Vị trí đầu mối giao thông
Nói rõ hơn về những lợi thế của tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Hiếu Lễ - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang - cho biết địa phương có vị trí thuận lợi, cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km, cách TP Cần Thơ - vốn là trung tâm của vùng ĐBSCL chỉ khoảng 100km nên rất dễ dàng kết nối với các địa phương.
Đặc biệt, Tiền Giang đóng vai trò như một điểm trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh vùng ĐBSCL với TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ cả về đường thủy và đường bộ.
Về đường bộ, tỉnh có khoảng 8.770km. Trong đó có tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ với tổng chiều dài khoảng 130km. Ngoài ra có 4 tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh Tiền Giang gồm quốc lộ 1, quốc lộ 30, quốc lộ 50 và quốc lộ 60 nên rất thuận lợi trong việc kết nối giữa các tỉnh, vùng lân cận.
Về đường thủy, tỉnh Tiền Giang có hơn 1.000km. Trong đó, có 6 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài hơn 213km và 106 tuyến đường thủy nội địa địa phương với tổng chiều dài hơn 832km.
Ngoài ra phải kể đến sông Tiền có hiều dài 120km và kênh Chợ Gạo vừa mới được nâng cấp, đầu tư và đưa vào sử dụng đã phát huy lợi thế về giao thông thủy kết nối giữa các tỉnh vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ.
Tỉnh Tiền Giang cũng có 2 tuyến đường hàng hải gồm tuyến sông Soài Rạp và Cửa Tiểu rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, thương mại, dịch vụ và du lịch. Tuyến hàng hải quốc tế của tỉnh có thể tiếp nhận được tàu có tải trọng đến 5.000 tấn tại khu bến Mỹ Tho trên sông Tiền.
Tiền Giang trải thảm đỏ đón nhà đầu tư
Ngoài những lợi thế về hạ tầng kết nối giao thông, tỉnh Tiền Giang còn có nhiều lợi thế thu hút đầu tư như hạ tầng khu, cụm công nghiệp luôn sẵn sàng, nguồn nhân lực dồi dào với khoảng trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động (trong đó 54% lao động đã qua đào tạo); ngành nông nghiệp phát triển với diện tích và sản lượng trái cây lớn nhất nước; các chợ đầu mối nông - thủy sản đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến và xuất khẩu; chính quyền thân thiện, năng động và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, tỉnh đặt mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Theo đó, địa phương đã xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển: Ba tâm, Một dải, Bốn hành lang kinh tế.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết với mong muốn thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh, trong thời gian qua, công tác quy hoạch tại tỉnh Tiền Giang luôn được chú trọng.
Đến nay, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tiền đề quan trọng để chào đón các doanh nghiệp đến tỉnh Tiền Giang kinh doanh, đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách khuyến khích xã hội hóa; khẳng định quan điểm nghiêm túc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư về đất đai, thuế, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án theo quy định pháp luật.
Ngày 24-3, Tiền Giang sẽ tổ chức Lễ công bố quy hoạch tỉnh đến năm 2030, dịp này lãnh đạo tỉnh Tiền Giang sẽ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án tỉnh đã thu hút được và trao chủ trương nghiên cứu dự án cho 10 dự án đầu tư đã được nhà đầu tư quan tâm, khảo sát để lập hồ sơ đăng ký thực hiện.
Đồng thời, tỉnh Tiền Giang cũng sẽ giới thiệu danh mục 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư trong năm 2024 thuộc các lĩnh vực như: Phát triển đô thị, khu dân cư (13 dự án), Thương mại, dịch vụ, du lịch (7 dự án), Công nghiệp (12 dự án), Kết cấu hạ tầng: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (5 dự án), Nông nghiệp (3 dự án).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận