất đầm lầy được gia đình cải tạo thành đất sản xuất nuôi trồng thủy sản - Ảnh: Xuân Long

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ngày 6-10-1993, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng lúc đó là ông Lưu Quang Yên ban hành quy định số 497, trong đó nêu rõ: “Mục đích giao đất để nuôi trồng thủy sản, đối với đất trống mặt nước vùng bãi triều ven biển và các vùng cửa sông - vùng bãi triều nước lợ ưu tiên nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua do phải đầu tư vốn xây dựng cơ bản lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên thời gian giao đất từ 10-15 năm”.

Điều đáng nói, trước thời điểm huyện Tiên Lãng ban hành quy định này có chín ngày, ngày 29-7-1993 nghị định 64 của Chính phủ ra đời và quy định thời hạn giao đất nông nghiệp để trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản là 20 năm.

Với văn bản của huyện Tiên Lãng, theo các chuyên gia về đất đai, đây là điều chưa từng thấy. “Pháp luật của ta chưa bao giờ cho cấp huyện tự quy định về thời hạn giao đất cũng như hạn điền. Thời hạn và hạn điền bao giờ cũng phải theo luật khung, tức là Luật đất đai do Quốc hội thông qua” - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, căn nguyên của việc thu hồi đất không bồi thường tại huyện Tiên Lãng cũng xuất phát từ quy định số 497 của huyện. Cụ thể, điểm 2 tại quy định 497 của huyện Tiên Lãng quy định: “Khi hết thời hạn sử dụng đất, chủ sử dụng đất phải bàn giao lại toàn bộ mặt bằng và các công trình phục vụ sản xuất, vật kiến trúc, xây dựng trong phạm vi đất được giao cho Nhà nước quản lý và sử dụng. Nhà nước không thanh toán giá trị tài sản còn lại cho chủ sử dụng đất đã hết thời hạn”.

Đáng ngạc nhiên hơn, khi hết hạn sử dụng đất, huyện Tiên Lãng có “chủ trương” không xem xét giải quyết giao đất tiếp cho chủ cũ. Ngày 22-6-2007, trong văn bản trả lời đơn đề nghị của các ông Lương Văn Trong (xã Đông Hưng), ông Lương Văn Lá (xã Nam Hưng) về việc xin được giao đất tiếp, ông Phạm Xuân Hoa, trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tiên Lãng, khẳng định sau khi huyện thu hồi đất sẽ giao cho xã quản lý, huyện không xem xét việc giao đất tiếp.

Ông Hoa còn hướng dẫn các hộ dân làm đơn gửi UBND xã đề nghị xã xem xét giải quyết cho, trong khi Luật đất đai quy định chỉ có cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố mới có đủ thẩm quyền giao đất.

* Chiều 5-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đan Đức Hiệp - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường, thanh tra, Công an TP và các sở ban ngành liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra, thu thập tài liệu để làm rõ những vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu liên quan đến việc giao, sử dụng, thu hồi, tổ chức cưỡng chế và việc tài sản bị hủy hoại trong khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn.

Ông Hiệp khẳng định mọi việc đang được tiến hành khẩn trương và đảm bảo tiến độ trước ngày 15-2 sẽ có kết luận của TP về vụ việc. Trả lời về tính nghiêm túc của UBND TP khi báo cáo lần thứ nhất (ngày 17-1) gửi Văn phòng Chính phủ chưa đủ chi tiết, cụ thể và phải báo cáo lại, ông Hiệp giải thích đây là vụ việc phức tạp, xuyên suốt ba đời luật, có hàng chục nghị định và rất nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn nên quá trình rà soát phải cẩn thận và xem xét trong bối cảnh cụ thể.

Theo ông Hiệp, sang tuần tới lãnh đạo TP Hải Phòng sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng.

XUÂN LONG - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên