Phóng to |
Bùi Kim Thuý |
“Nếu muốn, em có thể làm được”
Tháng 4-2005, qua lời giới thiệu tình cờ của một người quen, Thuý biết đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đang đi tìm người thể hiện một vai diễn chính trong bộ phim truyền hình dài tập “Một thời đã sống”.
Không muốn sử dụng những gương mặt đã quen thuộc, đạo diễn Thanh Vân cùng trợ lý của mình, một sinh viên khoa đạo diễn, ĐH SKĐA Hà Nội phải lân la nhiều nơi để tìm người cho vai diễn chính nhưng gần đến ngày quay rồi vẫn tìm chưa ra.
Được giới thiệu, phục trang đơn giản, Thuý tự tin lên Hãng phim truyện Việt Nam, số 4 Thuỵ Khuê gặp đôi vợ chồng đạo diễn có tiếng là nhạy cảm trong việc tìm những gương mặt mới: Thanh Vân - Nhuệ Giang.
Qua một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, 2 tuần sau, Thuý biết mình được chọn, tất nhiên cũng phải qua công đoạn diễn thử. Sau này, khi thân thiết hơn, cô được đạo diễn bật mí, lý do, ngoài ngoại hình phù hợp là câu trả lời của cô tạo cảm giác tin tưởng. Khi đạo diễn buột miệng nói: “Trông mỏng manh thế này thì làm sao đóng được cảnh chân lấm tay bùn?”, Thuý cười: “Nếu muốn, em có thể làm được”.
Với Nguyễn Thanh Vân, thái độ ấy là một điểm cộng để suy tính.
Dân không chuyên làm việc rất “pro”
Cầm kịch bản, Thuý chỉ có 1 tuần để đọc trước khi lên đường đi Yên Bái, Hoà Bình và Hà Tây cho 3 tháng quay. Trường không cho phép sinh viên nghỉ tự do, nhưng lịch quay của đoàn đã lên kế hoạch, không dời lại được. Tổng cộng, đạo diễn và chủ nhiệm phim phải vào Học viện Quan hệ quốc tế tới 4-5 lần để xin phép cho cô nghỉ 10 ngày (lúc ấy là giai đoạn cuối học kỳ).
Bối cảnh quay chính, nơi diễn ra 2/3 phần quay của phim, là xóm Can, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình. Nơi đây là một vùng rừng thiêng nước độc, nằm ở thung lũng rất chướng khí, đoàn phim thay nhau ốm, “ốm lăn lóc, ốm liểng xiểng” (từ của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) đến mức phải làm một tủ thuốc miễn phí để phục vụ anh em trong đoàn.
Trong hoàn cảnh ấy, Thuý được đạo diễn ghi nhận thêm một điểm cộng: “Cực kỳ kiên trì, rất lỳ lợm, không kêu than. Tạm gọi là một thái độ làm việc chuyên nghiệp của thành phần không chuyên nghiệp”.
50 ngày quay ở đây, thời gian đó lại trùng với đợt thi học kỳ. Ngày đi quay, tối tranh thủ giở sách học ôn giữa tiếng côn trùng vo ve quanh ánh đèn đêm ở xóm núi. Cứ đến ngày thi, đoàn lại cho xe máy hoặc xe u-oát chở ra thị xã Hoà Bình để cô bắt xe khách về Hà Nội dự thi, hôm sau lại leo ô-tô “ngược ngàn” để đúng tiến độ quay của đoàn.
8 môn thi, 8 lần như thế. Mệt, nhưng đó là những kỷ niệm thú vị mà sau này khó có lại được. Kỳ ấy, Thuý vẫn được học bổng!
Hoa khôi đa tài
Cấp 3 học chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, Thuý dự định lên đại học theo ngành Y, nhưng bố mẹ, một cách rất kiên quyết, chỉ muốn con gái đi theo ngành Ngoại giao. Sau này, “càng ngày càng thấy định hướng của phụ huynh là đúng, phù hợp với khả năng và tính cách của mình” - Thuý bảo.
Đợt thi ĐH năm 2001, cô chỉ thi đúng một trường - Học viện quan hệ quốc tế và đậu á khoa. Năm thứ nhất đi dạy gia sư, những năm sau đi làm lễ tân và phiên dịch trong các hội chợ. Kinh nghiệm đến từ những va chạm trong cuộc sống, nên trò chuyện, thấy những suy nghĩ của cô trưởng thành hơn so với ánh mắt và nụ cười có phần trẻ con.
Trong đêm chung kết “Miss IIR” (Miss Institute for International Relations) lần 1 (năm 2004), Thuý không phải là gương mặt hút hồn nhất, thậm chí nhiều người cho rằng, trông cô nhàn nhạt. Nhưng, càng đi sâu vào các vòng trong, ấn tượng về cô càng rõ nét, qua phong cách bình thản và khả năng làm chủ tình huống, bên cạnh tác phong có phần lúng túng hoặc thái độ đôi khi quá tự tin của một số bạn thi.
Cũng khả năng ứng xử linh hoạt ấy giúp cô được tín nhiệm làm MC trong nhiều chương trình của Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao. Thuý cũng thích và có chút năng khiếu viết lách. Trước đây, cô đã có khá nhiều thơ và truyện ngắn đăng trên báo Hoa học trò và Sinh viên.
Với vốn tiếng Anh và tiếng Trung lưu loát, hiện tại, Thuý là cộng tác viên của chuyên mục “Thị trường và dịch vụ” của VTV4. Hiện tại, cô đã có vài phóng sự được chú ý như chủ đề về thị trường hàng hiệu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động xuất khẩu, mô hình phát triển của resort phục vụ mùa du lịch hè 2006…
Cuối tháng 6 này, Thuý sẽ bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Cô là sinh viên duy nhất của khoa Kinh tế quốc tế làm luận văn bằng tiếng Anh, với đề tài “Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc và những tác động đến nền kinh tế của Việt Nam”.
Tháng 8, phim Một thời để sống sẽ ra mắt...
Có lẽ, cái tên Bùi Kim Thúy sẽ được báo chí nhắc đến, nhiều hơn, trong một tương lai gần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận