05/07/2007 03:48 GMT+7

"Thủy thần" đang nổi giận!

HÙNG ANH - NGỌC DIỆN
HÙNG ANH - NGỌC DIỆN

TT - “Hơn một tháng nay cả xóm này không đêm nào ngủ yên giấc. Lúc nào cũng nơm nớp bị nước cuốn trôi, tai họa ập xuống” - ông Nguyễn Văn Tốt, 84 tuổi, ấp 1, xã An Hóa, huyện Châu Thành, Bến Tre chỉ chúng tôi xem căn nhà trống trơn với nhiều vết rạn nứt lớn ngay trước thềm nhà, nói.

CwRs03Na.jpgPhóng to
Sáng 2-7, nhiều người dân ấp 1, xã An Hóa phải tháo dỡ di dời nhà vì hố sạt lở xuất hiện ngay trước cửa. Trong ảnh: nhân công tháo dỡ nhà bà Huỳnh Thu Hương - Ảnh: H.Anh

Hàng ngàn gia đình ở ĐBSCL cũng đang phải sống trong phập phồng lo lắng vì nạn sạt lở.

Sáng 2-7, chúng tôi đến ấp 1, xã An Hóa ( huyện Châu Thành, Bến Tre) giữa lúc hàng chục gia đình đang hè hụi đập tường, dỡ mái, tháo cột di dời nhà tránh họa sạt lở đang hiện diện ngay trước cửa. Nhiều người đang tháo dỡ căn nhà vách tường, mái lợp tôn của bà Huỳnh Thu Hương vì ngay trước thềm nhà là một hố sạt lở sâu hoắm sóng nước vỗ oàm oạp. Mấy anh công nhân nói: “Chạy thôi, căn nhà này không dời thì chỉ một, hai đêm nữa là rớt xuống sông”.

Nhà đổ ùm xuống sông

Ông Tốt và những bậc bô lão ở ấp 1, xã An Hóa chỉ chúng tôi xem dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy từ sông Ba Lai đổ vào sông An Hóa ra sông Tiền, cho biết nạn sạt lở bờ sông bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2004 và ngày càng nghiêm trọng. Ông Long, một trong những nạn nhân đầu tiên bị “bà thủy” sông An Hóa nuốt mất ngôi nhà, kể: “Ban đêm nghe đất lở xuống sông ầm ầm, sáng ra thế nào bờ sông cũng mất vài thước. Hôm đó mới sáng tui đã thấy một vết nứt to xuất hiện giữa nhà nên mua ximăng về trét lại, chẳng ngờ vết nứt ngày một lớn ra. Bà con xung quanh vội báo với ủy ban xã huy động lực lượng dời đồ đạc ra ngoài, vừa xong thì căn nhà kêu ầm ầm rồi rớt cái ùm xuống sông biến mất, không còn dấu tích”.

Theo khảo sát của UBND xã An Hóa, khu vực sạt lở của sông An Hóa dài hơn 2km kéo dài từ ấp 1 đến ấp 3, ăn sâu vào đất liền gần 30m so với trước năm 2004 với hàng trăm gia đình bị đe dọa nhưng khu vực ấp 1 là nghiêm trọng nhất. Nạn sạt lở đã nuốt chửng hơn 30 căn nhà (trong đó hơn chục căn là nhà lầu kiên cố) ở ấp 1, thiệt hại tài sản của dân lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khu vực sạt lở nguy hiểm còn có nhiều nhà xưởng của bốn doanh nghiệp và một nhà máy cung cấp nước của huyện Châu Thành.

Hiện tại UBND xã đã di dời được 25 gia đình đến nơi an toàn nhưng vẫn còn 37 gia đình phải di dời khẩn cấp vì hố sạt lở nằm ngay trước cửa nhà và sâu bên trong nhiều căn nhà đã xuất hiện những vết nứt đất rất lớn, khả năng rớt nhà xuống sông là khó tránh khỏi. Hơn 30 nhà khác tuy chưa xuất hiện dấu hiệu sạt lở nhưng phải di dời vì UBND xã xác định tất cả đều nằm trong vùng nguy hiểm.

Cây cầu An Hóa trị giá 19 tỉ đồng trên tỉnh lộ 883 nối liền hai huyện Châu Thành, Bình Đại cũng đang trong tình trạng nguy hiểm vì sạt lở, ngành GTVT phải đầu tư 23 tỉ đồng gia cố các trụ cầu từ nhiều tháng qua nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Nơi cũng bị triều cường xâm thực nhiều là tuyến sông Hậu đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh... Tại xã Nhơn Mỹ của huyện Kế Sách (Sóc Trăng), hai năm trước đã xảy ra một vụ sạt lở khá nghiêm trọng kéo xuống sông khoảng 200m đường đan và một số căn nhà ở ấp Mỹ Huề.

Hiện nay, khoảng 1km đường đan còn lại cũng có nguy cơ bị “thủy thần” nuốt chửng vì đất lở đến chân lộ. Anh Phan Văn Dợn ở ấp Mỹ Huề, xã Nhơn Mỹ, cho biết: “Hai năm trước đường đan nằm cách mé sông hơn chục thước, nhưng bây giờ một số nơi dưới mặt đan đất đã sụp gần hết xuống sông. Nếu không có biện pháp chống xói lở ở khu vực này thì không chỉ có đường mà hàng chục nhà dân cũng bị đe dọa”.

Riêng khu vực Mỏ Ó ở xã Trung Bình, huyện Long Phú (Sóc Trăng) do tiếp giáp với biển nên năm nào sóng biển cũng ngoạm vào đất liền 2-3m. Gần 700 hộ dân khu vực này mỗi khi thấy mưa bão đều nơm nớp lo sợ vì không biết những ngôi nhà của họ đang liêu xiêu nơi “đầu sóng ngọn gió” sẽ bị trôi xuống biển lúc nào.

Tại Bạc Liêu, khu vực hạ lưu của các cầu trên tuyến quốc lộ 1A thuộc huyện Giá Rai nằm dọc theo kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau và các cửa sông lớn của huyện Đông Hải, Phước Long... có hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài gần 15km. Trong đó có trên 800 hộ cần được di dời khẩn cấp để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa bão.

Bó tay

Hàng chục ngàn hộ dân cần phải di dời

Tình trạng sạt lở bờ sông hiện đang đe dọa nhiều khu vực ở ĐBSCL, đặc biệt là các địa phương trên tuyến sông Tiền, sông Hậu. Trên sông Tiền, các khu vực sạt lở nặng nề là thị xã Vĩnh Long, thị xã Sa Đéc, khu vực Thường Thới Tiền (Hồng Ngự, Đồng Tháp), khu vực thị trấn Tân Châu, xã Vĩnh Hòa (huyện Tân Châu, An Giang). Trên sông Hậu các khu vực bị “bà thủy” đe dọa là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, xã Kiến An, huyện Chợ Mới (An Giang)...

Theo thống kê chưa đầy đủ của ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, hiện Đồng Tháp có khoảng 5.000 gia đình sống trong vùng sạt lở cần di dời đến nơi an toàn, An Giang có hơn 1.600 gia đình cần di dời. Còn tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 4.000 hộ với khoảng 17.000 người đang sống trong vùng ảnh hưởng sạt lở, bão lũ cần được di dời đến nơi an toàn.

Theo UBND xã An Hóa, hiện xã không còn quĩ đất để di dời dân. Khi nạn sạt lở bờ sông diễn biến ngày càng gay gắt, UBND xã An Hóa vận động được gần 20 gia đình có vườn đất ở nơi khác di dời nhà về nơi ở mới, riêng số còn lại vẫn phải liều mình bám trụ tháo dỡ nhà, thu gọn lại để tránh bờ sông đang sạt lở được chừng nào hay chừng đó chứ không thể dời đi nơi khác vì... không có đất.

Lý giải về hiện tượng sạt lở bờ sông An Hóa ngày càng nghiêm trọng, ông Nguyễn Minh Hoàng - bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch ủy ban xã An Hóa - và các bô lão nói: “Theo chúng tôi, từ ngày ngăn dòng Ba Lai thì lượng nước đổ vào sông An Hóa tăng lên đột ngột, dòng chảy thay đổi và nhiều ghe tàu lớn qua lại làm lở bờ sông. Không chỉ bờ phía An Hóa lở mà bờ sông phía Long Hòa, Long Định của huyện Bình Đại cũng sạt lở nhiều không kém. Trước đây ngã ba sông An Hóa và Ba Lai có cù lao Bà Ba Đáng rộng mấy hecta xanh um cây cối, nhưng bây giờ dòng nước đã cuốn sạch không còn dấu tích”.

Trong khi đó UBND xã An Hóa cho hay tình trạng sạt lở bờ sông đe dọa đời sống hàng trăm người đã được báo cáo liên tục về huyện, tỉnh; nhiều đoàn đã đến nghiên cứu, khảo sát (kể cả những đoàn khảo sát của Bộ GTVT và Bộ NN&PTNT) hứa xây bờ kè chống sạt lở nhưng đến nay tất cả đều im hơi lặng tiếng, người dân trong vùng vẫn phải gồng mình hứng chịu sự phẫn nộ của thủy thần.

Ông Cao Tấn Khổng, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho chúng tôi biết tỉnh cũng rất bức xúc trước tình trạng sạt lở bờ sông An Hóa nhưng vấn đề này liên quan đến nhiều công trình, dự án thủy lợi bắc Bến Tre; hoàn thành những dự án lớn này mới có thể giải quyết căn cơ nạn sạt lở của sông An Hóa. “Tuy nhiên vấn đề này cần rất nhiều vốn, thực lực của Bến Tre không đủ đảm đương mà phải cần trung ương hỗ trợ. Chúng tôi đã trình trung ương vấn đề này. Trước mắt tỉnh đang yêu cầu địa phương khảo sát thống kê những gia đình nào cần di dời khẩn cấp khỏi vùng nguy hiểm báo với tỉnh để tìm giải pháp giúp đỡ, không để xảy ra thiệt hại tính mạng, tài sản của dân” - ông Khổng nói.

Còn ông Lương Ngọc Lân - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu - cho biết: “Trong tương lai thị trấn Gành Hào của huyện Đông Hải sẽ được nâng lên thành thị xã nên tỉnh đang chuẩn bị xây dựng một khu tái định cư dành cho các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao ven sông Gành Hào. Vốn đầu tư cho dự án này dự kiến sẽ lấy từ nguồn vốn bán trái phiếu chính phủ”. Đối với các huyện khác như Giá Rai, Phước Long..., theo ông Lương Ngọc Lân, muốn đầu tư các cụm tuyến dân cư cho người dân vùng sạt lở cần phải tìm quĩ đất và khó khăn nhất vẫn là không tìm được vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường học...

An Giang: sẽ di dời hơn 19.000 căn nhà trên sông, kênh, rạch

TT (An Giang) - Từ nay đến năm 2020 tỉnh sẽ di dời 19.690 căn nhà trên sông, kênh, rạch thuộc 115/154 xã phường, thị trấn trong tỉnh (trong đó có 1.099 căn thuộc khu vực có nguy cơ sạt lở). Đó là nội dung chính của đề án di dời nhà trên sông mà UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt.

Số nhà di dời nói trên gồm 443 căn lều, 10.314 căn nhà tạm, 8.330 căn nhà cấp 4 và 603 căn nhà cấp 3. Số nhà trên được di dời theo tiêu chí thứ tự như sau: là nhà xây cất trên các tuyến sông có nguy cơ sạt lở; nhà xây cất trên các tuyến sông có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng; nhà xây cất gây mất mỹ quan khu vực và làm cản trở giao thông thủy; nhà xây nằm trong khu vực qui hoạch đầu tư xây dựng các công trình phát triển kinh tế -xã hội. Trường hợp nhà xây cất trên sông rạch một phần nhưng đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường và phù hợp với qui hoạch bố trí dân cư thì địa phương xem xét có thể không cần di dời.

Tiến độ di dời nhà trên sông, kênh, rạch được chia làm hai giai đoạn gồm: giai đoạn 1 từ nay đến năm 2010 di dời 5.911 căn (chiếm 30%), giai đoạn 2 từ năm 2011-2020 di dời 13.779 căn (chiếm 70%).

HÙNG ANH - NGỌC DIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên