Long Thành diễn xướng với các tiết mục diễn xướng dân gian của Nhà hát Chèo Hà Nội được đỏ đèn lúc 17g30 trong suốt năm 2015 ở 15 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Trong ảnh: trích đoạn Thị Mầu lên chùa - Ảnh: Đức Triết |
Lo được cho anh em có đời sống vững vàng ở những năm sân khấu đầy thăng trầm thế này là cái tài của Thúy Mùi. Thế nhưng ở gương mặt nổi bật của sân khấu kịch hát này, tôi còn thấy cô ấy tràn đầy những khát vọng nghệ thuật và đã có thành công. Sân khấu hôm nay cần những nghệ sĩ, nhà quản lý tâm huyết như thế |
PGS Tất Thắng |
Đó chính là việc NSƯT Thúy Mùi đầu tư tiền tỉ cho vở diễn, thực hiện dự án sân khấu học đường với vài chục tỉ đồng, lo cho nghệ sĩ sống được bằng nghề giữa thời kịch hát dân tộc đang chao nghiêng...
Thế mà không dừng ở đó, khởi đầu năm 2015 Thúy Mùi còn có thêm “cuộc chơi” đầy mạo hiểm khác. Chấp nhận (có thể) “lỗ” tiền tỉ, từ ngày 5-1 Thúy Mùi mở chương trình Long Thành diễn xướng để tiến đến cái đích: rạp 15 Nguyễn Ðình Chiểu, Hà Nội của nhà hát sẽ trở thành một địa chỉ của du khách!
Hẹn hò, hò hẹn mãi, Thúy Mùi mới xếp được lịch gặp gỡ. Cũng vì chị lúc nào cũng bù đầu với bao kế hoạch...
Khát vọng từ cuộc chơi... cũ rích!
Vào câu chuyện, Thúy Mùi tự bình phẩm về dự án biểu diễn phục vụ khách du lịch hằng ngày (lúc 17g30) mà chị bắt đầu làm là một việc... cũ rích. Nhưng chị lại mở ngoặc: cũ rích đấy mà đã nghệ thuật truyền thống nào làm được đâu, trừ múa rối nước.
Chẳng thế mà hay tin Thúy Mùi rục rịch xây dựng chương trình phục vụ khách du lịch, bạn bè, đồng nghiệp tỏ ý lo lắng: hàng loạt chương trình nghệ thuật tổng hợp, điển hình như Hồn Việt - đầu tư lớn về chất lượng nghệ thuật, diễn ở nơi sang trọng (Nhà hát Lớn) mà rồi cũng... phải ngưng, đằng này chỉ là sân khấu chèo truyền thống?
Thế mà Thúy Mùi thì chỉ... tủm tỉm cười. Nụ cười ấy khiến ai thấy cũng vững tin vì hiểu người phụ nữ này tuy bé nhỏ, mảnh dẻ nhưng có cái “gan” đã nói là làm...
Thật ra, bên ngoài cứ đủng đà đủng đỉnh là vậy nhưng mấy ai biết Thúy Mùi đã bao lần “thắt lòng” trước bài toán này. Ðấy là trong những năm 2008, 2009, 2010, chị dựng chương trình cho khách du lịch cũng tại địa chỉ 15 Nguyễn Ðình Chiểu nhưng tuổi thọ kéo dài chẳng được bao.
“Năm ấy đã quyết tâm lắm nhưng tại mình làm chưa chặt chẽ. Hợp đồng tour nhiều khi chỉ bằng miệng thành thử các suất diễn không đều. Và những năm ấy vốn liếng nhà hát cũng mỏng, không thể cáng đáng được!” - Thúy Mùi ngậm ngùi lý giải.
Từ câu chuyện ảm đạm ấy, nhiều người những tưởng Thúy Mùi đã “tắt lửa lòng” với khách du lịch. Nhưng ai dè... lửa lòng chị vẫn giữ, vẫn tự đốt mình suốt ba năm qua.
Và đến bây giờ, khi đã tìm được đối tác là các công ty lữ hành trong nước với hợp đồng đỏ đèn liên tục trong năm 2015 cũng như tìm cách tiếp cận các công ty lữ hành quốc tế, chị mới bất ngờ tung ra Long Thành diễn xướng.
Từ đào thương đến hề chèo Thúy Mùi không nhận mình là “hàng sao” trong đội ngũ nghệ sĩ chèo đất Bắc dù rằng chị có giọng hát hay, cách diễn ngọt và khuôn mặt tròn trịa với ánh nhìn lúng liếng. Chị luôn tự giễu mình có vóc dáng nhỏ bé và mang chiều cao... khiêm tốn. Thế nên, dù đã để lại dấu ấn ở một số vai đào thương như Ỷ Lan trong Lý Thường Kiệt, nàng Mai trong Người Thiên Ðô... nhưng Thúy Mùi vẫn ghi danh sang hề chèo khi chị cố gắng khai thác tiềm năng “bé nhỏ” ấy với vai mẹ Ðốp trong Quan âm Thị Kính, góp thêm một cách “cù” khán giả và cù tài đến nỗi vai bà già ra thành phố của chị đã giành huy chương vàng trong Liên hoan sân khấu hài toàn quốc năm 2011. |
Khi được chị mời đến thưởng thức chương trình, nhiều người không chỉ bị cuốn hút trước những màn múa Hứng dừa, hát xẩm Lấy phải chồng già, chầu văn Cô bé thượng ngàn, trích đoạn chèo cổ Thị Mầu lên chùa mà còn ngỡ ngàng khi thấy chị đã táo bạo cải tạo lại sân khấu, biến hóa không gian vốn dành riêng cho những đêm diễn chèo thành không gian nghệ thuật kết hợp giữa diễn xướng dân gian với múa rối nước, gồm các trò như Tễu - giáo trò, Cấy cày nông nghiệp, Loan phượng, Tứ linh.
Dẫu rằng còn phải đầu tư nhiều hơn nữa để không gian ấy thật sự lung linh, các trò diễn thật sự ấn tượng nhưng rõ ràng Thúy Mùi đã không chịu “ngồi yên” để địa chỉ 15 Nguyễn Ðình Chiểu trở thành cơ quan văn phòng đơn thuần của nhà hát (sau khi có rạp Ðại Nam), mà chị thật sự muốn nơi đây dập dìu khách du lịch.
Còn về kinh tế, búng búng những ngón tay xương xương, chị hạch toán:
“Năm đầu giảm 1/2 giá vé. Lỗ đến tiền tỉ là cái chắc. Nghĩa là mọi chuyện vẫn đang ở phía trước... Biết là đầy chông gai và thử thách nhưng chúng tôi chấp nhận”.
“Nhưng lỗ như thế, “chơi” mãi sao được?”. Thúy Mùi hóa giải thắc mắc ấy:
“Lỗ ở đây là nếu tính công suất làm việc bên ngoài của nghệ sĩ với các hợp đồng 70-80 triệu đồng/đêm diễn. Nghĩa là mấy năm trước, nếu hết quý nhà hát sẽ thưởng thêm ngoài lương cho nghệ sĩ dăm triệu/người thì năm nay phần thưởng đó được đem bù... lỗ cho chương trình du lịch. Và câu chuyện này chỉ được phép xảy ra trong một năm. Sau đó, mọi
chuyện sẽ phải sang trang khác”.
Vậy đấy, Thúy Mùi đã dám “tước” cái lợi trước mắt để mua lấy cái lợi lâu dài cho nghệ sĩ như thế. Nhưng để làm được điều đó đâu có dễ, nếu như bao năm qua chị không cần mẫn gieo cho nghệ sĩ những niềm tin, giúp họ xây dựng một đời sống sống được bằng nghề.
Và “cuộc chơi” của những “cơn say”
Mấy năm qua, Hà Nội đã có những tháng ngày lao xao về một số vở chèo được đầu tư tiền tỉ của Nhà hát Chèo Hà Nội. Mở đầu là vở Oan khuất một thời (2009), tiếp đến là vở Vương nữ Mê Linh (2013). Ai dám “chơi khủng” thế? Thúy Mùi đấy!
“Cuộc chơi” khủng này của Thúy Mùi được bắt đầu từ những “cơn say”. Chị “say” với một sân khấu chèo không phải là sự giản đơn của tấm chiếu chèo trải giữa sân đình, mà phải là sự tái hiện đầy đủ, chính xác, tinh tế và hoành tráng.
Chị “say” với những trang phục người Việt trong những sắc màu lung linh, kỳ bí mà rất đặc trưng của từng giai đoạn lịch sử chứ không phải trang phục thời nào cũng giống thời nào. Và cả những vũ điệu trong từng vở diễn nữa, chị thấy đã đến lúc không thể coi múa chỉ là minh họa mà phải là một lớp diễn có tính nghệ thuật cao của các vũ công lành nghề...
Trong muôn điều “say” ấy đều hướng đến một nỗi lòng: “Phải để khán giả đã đến rạp là công nhận chèo bắt kịp thời đại!”.
Ðể hiện thực hóa những “cơn say”, Thúy Mùi đã kết giao với Sỹ Hoàng ở mãi trời Nam xa xôi. Và Sỹ Hoàng đã rất nhọc nhằn trong công việc chăm lo thiết kế cho các vở diễn tiền tỉ của chèo Hà Nội. “Tôi nể những khát vọng nghệ thuật của chị nên cũng dốc sức mình...” - nhà thiết kế Sỹ Hoàng chia sẻ.
Quả tình bằng việc mạnh dạn đầu tư ra tấm ra món như thế, Nhà hát Chèo Hà Nội đã cống hiến cho khán giả những đêm diễn tưng bừng. Từ Oan khuất một thời đến Vương nữ Mê Linh, khán giả được chìm đắm trong không gian nghệ thuật chèo mới lạ, hiện đại mà vẫn đậm chất cổ được đan cài tinh tế.
Ðặc biệt, vở Oan khuất một thời còn được nhà hát đưa vào Sài Gòn để diễn phục vụ khán giả phía Nam. Suốt một tuần sáng đèn, Nhà hát TP.HCM luôn chật kín. Và trong hai vở đồ sộ ấy, Thúy Mùi trực tiếp đạo diễn một vở - Vương nữ Mê Linh - vở diễn giành HCV cùng giải đạo diễn xuất sắc trong Liên hoan chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013.
Đi tiếp với khán giả tương lai
Một “cuộc chơi” khác mà Thúy Mùi đeo đuổi lâu nay là cuộc đi tìm khán giả tương lai cho chèo. “Nếu không đi tìm khán giả thì sau chừng 5-10 năm nữa chèo sẽ không còn ai đến xem”.
Thật không thể nào tin được bà giám đốc đang nổi danh vì chèo lái vững vàng con thuyền nhà hát giữa thời kinh tế thị trường mà lại thốt ra như thế khi nói về khán giả.
Ném cái nhìn rất đanh, chị đặt câu hỏi: “Chúng tôi chấp nhận chịu phạt vì quảng cáo cho vở diễn quá rầm rộ. Chúng tôi chịu chi tiền tỉ để dựng vở chất lượng cao. Vậy nhưng không phải lúc nào cũng đông khách đến rạp. Tại sao đây?”.
Hỏi như thế để rồi Thúy Mùi kể cho tôi nghe những kỷ niệm chị cùng anh em “lăn lộn” thị trường, trực tiếp đi bán từng tấm vé. Bán được vé tưởng là mừng nhưng với chị lại thấy buồn, thấy lo lắng.
Bởi lẽ trong hàng nghìn cuộc gặp gỡ, trò chuyện chị nhận ra rằng khán giả của chèo đang cạn dần. Những người 70-80 tuổi thích chèo nhưng không đủ sức để đến rạp. Lứa tuổi 30-50 thì quá bận rộn mưu sinh. Chị đã gọi đấy là thực tế đau buồn nhất của sân khấu chèo hôm nay và mai sau.
Và rồi cái ngang bướng, cái quyết làm trong chị lại nổi lên và thôi thúc chị lao vào tìm kiếm - tìm kiếm khán giả tương lai cho chèo. Cuộc tìm kiếm này được Thúy Mùi nhắm tới các dự án sân khấu học đường.
Ðầu tiên là tham gia giai đoạn 2 dự án của Bộ VH-TT&DL (2007-2010). Dự án kết thúc, chị lại đi gõ cửa UBND TP Hà Nội. “Tôi mừng khôn tả khi được UBND TP phê duyệt dự án này, bắt đầu thực hiện từ năm 2013. Cả TP có 1.500 trường học và chúng tôi sẽ đến với các trường với ba năm quay vòng” - Thúy Mùi nói.
Cùng với đó, trong khả năng của nhà hát, Thúy Mùi còn tiến hành dựng vở cho thiếu nhi nhân ngày 1-6, rằm Trung thu, dịp hè. Ðể thêm cuốn hút bọn trẻ, chị mời NSƯT Minh Vượng cộng tác và dựng những câu chuyện cổ tích nổi tiếng để các em được kể cùng nghệ sĩ. Thế là lần đầu tiên trẻ em Hà Nội có được sân khấu chèo dành riêng cho mình ở Nguyễn Ðình Chiểu, Ðại Nam.
Nhìn Thúy Mùi thì thấy các em vui một, chị vui mười. Vì chị hi vọng từ đây nghệ thuật chèo sẽ ngấm vào máu thịt các em để sau mươi - mười lăm năm nữa các em chính là chủ rạp trong mỗi đêm vang vọng trống chèo...
Người vợ chỉn chu
Sáng dậy sớm đi chợ, đưa con đến trường. Tối lo đủ bữa cơm, canh ngon ngọt và cả nhà sum vầy. Dẫu “trăm công nghìn việc” nơi nhà hát nhưng Thúy Mùi lúc nào cũng chỉn chu với gia đình mình như thế. Tuy nhiên, chị vẫn áy náy: “Cũng có lúc bận quá không về kịp lo bữa tối hoặc vừa ăn xong đã phải đi công việc làm mình áy náy lắm. Ông xã hiểu vợ, thương vợ chỉ... cười khì!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận